10 năm đưa giấy dó vào đời sống đương đại

Thành công của Trần Hồng Nhung - nhà sáng lập Zó Project trong suốt 10 năm qua, đã khiến giấy dó truyền thống hiện diện trong đời sống hiện đại.

Trưng bày và mở xưởng 'Hành trình của xơ sợi và giấy dó' đang diễn ra tại Ecopark Văn Giang (Hưng Yên).

Trưng bày và mở xưởng 'Hành trình của xơ sợi và giấy dó' đang diễn ra tại Ecopark Văn Giang (Hưng Yên).

Thành công của Trần Hồng Nhung - nhà sáng lập Zó Project trong suốt 10 năm qua, đã khiến giấy dó truyền thống hiện diện trong đời sống hiện đại với sự sang trọng vốn có của một di sản.

“Người ta bán vạn, buôn ngàn/ Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi/ Dám xin nho sĩ chớ cười/ Vì em làm giấy cho người viết thơ” – câu thơ khuyết danh ấy không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp của người làm giấy xưa, mà còn ngầm ẩn giá trị của giấy dó truyền thống.

Thế nhưng thời cuộc chóng tàn, rất ít người nay biết về giấy dó và những ứng dụng tuyệt vời của loại giấy đã theo ông cha cả nghìn năm nơi trường ốc.

Vẻ đẹp lấp lánh của di sản

Từ ngày 3/8 và diễn ra đến hết tháng 8 tại 49 Thảo Nguyên, Ecopark Văn Giang (Hưng Yên), trưng bày và mở xưởng “Hành trình của xơ sợi và giấy dó” được tổ chức sau 2 tháng miệt mài làm việc giữa các chuyên gia, thợ thủ công, nhà thiết kế và 2 sinh viên thuộc Đại học Wisconsin - Madison (USA).

Nhóm hoạt động muốn trưng bày những sản phẩm thiết kế từ giấy và xơ sợi dó - như những tác phẩm nghệ thuật, để chuyển tải tới công chúng những ứng dụng của giấy dó trong đời sống đương đại.

Chuyên gia giấy và xơ sợi dó Trần Hồng Nhung, cũng là người sáng lập của Zó Project đã dẫn dắt 2 sinh viên người Mỹ là Kyla và Madeline, thợ thủ công Trần Thủy Tiên và nhà thiết kế nội thất Tạ Nguyễn Đan Thư cùng đồng hành trong hành trình đầy biến ảo.

“Trước đây, mọi người thường thấy hình thái một tờ giấy dùng để viết, vẽ; giờ đây chúng ta có thể khám phá giấy với vẻ đẹp xơ sợi. Phải thật sự hiểu về nghề làm giấy, về quá trình tạo thành tờ giấy mới có thể đủ sức sáng tạo ngay từ khi nó còn chưa là tờ giấy.

Bạn có thể biển đổi được tờ giấy đó trở thành một vật liệu hơn cả giấy để có thể làm được những thứ đáng ngạc nhiên”, nhà sáng lập Zó Project cho hay.

Trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy dó của người Việt ra đời từ khá sớm và là nguồn cung đặc biệt cho việc in ấn kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian. Đây cũng là chất liệu dùng để chế tác giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại.

Giấy dó truyền thống dù mộc mạc nhưng có tính dai, bền, hút ẩm tốt, một tờ giấy dó sản xuất đúng công đoạn, quy trình có thể lưu giữ hàng trăm năm.

“Nhịp chày Yên Thái” chính là tiếng chày giã vỏ cây dó để làm nên loại giấy truyền thống này của người Kẻ Bưởi xưa. Giấy dó được làm thủ công bằng vỏ cây dó hoặc cây dướng (loại cây có dạng sợi xen-lu-lô dài) và phải trải qua 35 công đoạn chính, mất từ 7 - 10 ngày mới cho ra sản phẩm đạt yêu cầu. Vì quy trình làm giấy dó rất phức tạp nên buộc người thợ cần phải tỉ mỉ, khéo léo.

