10 năm lận đận của dự án điện phân nhôm Đắk Nông

Dù được khởi động từ gần 10 năm trước, dự án sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong đầu tư triển khai.

Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông tại KCN Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Ảnh: Truyền hình Đắk Nông)

Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông tại KCN Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Ảnh: Truyền hình Đắk Nông)

Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông là dự án sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam, đặt tại tỉnh Đắk Nông, nơi có nguồn quặng bauxite lớn nhất cả nước, do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư.

Dự án có công suất thiết kế 450.000 tấn nhôm/năm với nhu cầu alumina khoảng 900.000 tấn/năm. Khi đi vào sản xuất, dự án bao tiêu toàn bộ sản lượng alumin của Nhà máy alumina Nhân Cơ (630.000 tấn/năm) và một phần sản lượng của Nhà máy alumina Tân Rai (270.000 tấn/năm), đồng thời cung cấp đủ toàn bộ lượng nhôm phải nhập khẩu hiện nay.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 680 triệu USD (trong đó 80% là vốn vay). Theo tính toán, dự án sẽ đóng góp cho GDP tỉnh khoảng 900 triệu USD/năm, nộp ngân sách nhà nước bình quân khoảng 70 triệu USD/năm, thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp.

Đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 có xét đến năm 2025, hình thành nhà máy sản xuất nhôm nguyên chất xuất khẩu, tiến tới hình thành các ngành công nghiệp chế biến sâu từ nhôm và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Tại thời điểm hình thành dự án, một số đối tác nước ngoài từ Nhật Bản, Malaysia, Singapore... đã bày tỏ nguyện vọng hợp tác với Trần Hồng Quân tiêu thụ nhôm thô để sản xuất các sản phẩm chế biến sau nhôm (nhôm định hình, vành xe ô tô, vỏ hộp, sản phẩm cơ khí nhôm hợp kim) ngay tại KCN Nhân Cơ.

Thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự án được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định về thuế, giá điện, tiền thuê đất, được ưu tiên cung cấp nguyên liệu alumina và điện cho sản xuất..., được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN Nhân Cơ để phục vụ cho dự án. Khi đi vào hoạt động, dự án được kỳ vọng tạo động lực quan trọng cho hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sau nhôm tại Đắk Nông.

Tháng 6/2014, Chính phủ đã phê duyệt các cơ chế ưu đãi cho dự án điện phân nhôm Đắk Nông. Theo đó, dự án sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm.

Đồng thời, dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Ngoài ra, dự án còn được nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất (áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư).

Về giá điện, dự án được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 5cent/kWh) trong 10 năm đầu, kể từ thời điểm nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm, đảm bảo dự án thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.

Bộ Công thương cho biết, dự kiến chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án trong 10 năm giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu USD (khoảng 4.800 tỷ đồng). Theo tính toán nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 là 420 triệu USD; bình quân 14 triệu USD/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án giai đoạn 2016-2025 thì còn dư nộp ngân sách 190 triệu USD.

Tháng 9/2014, Công ty Trần Hồng Quân động thổ dự án và khởi công vào năm 2015. Dự kiến cuối năm 2016, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, với công suất đạt từ 300.000 - 450.000 tấn nhôm/năm, doanh thu hàng năm ước đạt 1,35 tỷ USD. Chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy và cho ra sản phẩm nhôm kim loại đầu tiên vào cuối năm 2017, năm 2019 đạt công suất thiết kế 450 nghìn tấn/năm.

Tỉnh Đắk Nông rất kỳ vọng vào dự án này nên đã chuẩn bị 1 KCN phụ trợ diện tích 400ha (KCN Nhân Cơ 2 được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020) để phát triển các sản phẩm từ nhôm.

Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án vẫn nằm chờ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về chính sách và đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa vào sản xuất. Một trong những yếu tố khiến dự án điện nhôm này chưa thể triển khai là cơ sở hạ tầng KCN Nhân Cơ chưa được hoàn thiện thời gian qua.

Đầu tháng 4/2023, Sở Công thương cho biết, dự án điện phân nhôm Đắk Nông đến nay đã đầu tư xây dựng xong phần xây dựng cơ bản các hạng mục của công trình. Hiện chủ đầu tư đã thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án và đã lựa chọn Công ty TNHH xây lắp luyện kim màu (Nhà thầu NFC) là Tổng thầu EPC cho gói thầu chế tạo, cung cấp và lắp đặt thiết bị cho dự án, hai bên đã thống nhất Hợp đồng tổng thầu EPC.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đặc biệt là để cho chủ đầu tư an tâm tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng cũng như lắp đặt thiết bị theo kế hoạch, sở này đang tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành để chủ trì, phối hợp tỉnh Đắk Nông đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và thực hiện chủ trương nhất quán về cơ chế, chính sách áp dụng đối với dự án theo Công văn 11026/VPCP-CN ngày 3/12/2019 của Văn phòng Chính phủ về đầu tư dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.

Trong chương trình công tác tại Trung Quốc từ ngày 13-19/3 vừa qua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc ủy ban đã có những buổi tiếp xúc, trao đổi với những đối tác Trung Quốc.

Tại buổi làm việc với Công ty CP kim loại màu Trung Quốc (NFC), TKV và NFC đã trao đổi, đánh giá cao hợp tác hiệu quả thời gian qua giữa TKV và NFC, được cụ thể hóa qua 2 dự án nhà máy luyện đồng (số 1, 2) của Tổng Công ty Khoáng sản TKV. Hai bên thống nhất tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi bên như: chế biến đất hiếm, chế biến sâu titan và tổng thầu các công trình nhà máy điện.

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/10-nam-lan-dan-cua-du-an-dien-phan-nhom-dak-nong-1680750702071.htm