10 năm sau sự cố MH370
10 năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia mất tích trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, Trung Quốc với 239 hành khách và phi hành đoàn, Chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ tái khởi động cuộc tìm kiếm trong bối cảnh những thông tin, vật chứng thu thập được vẫn rất ít ỏi…
1.0 giờ 41 phút ngày 8/3/2014, chiếc máy bay Boeing 777 số hiệu MH370 của Hãng Hàng không Malaysia cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur trên hành trình đến Bắc Kinh, Trung Quốc với 239 hành khách và phi hành đoàn. 39 phút sau khi cất cánh, lúc MH370 chuẩn bị rời khỏi không phận Malaysia để đi vào không phận Việt Nam, Đài kiểm soát không lưu Kuala Lumpur nhận được cuộc gọi từ máy bay này: “Chúc ngủ ngon. Malaysia ba bảy không” và đó cũng là lần liên lạc cuối cùng.
Theo các nhà điều tra, người nói câu ấy có thể là phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, phục vụ tại Malaysia Airlines đã 30 năm còn người điều khiển máy bay thời điểm này là cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi.
Chỉ vài giây sau khi vào không phận Việt Nam, chiếc MH370 biến mất khỏi màn hình radar nhưng không hề phát tín hiệu cấp cứu. Tiến hành liên lạc với MH370 bằng nhiều cách mà chẳng nhận được phản hồi, Hãng Hàng không Malaysia lập tức cho công bố “mã đỏ” - là quy ước ban hành bởi Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới khi máy bay gặp nạn.
Ngay khi nhận được “mã đỏ”, kiểm soát viên không lưu từ các nước láng giềng như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Cambodia, Trung Quốc và cả Australia lẫn New Zealand đều cùng phối hợp tìm kiếm. Đến 7 giờ sáng, vẫn không thấy máy bay hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh theo lịch trình nên 24 phút sau, Malaysia Airlines chính thức thông báo về sự biến mất của MH370. Theo các chuyên gia hàng không, tính đến lúc máy bay biến mất, lượng nhiên liệu mà nó mang theo chỉ giúp nó bay thêm được 2 tiếng đồng hồ
8 giờ 30 phút sáng 8/3/2014, chiếc MH370 vẫn bặt vô âm tín. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới, một máy bay thương mại mất tích mà chẳng để lại một dấu vết nào. Trong vòng vài giờ, một số giả thuyết đã xuất hiện. Có người tin rằng nó hạ cánh xuống một hòn đảo nào đó trong một âm mưu bắt cóc hành khách làm con tin để đòi tiền chuộc, có người nghi ngờ máy bay đột ngột bị mất áp suất, phi hành đoàn và hành khách bất tỉnh, MH370 bay trong trạng thái không điều khiển rồi rơi ở đâu đó. Một số người khác có lẽ bị ám ảnh bởi “đĩa bay” nên cho rằng UFO (vật thể bay không xác định) “đã hút chúng về căn cứ của họ”.
Bên cạnh những giả thuyết nêu trên, còn có thuyết âm mưu. Jean-Luc Marchand, chuyên gia quản lý không lưu nói: “Vụ mất tích MH370 là kết quả hành động có chủ ý của phi công giàu kinh nghiệm. Phi công này đã tìm cách mời phi công kia ra khỏi buồng lái ngay sau lần liên lạc cuối cùng: “Chúc ngủ ngon” rồi tắt bộ phát đáp, đeo mặt nạ dưỡng khí, giảm áp suất trong buồng lái, cabin, khiến hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng sau 20 phút thiếu oxy, ngoại trừ phi công đã đeo mặt nạ dưỡng khí, có thể thở suốt 20 tiếng đồng hồ. Sau đó phi công này hạ cánh xuống một nơi đã định sẵn rồi… biến mất!”
Vậy hai phi công trong buồng lái là người như thế nào? Trên chiếc MH370, cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi đang thực hiện chuyến bay đầu tiên với tư cách là một phi công được Cục Hàng không Malaysia phê duyệt và cũng đang chuẩn bị kết hôn. Với cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã có vợ 3 con, sống trong một khu sang trọng ở ngoại ô Kuala Lumpur. Khi MH370 mất tích, một thiết bị mô phỏng bay phức tạp của Microsoft đã được tìm thấy tại nhà Zaharie. Báo cáo do Cục An toàn giao thông Australia (ATSB) công bố cho thấy 6 tuần trước chuyến bay định mệnh, ai đó đã sử dụng thiết bị mô phỏng để bay theo một lộ trình rất giống với lộ trình của MH370 tới eo biển Malacca rồi rẽ trái vào phía nam Ấn Độ Dương, kết thúc bằng việc hết nhiên liệu. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Zaharie tự mình thực hiện chuyến bay mô phỏng, cũng như không có bằng chứng nào kết luận anh ta có động cơ thực hiện một vụ tự sát hàng loạt. Vì vậy, nghi vấn về Zaharie vẫn chỉ là suy đoán.
