10 năm mới tăng giá, chất lượng nước Thủ đô có được cải thiện?

Ủy ban nhân dân (UBND) TP Hà Nội đã ban hành quyết định tăng giá nước sinh hoạt từ ngày 1-7, chấm dứt 10 năm bình ổn giá nước kể từ năm 2013. Tuy nhiên, điều người dân lo lắng nhất chính là chất lượng nước có được bảo đảm tương xứng với giá tiền bỏ ra.

Lộ trình tăng giá nước sạch được triển khai làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 1-7 đến 31-12-2023 và giai đoạn 2 từ 1-1-2024 đến 31-12-2024. Sau 10m3 nước đầu tiên, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt sẽ được tính theo mức tăng lũy tiến.

Cụ thể, với nhóm hộ dân cư, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá đối với 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) được điều chỉnh từ 5.973 đồng/m3 tăng lên 7.500 đồng/m3; từ trên 10-20m3 là 8.800 đồng; từ trên 20-30m3 là 12.000 đồng; từ trên 30m3 là 24.000 đồng. Từ năm 2024 sẽ là 8.500 đồng/m3 đối với 10m3 đầu tiên; từ trên 10-20m3 là 9.900 đồng; từ trên 20-30m3 là 16.000 đồng; từ trên 30m3 là 27.000 đồng.

Mức giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội theo 2 lộ trình được UBND TP Hà Nội đưa ra áp dụng từ ngày 1-7.

Mức giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội theo 2 lộ trình được UBND TP Hà Nội đưa ra áp dụng từ ngày 1-7.

Những trăn trở còn bỏ ngỏ

Mỗi tháng, chị Hoàng Lan Hương (quận Hoàng Mai) đều phải thanh toán tiền nước sinh hoạt của gia đình dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, tùy thuộc vào số khối nước đã sử dụng nhiều hay ít.

Khi nhận được thông báo tăng giá nước sinh hoạt, chị Hương không mấy ngạc nhiên vì giá cả leo thang liên tục mà giá nước vẫn “đứng yên” suốt 10 năm qua, điều này đã góp phần giảm bớt gánh nặng về chi phí sinh hoạt hằng tháng cho gia đình chị.

Từ tháng 1-2023, số mét khối nước mà gia đình chị Hương sử dụng tăng hơn hẳn, đỉnh điểm tháng 4-2023 hết 46 khối, tương đương 589.999 đồng. Nếu áp dụng cách tính mới thì tháng 4 chị Hương phải thanh toán 680.000 đồng (tăng khoảng 91.000 đồng).

Lịch sử thanh toán nước sạch của chị Hương từ tháng 1-2022 đến tháng 4-2023.

Lịch sử thanh toán nước sạch của chị Hương từ tháng 1-2022 đến tháng 4-2023.

Chị Hương cho hay: “Mức tăng giá cả nước sạch như vậy là không cao, nhưng liệu chất lượng nước sạch có được cải thiện để tương xứng với mức giá mới hay không? Nói là sạch nhưng gia đình tôi hàng chục năm nay vẫn phải dùng thêm máy lọc rồi mới đưa vào sử dụng. Thu tiền nước “sạch” thì phải bảo đảm đúng “sạch” cho chúng tôi”.

Bể lọc là cách duy nhất giúp gia đình chị Hương an tâm phần nào khi sử dụng nguồn nước sạch.

Bể lọc là cách duy nhất giúp gia đình chị Hương an tâm phần nào khi sử dụng nguồn nước sạch.

Điện tăng, nước cũng tăng khiến doanh thu cửa hàng ăn uống của anh Hoàng Văn Long (quận Thanh Xuân) cũng bị sụt giảm đáng kể. Anh Long cho biết, giá thành không thể tăng theo giá điện, nước được, làm như vậy chỉ khiến khách hàng rời bỏ nhà hàng, cơ sở kinh doanh rút khỏi thị trường và đứng trước bờ vực đóng cửa.

“Không lẽ bây giờ mỗi món ăn lại phải tăng thêm vài nghìn đồng để bù vào tiền nước? Cơ sở kinh doanh đang phải gồng mình gánh thêm số tiền tăng thêm từ điện, nước khổng lồ mỗi tháng”, anh Long nói.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở kinh doanh của anh Long sử dụng hết 5m3 nước để rửa thực phẩm, bát đũa và lau dọn…

Trung bình mỗi ngày, cơ sở kinh doanh của anh Long sử dụng hết 5m3 nước để rửa thực phẩm, bát đũa và lau dọn…

Nếu theo lộ trình, 6 tháng cuối năm, anh Long phải thanh toán phí nước sinh hoạt là 27.000 đồng/m3 và 29.000 đồng/m3 từ năm 2024 trở đi. Để thấy rõ sự chênh lệch quá lớn, anh Long đặt tính thử dựa trên 146m3 nước đã sử dụng tháng 5 (tương đương 3.221.928 đồng theo giá cũ). Còn theo lộ trình, giá nước sẽ phải thanh toán lần lượt là 3.942.000 đồng và 4.234.000 đồng.

Hiện nay, anh Long vẫn chưa thể đưa ra được giải pháp tối ưu nào để tiết kiệm được mức tiêu thụ nước sạch. Bởi lẽ, trung bình mỗi tháng, cửa hàng của anh đều sử dụng trung bình 140-160m3 nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, giá nước sạch sinh hoạt thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Trên cơ sở các nguyên tắc chung quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, TP Hà Nội xác định tính giá nước sinh hoạt phải tính đúng, tính đủ; các chi phí đều hợp lý, hợp lệ từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ. “Chất lượng nước phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, ông Nguyễn Xuân Sáng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Sở Tài chính Hà Nội cũng mong muốn sẽ nâng cao được chất lượng nước, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát về nước sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Từ đó, thu hút được các nhà đầu tư, phân phối và cung cấp nước sạch.

