10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024
Các sự kiện công nghệ thông tin (ICT) tiêu biểu trong năm 2024 chủ yếu xoay quanh lĩnh vực viễn thông, bán dẫn và chuyển đổi số.
Ngày 26/12, Câu lạc bộ nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin (ICT) tiêu biểu trong năm 2024. Những sự kiện được bình chọn bởi 50 nhà báo đến từ hơn 40 cơ quan báo chí tại Việt Nam.
Tắt sóng 2G, thương mại hóa 5G
Từ 0h ngày 16/10, các nhà mạng tại Việt Nam hoàn tất việc tắt sóng 2G và chuyển toàn bộ thiết bị di động hoạt động trên nền 4G. Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, chỉ trong vòng 10 tháng tính từ đầu năm 2024, khoảng 18 triệu thuê bao 2G Only được chuyển đổi lên 4G, trong số đó có một tỷ lệ lớn chuyển sang sử dụng các thiết bị smartphone - điều kiện cần thiết để người dân có thể triển khai sử dụng các dịch vụ số.
Cùng thời điểm tắt sóng 2G, công nghệ mới hơn là 5G được Viettel và VNPT thương mại hóa lần lượt vào ngày 15/10 và 20/12. MobiFone dự kiến thương mại hóa 5G vào đầu năm 2025 với mục tiêu phủ sóng khắp toàn quốc.
Thương mại hóa 5G trên toàn quốc giúp cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Thông qua Luật Dữ liệu
Luật Dữ liệu được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật Dữ liệu quy định việc thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thông qua trung tâm dữ liệu quốc gia, đặt dưới sự quản lý của Bộ Công an.
Cùng với đó là quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam và xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc chuyển dữ liệu từ Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là dữ liệu cốt lõi và dữ liệu quan trọng, sẽ được thắt chặt hơn và cần sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Luật Dữ liệu còn quy định về việc cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước trong các trường hợp như ứng phó với tình trạng khẩn cấp, thảm họa, phòng chống bạo loạn, khủng bố.
Tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Luật Dữ liệu được kỳ vọng thiết lập thị trường dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và thay đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân trên môi trường số.
Ban hành Nghị định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành vào ngày 9/11 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/12.
Theo nghị định, chỉ những tài khoản mạng xã hội xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép đăng bài, bình luận, phát trực tiếp (livestream) và chia sẻ thông tin.
Trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm nghị lực có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người dùng mạng xã hội.
Các tài khoản của người dùng mạng xã hội phải được xác thực bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người dùng không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tài khoản sẽ được xác thực bằng số định danh cá nhân.
Đặc biệt, những người sử dụng dịch vụ mạng xã hội để livestream với mục đích thương mại cũng phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định cũng bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm, yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm. Các trang mạng xã hội phải cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý Nhà nước khi có yêu cầu.
Các nội dung mới như mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam; trẻ em dưới 16 tuổi không được tự ý tạo tài khoản mạng xã hội; kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật; mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng… cũng được quy định rõ trong Nghị định 147.
Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
Ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Trong giai đoạn 1 (từ năm 2024 – 2030), Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 2 (từ năm 2030 - 2040), Việt Nam sẽ trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm.
Giai đoạn 3 (từ năm 2040 - 2050), Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong nhóm các quốc gia đi đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm.
Phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Ngày 9/10, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1132/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố và các khu công nghệ cao có dịch vụ di động 5G; triển khai tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; phát triển các trung tâm dữ liệu hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI); mỗi người dân sẽ có một kết nối IoT (Internet Vạn vật) và một định danh số…
Việt Nam sẽ phát triển các nền tảng công nghệ số như IoT, AI, chuỗi khối (blockchain) và dữ liệu lớn (Big data), đưa vào khai thác tối thiểu hai tuyến cáp quang biển quốc tế mới…
Đến năm 2030 hướng đến việc phủ sóng mạng di động 5G tới 99% dân số, triển khai thử nghiệm mạng 6G, phát triển 6 tuyến cáp quang biển quốc tế mới, nâng dung lượng cáp quang biển đạt tối thiểu 350 Tbps.
Đồng thời, Việt Nam sẽ xây dựng các trung tâm dữ liệu siêu lớn và hỗ trợ phát triển các trung tâm dữ liệu khu vực, đưa số lượng kết nối IoT của Việt Nam đạt mức trung bình cao trên thế giới…
Phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030
Ngày 2/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 2/2/2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 là 100% các trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên toàn quốc được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa.
Các nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và các nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động Make in Viet Nam đảm bảo sẵn sàng đáp ứng 100% nhu cầu lưu trữ, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam, nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc.
Các ngân hàng thực hiện sinh trắc học để chống lừa đảo trực tuyến
Năm 2024, xác thực sinh trắc học trở thành từ khóa chủ chốt trong ngành ngân hàng khi đây được xác định là giải pháp quan trọng chống lừa đảo trực tuyến. Ngân hàng Nhà nước quy định, từ ngày 1/7, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Từ ngày 1/1/2025, các chủ tài khoản chưa hoàn tất việc cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch trực tuyến. Các tài khoản chưa được xác thực sinh trắc học sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy giao dịch.
Nvidia mua cổ phần Vinbrain mở 2 trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam
Ngày 5/12, Tập đoàn Nvidia ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng tiến hành mua lại VinBrain của Tập đoàn Vingroup để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn tại Việt Nam.
Nvidia cũng đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4-4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Việc này sẽ giúp tạo thêm khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và khoảng 40.000-50.000 việc làm gián tiếp trong những năm tới.
Đây được xem là "cú hích" quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam.
Hợp nhất Bộ Thông tin và truyền thông với Bộ Khoa học và công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số
Ngày 6/12, Chính phủ ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Trong đó, hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc hợp nhất hai Bộ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, đồng bộ về mặt chính sách, thuận lợi cho việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các giải pháp công nghệ.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/10-su-kien-ict-tieu-bieu-nam-2024-36967.html