Với các chuyên gia tìm kiếm cứu nạn, họ dựa trên những gì đã ghi nhận được: Máy bay biến mất khi đang ở độ cao 11, 5km. Dữ liệu radar quân sự cho thấy MH370 đã quay đầu lại phía Malaysia, qua Penang rồi hướng lên phía Tây Bắc eo biển Malacca. Từ đây, radar quân sự không còn theo dõi được nó nhưng một vệ tinh do Inmarsat vận hành đã ghi nhận MH370 bay đến cực nam Ấn Độ Dương, giữa Australia và Nam Cực, nơi nó được cho là hết xăng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất đặt ra mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp là tại sao cả 2 hộp đen trên máy bay đều không phát ra tín hiệu?
9 ngày sau khi MH370 mất tích, Cơ quan An toàn hàng hải Australia, Hải quân Malaysia, Indonesia, Không quân Mỹ cùng một số quốc gia khác bắt đầu tìm kiếm trên một khu vực rộng 230.000 dặm vuông, cách Perth khoảng 1.900 dặm về phía Tây Nam. Dưới nước, các tàu ngầm tích cực truy dấu hộp đen của máy bay bởi lẽ pin của 2 hộp này sẽ hết trong 4 tuần. Những người tìm kiếm hy vọng rằng đến một lúc nào đó, họ sẽ nghe được những tiếng “tut, tut” phát ra từ nó!
Thế nhưng mọi hy vọng đã biến thành thất vọng. Ngày 28/4, sau 52 ngày, cuộc tìm kiếm trên mặt biển kết thúc. Đến ngày thứ 82, cuộc khảo sát đáy biển cũng kết thúc. Nhiệm vụ cứu hộ tốn kém và quy mô nhất trong lịch sử hàng không đã thất bại.
Ngày 29/7/2015, mảnh vỡ đầu tiên bám đầy những con hà dạt vào bờ biển đảo La Reunion, cách khu vực tìm kiếm 2.500 dặm về phía Tây. Số serial còn nguyên cho phép các nhà điều tra xác định nó là cánh tà của cánh phải MH370. Nhiều mảnh vỡ khác cũng được phát hiện trên các bãi biển ở Nam Phi, Madagascar và Mozambique, số lượng lên tới 41 mảnh. Những mảnh vỡ ấy xem ra đã chứng thực MH370 gặp nạn ở phía Nam Ấn Độ Dương và vụ việc đã có lời giải đáp. Tuy nhiên bức tranh toàn cảnh vẫn còn thiếu 2 mảnh ghép rất quan trọng là thân máy bay và thi thể của 239 người.
Sự việc dần trôi vào im lặng nhưng đến tháng 9/2023, ngư dân Kit Olver khi đang đánh lưới ngoài khơi bờ biển phía Nam Australia, gần thị trấn Robe thì vớt được một vật mà theo ông “đó là một cánh lớn của một chiếc máy bay phản lực”, đã khiến dư luận lại một phen sôi sục nhưng lúc đem nó về cảng và lúc trình báo cho Cơ quan An toàn hàng hải Australia thì nơi này cho biết “chỉ là một phần của một container đã rơi khỏi một tàu Nga khi đi ngang khu vực”.
2. Ngày 8/3/2024, 10 năm sau vụ chiếc MH 370 biến mất, Chính phủ Malaysia tuyên bố tái khởi động việc tìm kiếm mà mục đích là để “làm sáng tỏ nguyên nhân, có câu trả lời chính xác với thân nhân của những người thiệt mạng”. Trong lễ tưởng niệm tổ chức ở Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia là ông Anwar Ibrahim cho biết ông “vui mừng mở lại cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 nếu xuất hiện bằng chứng thuyết phục”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anthony Loke cho biết ông sẽ mời Công ty robot hàng hải Ocean Infinity có trụ sở tại Texas, Mỹ, để họ trình bày kế hoạch săn lùng mới nhất trong bối cảnh Chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ không hỗ trợ chi phí cho những cuộc tìm kiếm khác nếu không có manh mối mới về vị trí máy bay.
Ông Loke nói: “Nếu Ocean Infinity có bằng chứng đáng tin cậy, tôi sẽ xin phép Nội các Malaysia để ký một hợp đồng mới nhằm tiếp tục thăm dò. Chính phủ Malaysia quyết tâm xác định vị trí MH370. Chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy máy bay và cung cấp sự thật cho thân nhân của những người đã khuất”.