Kỳ công là thế, nhưng trải qua những biến thiên lịch sử và thời cuộc, giấy dó dần biến mất. Cũng có thể coi giấy dó như một di sản văn hóa, đã từng hiện diện từ thư phòng chốn bình dân đến thư các nơi cung đình, từ trường học nơi làng xã đến trường ốc các vòng thi chọn tiến sĩ. Thế nhưng khi di sản dần mất đi, mấy ai lưu luyến giữ lại, hay mảy may động lòng tiếc nuối thứ đã góp công lưu lại những bản hùng văn như: Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều…

 Nhóm nghệ sĩ thực hiện các tác phẩm cho triển lãm.

Nhóm nghệ sĩ thực hiện các tác phẩm cho triển lãm.

Nối lại sợi dây truyền thống với hiện đại

Trước nguy cơ giấy dó rơi vào lãng quên, năm 2013 Trần Hồng Nhung lúc đó còn là một cô gái trẻ đã đứng ra thành lập dự án Zó Project.

Mặc dù xuất thân là một thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Pháp, nhưng không phải là người làng nghề, cũng không có kiến thức về giấy dó nên lúc này, cô gái trẻ không biết phải bắt tay như thế nào, bắt đầu từ đâu để nối lại sợi dây đã đứt của truyền thống với đời sống hiện tại.

Hồng Nhung lặn lội về các làng nghề làm giấy ở Bắc Ninh, Hòa Bình tìm hiểu, thấy nguyên liệu làm giấy khan hiếm, quá trình sản xuất thủ công vất vả, giá thành sản phẩm không cao khiến nghệ nhân không còn mặn mà.

Cô muốn tìm một phương thức mới trong bảo tồn. Kinh doanh giấy dó không thể giải quyết bằng mô hình thương mại truyền thống “mua rẻ bán đắt”, mà bắt buộc phải bằng mô hình kinh doanh xã hội, tính đến bảo tồn vùng nguyên liệu, môi trường và các giá trị văn hóa.

 Một tấm lịch xinh đẹp trên nền nguyên liệu giấy dó.

Một tấm lịch xinh đẹp trên nền nguyên liệu giấy dó.

Độc hành trên con đường tìm lại truyền thống, sau nhiều năm đi mây về gió đến khắp các nơi đã tôi rèn cô gái trẻ thành một chuyên gia về giấy và xơ sợi dó. Qua đôi tay của Hồng Nhung, giấy dó giờ đây không chỉ có tác dụng để viết thư pháp, vẽ tranh, in ấn thư tịch…, mà còn được thổi hồn vào đó hơi thở của đời sống hiện đại.

Dó được hiện diện trong nhiều mặt của cuộc sống như: Sổ sách, thiệp mời, thiệp chúc mừng, trang sức, túi xách, và tương lai là thời trang.

Không chỉ thành công với các triển lãm, các sản phẩm ứng dụng ở trong nước, Trần Hồng Nhung và Zó Project cũng thành công đưa giấy dó cùng các sản phẩm hiện đại được làm từ giấy dó ra các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Đức, Ý, Úc… để lan tỏa tinh thần và văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tích cực hơn khi mới đây, Zó Project có cơ hội hợp tác với phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu về nghề truyền thống làm giấy dó của người Kẻ Bưởi xưa tại 189 Trích Sài.

“Hơn 10 năm qua, chúng tôi luôn chờ đợi và mong mỏi được trở về với cái nôi của giấy dó. Giấy dó đã và đang được nỗ lực bảo tồn kiến thức làng nghề và làm cho nó trở nên sống động hơn một lần nữa trong cuộc sống hiện đại của chúng ta”, chị Trần Hồng Nhung chia sẻ.

“Giấy dó với lịch sử hơn 800 năm cần được khơi dậy các giá trị và tìm lại được chỗ đứng mới trong đời sống, với các sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Chúng ta cần hiểu sâu để hạn chế những nhược điểm và phô bày được vẻ đẹp của xơ sợi trong quá trình chế tác thủ công của giấy dó.

Trong triển lãm lần này, chúng tôi giới thiệu 3 loại giấy đặc biệt sẽ xuất hiện tại Tokyo Giftshow tháng 9/2024: Giấy cậy, giấy chàm và giấy nhăn, với việc áp dụng các kĩ thuật dân gian nhằm tăng tính bền dai và khả năng chống nước”, chị Trần Hồng Nhung – nhà sáng lập Zó Project cho biết.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/10-nam-dua-giay-do-vao-doi-song-duong-dai-post694658.html