10 tháng, hơn 200.000 ca sốt xuất huyết, 50 người tử vong

Số ca mắc sốt xuất huyết trong 10 tháng đầu năm 2019 đã vượt 200.000. Đã có 50 người trong số đó tử vong và sốt xuất huyết đang gia tăng ở khắp nơi. Có phải làm mọi biện pháp, bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng?

Một ca bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: A Lộc

Một ca bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: A Lộc

Miền Bắc là Hà Nội, Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam đều tăng gấp 2-3 lần trở lên so với cùng kỳ năm 2018. Người dân rất lo lắng, nhưng cơ quan y tế thì cho hay đã thực hiện mọi biện pháp nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng.

Ở tầng cao cũng mắc sốt xuất huyết

Sống ở chung cư cao tầng của một khu đô thị trung tâm Hà Nội nhưng vừa qua, khu căn hộ của chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (43 tuổi) có nhiều người cùng mắc sốt xuất huyết nên chị rất lo lắng. "Bình thường ở tầng cao cũng đỡ lo muỗi, nhưng muỗi vẫn có. Vì vậy, tôi đã gọi dịch vụ phun hóa chất trừ muỗi ở trong phạm vi căn hộ, dù trước đó ban quản lý cũng đã phun ngoài tòa nhà" - chị Hoa cho biết.

Ở Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng mạnh từ tháng 7 đến nay, ban đầu khoảng 300 ca/tuần, dần dần lên 500 ca/tuần, và đỉnh điểm là các tuần đầu tháng 10 lên tới 800 ca/tuần. Các bệnh viện có điều trị bệnh sốt xuất huyết như Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) đều đông kín bệnh nhân sốt xuất huyết, thậm chí có bệnh viện tư còn từ chối bệnh nhân sốt xuất huyết với lý do đã dùng hết 100% giường bệnh.

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay của Hà Nội sẽ rơi vào tháng 11 và phải đến sau tháng 1-2020 mới giảm thật sự.

Có chủ quan vì nghĩ không có gì xa lạ?

Giải thích về căn nguyên làm bệnh sốt xuất huyết bùng phát trong năm nay, Cục Y tế dự phòng cho biết mọi năm chỉ tổ chức 2 đợt phun hóa chất diệt muỗi nhưng năm nay đã phun 3-5 đợt tùy địa phương. Các biện pháp chống dịch đã "tung ra hết" nhưng sốt xuất huyết vẫn tăng, một phần do các công trình xây dựng mọc lên ở nhiều nơi với nhiều ổ nước đọng làm phát sinh lăng quăng và muỗi. Tại các gia đình, muỗi gây sốt xuất huyết có thể sinh sôi từ các lọ chứa nước trồng cây thủy sinh, dụng cụ chứa nước trong nhà.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy có sự chủ quan, coi đây là căn bệnh lưu hành, không xa lạ, dù tần suất bệnh đến rất dày và cường độ mạnh. Như Hà Nội vừa có đợt sốt xuất huyết rất lớn năm 2017 (cao điểm có tới 3.000 ca mắc mới/tuần), phải huy động máy phun hóa chất cỡ lớn của các địa phương để dập dịch, năm 2019 này lại có đợt bệnh sốt xuất huyết lớn.

Là thành phố có mật độ công trình đang xây dựng dày đặc, đây cũng là những khu vực dễ phát sinh dịch bệnh. Năm 2017, khi bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội vào cao điểm, quan chức ngành y tế đi kiểm tra và cũng lo ngại nguy cơ bệnh từ các công trường. Nhưng năm nay Hà Nội đã thống kê và có biện pháp phòng dịch cho khu vực này hay chưa vẫn chưa rõ./.

Đã có 50 người chết

Không chỉ có Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng khắp nơi trong 10 tháng đầu năm. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, số mắc sốt xuất huyết của riêng Hà Nội đã vượt 8.000 ca, tăng rất mạnh so với 2018. Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, TP.HCM cũng có tình trạng tương tự, nâng số mắc sốt xuất huyết toàn quốc lên trên 200.000 ca, tăng gấp 3 lần so với năm 2018, 50 người trong số đó đã tử vong.

Lan Anh/tuoitre.vn

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/10-thang-hon-200-000-ca-sot-xuat-huyet-50-nguoi-tu-vong-a84698.html