10 sự kiện nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2020

Trong năm qua, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 tại Việt Nam.

Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh minh họa.

Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh minh họa.

1. Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngay trong 1 Kỳ họp với 100% đại biểu có mặt đồng ý. Đây cũng là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế trong năm 2020.

2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

3. Mở rộng xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, phát hiện mới 12.000 người nhiễm HIV.

4. Điều trị Methadone cho hơn 52.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện. Đặc biệt, bắt đầu triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân mang về sau 12 năm thực hiện uống thuốc hàng ngày tại cơ sở y tế.

5. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cho hơn 13.000 khách hàng, giảm 98% nguy cơ bị nhiễm HIV cho những người sử dụng dịch vụ này, đặc biệt hiệu quả để phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ...

6. Điều trị ARV thường xuyên cho hơn 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS, trên 96% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế; 94% dưới ngưỡng phát hiện (tức là không còn khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục). Việt Nam, Anh, Đức và Thụy Sỹ là 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.

7. Tổng kết 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, kết hợp với chuỗi hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS.

8. Cơ chế tài chính bền vững, tỷ lệ tài chính trong nước cho PC HIV/AIDS chiếm 57% (trước đây chỉ khoảng 20%) nhờ được đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương và BHYT. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục quan tâm hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS cả về tài chính và chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là các tổ chức PEPFAR, USAID, CDC Hoa Kỳ, Quỹ toàn cầu, WHO, UNAIDS... và rất nhiều đối tác khác.

9. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Các bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện vẫn được điều trị liên tục, không bị "đứt thuốc", kể cả khi bệnh nhân bị cách ly hoặc cơ sở điều trị bị phong tỏa. Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chủ động và tích cực huy động tài trợ để hỗ trợ thiết thực cho công tác phòng, chống Covid-19.

10. Năm 2020 với nhiều khó khăn, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ ban hành văn bản pháp quy, đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn được giao...

Với những nỗ lực trong những năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng II.

HIV/AIDS là gì?

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, qui định tại Điều 2 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS), thuật ngữ HIV và AIDS được hiểu như sau:

- HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.

- AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người.

- Nhiễm trùng cơ hội là những nhiễm trùng xảy ra nhân cơ hội cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bị nhiễm HIV.

Hiện nay, dưới sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, HIV/AIDS được hiểu sâu sắc hơn như sau:

- HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.

- AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu chung lại trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm.

Thế nào là hiểu biết đúng về dự phòng lây nhiễm HIV?

HIV lây truyền từ người này sang người khác thông qua các hành vi không an toàn như tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh dục và sữa của mẹ. Do vậy nếu mọi người có hiểu biết đúng và đầy đủ có thể phòng không bị lây nhiễm HIV.

Câu hỏi mà mọi người thường đặt ra là khi nào được gọi là một người có hiểu biết đúng và đầy đủ. Để đánh giá một người hiểu biết đúng thì không khó nhưng để đánh giá một người hiểu biết đầy đủ thì rất khó vì các kiến thức về HIV/AIDS nói chung cũng như dự phòng lây nhiễm HIV nói riêng là “mênh mông”, như vậy biết thế nào là đủ. Do vậy cũng có nhiều quan niệm khác nhau về hiểu biết đầy đủ dự phòng lây nhiễm HIV.

Để đánh giá một người có hiểu biết đúng và đầy đủ về dự phòng lây nhiễm HIV, cần phải có một bộ câu hỏi “chuẩn” mang tính thống nhất, như vậy mới có thể so sánh hiểu biết của với giữa người này với người khác, địa phương này với địa phương khác và thậm chí quốc gia này với các quốc gia khác. Năm 2005, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã đưa ra bộ chỉ số cơ bản để đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS của các quốc gia trong đó có bộ câu hỏi đánh giá sự hiểu biết đầy đủ về dự phòng lây nhiễm HIV và Bộ Y tế cũng đã dựa trên hướng dẫn này ban hành bộ tiêu chuẩn để đánh giá về hiểu biết của một cá nhân về dự phòng lây nhiễm HIV. Bộ câu hỏi này dựa trên một số nội dung cốt lõi mà một người cần phải hiểu biết về HIV đó là xác định được đúng cách phòng ngừa lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm phổ biến về lây nhiễm HIV. Bộ câu hỏi này gồm 5 câu hỏi cụ thể như sau:

- Chỉ quan hệ tình dục với một bạn tình mà bạn tính đó chung thủy và không bị nhiễm HIV có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV không? Câu trả lời đúng sẽ là CÓ. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu về sự hiểu biết của một người về đường lây truyền HIV cũng như cách phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục trên cơ sở hai người cùng chưa nhiễm HIV và sống chung thủy.

- Dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục có thể làm giảm được lây nhiễm HIV qua đường tình dục hay không? Câu trả lời là CÓ. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết về biện pháp phòng lây nhiễm HIV thông qua sử dụng bao cao su mỗi lần đúng cách khi quan hệ tình dục. Điều cần lưu ý khi hỏi câu hỏi này cần nhấn mạnh sử dụng bao cao su mỗi lần khi quan hệ tình dục và có giảm được nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục hay không? Nếu không một số người có thể hiểu lầm câu hỏi trả lời rằng KHÔNG vì người ta có thể bị lây nhiễm HIV qua tiêm chích chẳng hạn.

- Một người nhìn khỏe mạnh có thể bị nhiễm HIV không? Câu trả lời đúng là CÓ. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết của một người về xét nghiệm HIV và loại bỏ những quan niệm sai lầm về nhiễm HIV. Hiện nay vẫn còn nhiều người có quan niệm sai lầm cho rằng nhìn bên ngoài có thể biết một người nhiễm HIV và một người nhìn bề ngoài khỏe mạnh thì anh hoặc chị ta không bị nhiễm HIV và có thể dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn với các đối tác khi nhìn bề ngoài khỏe mạnh nhưng họ đã bị nhiễm bệnh. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng người nhiễm HIV thường gày gò, ốm yếu, da bọc xương.... Tuy nhiên hiểu như vậy là không chính xác vì người nhiễm HIV vẫn có giai đoạn dài sống khỏe mạnh như người bình thường nên nhìn bề ngoài không thể biết một ai có nhiễm HIV hay không. Chỉ có xét nghiệm mới khẳng định một người nhiễm HIV hay không.

- Muỗi đốt có thể làm lây truyền HIV hay không? Câu trả lời đúng là KHÔNG. Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết của một người trong việc loại bỏ các sai lầm liên quan đến lây nhiễm HIV. Hiện vẫn có người cho rằng muỗi đốt có thể làm lây truyền HIV. Tuy nhiên cho đến nay các nhà khoa học chưa phát hiện được trường hợp nào lây nhiễm HIV do muỗi đốt người nhiễm HIV truyền sang người lành. Khi tin rằng HIV lây truyền qua muỗi đốt còn có thể làm giảm lòng tin rằng HIV có thể phòng ngừa được.

Muỗi đốt không làm lây nhiễm HIV.

- Ăn chung với người bị nhiễm HIV có bị lây nhiễm HIV không? Câu trả lời là KHÔNG: Câu hỏi này mục đích tìm hiểu sự hiểu biết của một người trong việc loại bỏ các sai lầm liên quan đến lây nhiễm HIV. Nhiều người vẫn có rằng ăn uống chung với người nhiễm HIV có thể làm lây nhiễm HIV. Tuy nhiên do HIV chỉ lây qua ba con đường (máu, tình dục, sữa mẹ) mà không lây qua các giao tiếp thông thường như ăn uống chung, sinh hoạt chung, làm việc chung v.v... nên ăn uống chung với người nhiễm HIV không thể làm lây nhiễm HIV. Việc hiểu sai dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Một người được cho là có hiểu biết đầy đủ về HIV khi họ phải trả lời đúng hoặc hiểu đúng CẢ 5 câu hỏi trên và nó được coi như là một chỉ số chuẩn để đánh giá kiến thức của một người hiểu biết về dự phòng lây nhiễm HIV. Có một số người cho rằng nếu chỉ hiểu đúng 5 câu hỏi trên thì làm sao đã gọi là có đủ kiến thức. Tuy nhiên các chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi một người có kiến thức để trả lời đúng cả 5 câu hỏi này thì họ cũng đã có kiến thức chung về phòng, chống HIV/AIDS khá tốt nên có đủ khả năng dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân mình hoặc tránh làm lây lan HIV cho người thân hay cộng đồng.

P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/10-su-kien-noi-bat-ve-phong-chong-hivaids-nam-2020-548939.html