Cũng cần nói thêm rằng năm 2018, Công ty Ocean Infinity đã khởi động cuộc tìm kiếm MH370 trên tinh thần “không tìm thấy, không tính tiền” nhưng sau 4 tháng làm việc liên tục, Ocean Infinity bỏ cuộc.
Trong một diễn tiến khác cũng khiến dư luận quan tâm, 7 tháng trước ngày diễn ra lễ tưởng niệm 10 năm MH370 mất tích, tháng 8/2023 Richard Godfrey, kỹ sư hàng không vũ trụ người Anh từng làm việc với NASA, Boeing và Airbus nhưng đã nghỉ hưu là đồng tác giả một báo cáo dài 229 trang, nội dung sử dụng công nghệ vô tuyến có tên Weak Signal Propagation Reporter (WSPR - tạm dịch là Tín hiệu thì thầm) để vẽ lại bức tranh toàn cảnh về những giờ cuối cùng của chiếc MH370. Kết hợp với Đại học Liverpool, Anh quốc, ông Richard Godfrey cho biết WSPR sẽ “phân tích dữ liệu toàn cầu của tất cả các máy bay, bay trong ngày 8/3/2014 để kiểm tra lý thuyết và kết quả sẽ có trong vòng 6 tháng”.
Để thực nghiệm, Godfrey tiến hành một chuyến bay do một phi công giàu kinh nghiệm cầm lái, bay ngoằn ngoèo trên Ấn Độ Dương với nhiều tốc độ và độ cao khác nhau nhằm tránh bị phát hiện. Sau đó, một vụ rơi giả định được thực hiện. Kết quả phân tích dữ liệu của WSPR cho thấy điểm rơi thực tế và điểm rơi giả định chỉ cách nhau 19 dặm. Ông Godfrey nói: “Cùng hợp tác với chúng tôi còn có một công ty robot hàng hải Anh quốc. Chúng tôi hy vọng rằng WSPR sẽ giúp đưa ra kết luận chắc chắn dựa vào những vị trí đã tìm thấy những mảnh vỡ, cũng như kiến thức về các dòng hải lưu ở Ấn Độ Dương”.
Trước những sự kiện này, thân nhân của những người mất tích trên chiếc MH370 đều rất vui mừng và hy vọng. Grace Nathan, mẹ của Anne Daisy, người đã ở trên chiếc MH370 ngày 8/3/2014 nói với Hãng tin AFP: “10 năm qua là khoảng thời gian đầy cảm xúc đau buồn đối với tôi”. Jacquita Gomes, có chồng là tiếp viên trên MH370 nói: “Tôi đang ở đỉnh cao tuyệt vọng nhưng bây giờ tôi rất biết ơn vì có thể có cơ hội nói lời vĩnh biệt cuối cùng”. Bai Zhong, người Trung Quốc có vợ trên máy bay nói: “Dù là 10 năm, 20 năm hay hơn nữa miễn là chúng tôi còn sống. Chúng tôi sẽ không ngừng đòi hỏi sự thật. Chúng tôi tin rằng sự thật cuối cùng sẽ được đưa ra ánh sáng”.
Tuy nhiên với một số chuyên gia hải dương, phần lớn đáy biển Nam Ấn Độ Dương rất gồ ghề, chỗ sâu nhất là 7,4km và chưa được lập bản đồ. Nó cách xa các tuyến vận chuyển hàng hải thông thường và các tuyến bay thương mại, ít tàu đánh cá, không có diện tích đất liền đáng kể. Nhiều nơi thời tiết tồi tệ nhất thế giới. Những yếu tố này khiến nó trở thành một khu vực rất khó tìm kiếm. Ngoài ra ở những vùng nước sâu từ 2km trở lên, việc triển khai máy dò sonar rất cồng kềnh và cực kỳ tốn kém. Chưa kể ở độ sâu ấy, công nghệ quét khó đạt được độ chính xác bởi sự phân tán tín hiệu gây ra từ nền đất không bằng phẳng, đặc biệt là đá dưới đáy biển.
Theo tiến sĩ Erik Van Damme, chuyên gia hải dương người Hà Lan: “Hy vọng rằng sự phát triển của các phương tiện lặn tự hành tiên tiến có thể là chìa khóa để tìm ra MH370 ở Nam Ấn Độ Dương. Kết hợp với việc xử lý hậu kỳ dữ liệu thô, chúng ta sẽ phân biệt được xác máy bay với các cấu trúc địa chất dưới đáy biển nếu quả thật MH370 đang nằm ở đó nhưng nếu vẫn không có kết quả thì lần tìm kiếm này có thể sẽ là lần cuối cùng…”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/10-nam-sau-su-co-mh370-i725523/