10 nguyên tắc 'vàng' lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn cho ngày Tết
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong kỳ nghỉ dài của Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh vừa có những lưu ý đến người dân khi mua thực phẩm tiêu dùng trong những ngày Tết.
Tết cổ truyền là một kỳ nghỉ dài trong năm để các gia đình có dịp đoàn tụ, sum vầy, do đó các gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm để chế biến nhiều món ngon tiếp đãi người thân, bạn bè. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo việc bảo quản thực phẩm thật tốt sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn, bảo quản và xử lý thực phẩm đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Việc mua tích trữ quá nhiều thực phẩm nhưng không đảm bảo an toàn trong quá trình bảo quản sẽ làm cho thực phẩm dễ bị hư hỏng dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, người dân nên mua vừa đủ dùng, thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Đối với thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói như đồ hộp, giò chả, xúc xích… nên chọn sản phẩm có nhãn mác với đầy đủ các thông tin đúng quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đăng ký chất lượng sản phẩm. Thực phẩm có bao bì kín, không gỉ sét, không bị phồng hơi, không bị móp méo, không có dấu hiệu nứt vỡ. Lưu ý đối với sản phẩm nhập khẩu thì xem thông tin trên nhãn phụ (nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt).
Để đảm bảo an toàn trong sơ chế, chế biến thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý 10 nguyên tắc vàng của Tổ chức Y tế Thế giới về an toàn thực phẩm.
Nguyên tắc 1: Chọn thực phẩm an toàn là chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đối với các nguyên liệu thực phẩm rau củ, quả tươi sống, lựa chọn theo một số kỹ thuật.
Cụ thể, các loại rau ăn ngọn như rau lang, rau muống, đọt bầu bí không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, do dùng thuốc chất kích thích tăng trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly. Nếu mua về không sử dụng liền để ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5 - 10 cm.
Các loại rau cải như cải xanh, cải thảo khi mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị bón quá nhiều phân đạm, không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng Nitrat trong rau còn rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen, không nên mua.
Đối với củ, quả không nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng. Đặc biệt, đối với trái cây quan sát trong lô hàng có quả chín hay không để nhận biết trái cây sinh trưởng và phát triển bình thường. Các loại quả đậu gồm đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà Lan, đậu ván... không nên chọn những trái khi nhìn trái bóng nhẫy, ít lông tơ...
Nguyên tắc 2:Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
Nguyên tắc 3:Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
Nguyên tắc 4: Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
Nguyên tắc 5: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
Nguyên tắc 6:Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
Nguyên tắc 7: Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn. Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
Nguyên tắc 8: Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn, do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch.
Nguyên tắc 9: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
Nguyên tắc 10: Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, không mùi, không có vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Người dân khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm, cần chủ động thông tin, báo ngay đến các cơ quan có thẩm quyền như Sở An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường, chính quyền địa phương… nhằm có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.