Cần gỡ “nút thắt”, giải “cơn khát” nước sạch

Khi tăng giá nước sạch thì doanh nghiệp cần bảo đảm người dân sử dụng chất lượng nước đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, việc cung cấp nước phải bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân ở nhiều nơi phản ánh và bức xúc về chất lượng nước và sự cố mất nước ở các khu dân cư. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nhiều năm qua.

Thiếu nước sạch khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Thiếu nước sạch khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Từ đầu tháng 5-2023, người dân tại một số khu vực của huyện Hoài Đức, Hà Nội, đặc biệt là xã Đức Thượng phải tự xoay sở để có nước sạch sinh hoạt hằng ngày trong bối cảnh nước sạch từ Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội không đủ cung cấp, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Hơn hai tháng qua, cuộc sống của nhiều hộ dân tại xã Đức Thượng đang bị đảo lộn bởi tình trạng thiếu nước sạch diễn ra trong thời gian dài, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Người dân phải tìm mọi cách để có nước sinh hoạt như mua nước từ các xe téc, khơi thông lại các giếng khoan đã lấp, hứng nước mưa, thậm chí xách xô đi xin nước từ nhà hàng xóm.

Chị Trương Thị Thu Loan (thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng) bức xúc chia sẻ: “Nhà tôi mất nước từ đầu tháng 5 đến nay, hai tháng vừa qua, nhà tôi chỉ bơm được 4 khối nước. Gọi điện lên công ty nước sạch thì họ bảo là do nguồn nước sông Đà cấp về yếu. Tháng 5 thì bảo do nắng nóng không mưa nên mực nước yếu không có nước thì đành chịu, nhưng giờ mưa suốt thì bảo bơm không đủ áp. Nhà tôi cuối ngõ nên xác định bơm sau cùng, nhưng quan trọng là không có nước vào. Các nhà trong xóm tôi, nhà nào có giếng khoan thì phải khắc phục lại thì mới có nước dùng. Cả xóm đi xách nước ở nhà ông bà có giếng khoan, trời thì nắng nóng, đi làm về xách từng xô nước mà cực không chịu được”.

Bể nước sạch của người dân tại Đức Thượng sắp cạn tới đáy.

Bể nước sạch của người dân tại Đức Thượng sắp cạn tới đáy.

Nước sạch đã quay trở lại khoảng hơn một tháng trước. Tuy nhiên, nguồn nước quá yếu không thể tự chảy vào bể chứa, nhiều gia đình ở Đức Thượng phải dùng máy bơm tăng cường để hút nước. Bà Kiều Thị Minh Thu (Khu tập thể xí nghiệp thuốc Thú Y, xã Đức Thượng) cho biết, nơi đây thường xuyên bị cắt nước. Trước đây, gia đình dùng nước của xí nghiệp Thú y nhưng từ khi chuyển sang dùng nước sạch của Công ty nước sạch Tây Hà Nội thì thường xuyên bị mất nước; khi có thì nước cũng rất yếu, gia đình bà phải dùng bơm hút mới có nước vào. Nhà bà thường phải canh lúc 11-12 giờ đêm hoặc 3-4 giờ sáng mới có nước để bơm. Nước sạch được tích trong xô, chậu, trong khi nước rửa rau, vo gạo được tận dụng để tưới cây.

Tương tự, chị Nguyễn Phương Lan (thôn Phú Đa, xã Đức Thượng) cho biết, thôn Phú Đa cũng hôm có hôm không, chồng chị phải thức đêm canh để bơm hút nước vào bể. Để ý xem giờ nào mở nước thì tranh thủ đặt máy bơm, đổ nước vào mồi để bơm. “Cứ cắm được ít nào thì được. Hôm nào ít nước, chảy yếu thì hút yếu lắm. Nhưng hôm nào nước mạnh thì hút được nhiều và nhanh hơn. Mình phải canh sao hút trước những nhà khác thì mới có nước”, chị Lan chia sẻ.

Người dân dùng xô, chậu để trữ nước.

Người dân dùng xô, chậu để trữ nước.

Để tìm hiểu nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn, mới đây, UBND xã Đức Thượng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội cho biết: Đối với vấn đề cắt nước sạch, do đơn vị điều tiết nước là Tổng Công ty sông Đà cấp tiêu thụ cho công ty khối lượng nước có hạn. Những ngày nắng nóng, đơn vị này cần 28.000m3 nước/ngày đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng, nhưng chỉ nhận được có 22.000m3/ngày đêm, thiếu hơn 20%. Đức Thượng là đơn vị cấp nước cuối nguồn, bình độ cao, dẫn đến áp lực nước thấp. Mọi phương án kỹ thuật đều đã thực hiện, tuy nhiên hiệu quả không cao. Sắp tới, phía công ty đang thực hiện dự án trạm bơm xăng tăng áp ở Sơn Đồng, Yên Sở sẽ cải thiện được tình trạng cấp nước sạch cho người dân.

Việc điều chỉnh giá nước sạch xuất phát từ nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất, kinh doanh nước sạch; đồng thời khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch và tạo tự chủ tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch cần tiếp tục nâng cao chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước cho người dân Thủ đô.

Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Bài, ảnh: KIM GIANG - HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/10-nam-moi-tang-gia-chat-luong-nuoc-thu-do-co-duoc-cai-thien-734559