10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2024

Năm 2024, thế giới nóng lên không chỉ vì nhiệt độ cao kỷ lục mà còn bởi những điểm nóng bùng lên và lan rộng. Năm bầu cử lớn nhất lịch sử nhân loại, cùng xu thế mở rộng của các tổ chức đa phương đang tạo ra những chuyển biến trên bàn cờ địa chính trị. Trước những thách thức đa chiều và mong muốn kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau, sự chung tay của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước đang phát triển, tiếp tục được đề cao. Nhìn lại một năm qua, Báo Ninh Bình điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2024 do Báo Nhân dân bình chọn.

1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần đầu tiên tham dự trực tiếp Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong “bản giao hưởng lớn của thời đại”. Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, Việt Nam nêu bật tầm nhìn và cam kết đóng góp cho hòa bình và phát triển toàn cầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79. (Ảnh: TTXVN)

2. Các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước vì Tương lai, đề ra các hành động đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), củng cố thể chế đa phương, thúc đẩy hợp tác quốc tế kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân. Hiệp ước hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả, toàn diện và có tính tương tác, kết nối cao hơn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, ở New York (Mỹ), ngày 22/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, ở New York (Mỹ), ngày 22/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

3. BRICS mở rộng danh sách đối tác, Liên minh châu Phi (AU) lần đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách thành viên chính thức, phản ánh vai trò ngày càng cao của các quốc gia Nam bán cầu trong hệ thống quản trị toàn cầu và quá trình hình thành trật tự quốc tế đa cực mới. Liên minh toàn cầu chống đói nghèo ra mắt thúc đẩy hoàn tất mục tiêu xóa đói nghèo vào năm 2030.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn. (Ảnh: TTXVN)

4. Trong năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử nhân loại, gần một nửa dân số thế giới tham gia bầu cử ở hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều nhà lãnh đạo tái đắc cử, bảo đảm ổn định chính sách, trong khi một số quốc gia khác lựa chọn bộ máy lãnh đạo mới. Tại Mỹ, ông Donald Trump lần thứ hai đắc cử Tổng thống; đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả Quốc hội lưỡng viện và Nhà trắng.

Ông Donald Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, ngày 6/11. (Ảnh: Reuters)

Ông Donald Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, ngày 6/11. (Ảnh: Reuters)

5. Thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày có hiệu lực nhằm chấm dứt gần 14 tháng giao tranh giữa Israel và Hezbollah, mở ra hy vọng cho một thỏa thuận tương tự đối với cuộc xung đột đẫm máu ở Dải Gaza giữa lực lượng Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine. Các cuộc xung đột giữa Israel với Hezbollah và Hamas trong hơn một năm qua đã khiến hơn 45.000 người Palestine tại Gaza thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương; gần 3.800 người tại Liban thiệt mạng và 15.600 người bị thương.

 Người dân sơ tán khỏi thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 8/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân sơ tán khỏi thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 8/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

6. Các đảng cánh hữu trỗi dậy mạnh mẽ tại châu Âu, với những chiến thắng quan trọng tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và nhiều cuộc bầu cử trong khu vực, đã làm “rung chuyển” chính trường châu Âu. Sự lên ngôi của các đảng cánh hữu không chỉ tạo ra những biến chuyển quan trọng trên chính trường từng quốc gia, mà còn đe dọa làm lung lay khối thống nhất của Liên minh châu Âu, trong bối cảnh những vấn đề di cư, an ninh và chủ quyền quốc gia ngày càng thu hút sự quan tâm của cử tri.

Từ Berlin, các nhà lãnh đạo đảng cực hữu AfD của Đức mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). (Ảnh: Reuters)

Từ Berlin, các nhà lãnh đạo đảng cực hữu AfD của Đức mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). (Ảnh: Reuters)

7. Tình hình biến động nhanh chóng ở Syria dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau khi Lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu nắm quyền kiểm soát đất nước. Syria bước vào giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời. Cộng đồng quốc tế kêu gọi một quá trình chuyển tiếp chính trị hòa bình và toàn diện hướng tới bầu cử và một Hiến pháp mới, đồng thời bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

8. Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn, bảo mật và đáng tin cậy vì sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Liên minh châu Âu (EU) chính thức kích hoạt đạo luật quản lý AI, sau khi Hội đồng châu Âu thông qua Công ước khung về AI, đánh dấu sự ra đời hiệp ước toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan các quy định về quản lý sử dụng AI.

Ngày 1/8/2024, Liên minh châu Âu (EU) chính thức "kích hoạt" đạo luật mang tính bước ngoặt trong công tác quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) mà khối này kỳ vọng sẽ bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết luật mới có tên gọi là "Đạo luật AI". (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/8/2024, Liên minh châu Âu (EU) chính thức "kích hoạt" đạo luật mang tính bước ngoặt trong công tác quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) mà khối này kỳ vọng sẽ bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết luật mới có tên gọi là "Đạo luật AI". (Ảnh: THX/TTXVN)

9. Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan đạt được bước tiến quan trọng với thỏa thuận tài chính, theo đó, các quốc gia phát triển cam kết chi ít nhất 300 tỷ USD/năm, từ nay đến năm 2035, nhằm giúp các nước đang phát triển thúc đẩy đầu tư chuyển đổi, tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các quyết định quan trọng liên quan cơ chế thị trường carbon toàn cầu, việc thể chế hóa Quỹ tổn thất và thiệt hại do Liên hợp quốc hậu thuẫn, đánh dấu kỷ nguyên mới về hợp tác và tài chính khí hậu toàn cầu.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại COP29, ở Azerbaijan, ngày 12/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các đại biểu chụp ảnh chung tại COP29, ở Azerbaijan, ngày 12/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

10. Năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử với nhiều nơi trên thế giới xác lập nền nhiệt cao kỷ lục. Nhiều nước chịu tổn thất nghiêm trọng do thiên tai. Trận động đất 7,6 độ richter xảy ra ở bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa của Nhật Bản cướp đi sinh mạng của hơn 240 người. Siêu bão Yagi đổ bộ vào nhiều nước châu Á gây mưa lớn và lũ lụt, làm hàng trăm người chết. Siêu bão Helene ở Mỹ làm hơn 200 người thiệt mạng. Mưa lớn gây lũ lụt kinh hoàng ở Tây Ban Nha, dẫn tới thảm kịch thiên nhiên tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập niên, khiến hơn 200 người chết.

Đường phố Hà Nội sau khi bão Yagi quét qua. Ảnh: NDO

Đường phố Hà Nội sau khi bão Yagi quét qua. Ảnh: NDO

NDO

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/10-su-kien-quoc-te-noi-bat-nam-2024-807123.htm