Tổng cộng có khoảng 117 máy bay thuộc diện bán đấu giá, phần lớn là MiG-27, MiG-29 và Su-24, và thậm chí một số ít tiêm kích MiG-31. Cụ thể, chính phủ Kazakhstan dự định bán ngay 10 chiếc MiG-31.
Các điều kiện bán hàng khá đặc biệt. Những chiếc máy bay cần thanh lý được cho là đã đạt đến giới hạn tuổi thọ sử dụng và nâng cấp, khiến chúng không còn phù hợp cho mục đích sử dụng hoặc thậm chí đóng vai trò nguồn cung phụ tùng.
Điều này nghĩa là khách hàng nên tiếp cận những chiếc máy bay này như một nguồn khai thác kim loại màu, dựa trên việc máy bay được tháo dỡ tại chỗ, ở vị trí đậu của chúng. Giá dự kiến tương đối thấp.
Có thông tin cho biết giá chào bán ban đầu cho 10 máy bay MiG-31 đã ngừng hoạt động của Không quân Kazakhstan là 358 triệu tenge, tương đương khoảng 1 triệu đô la Mỹ.
Quy định yêu cầu, chỉ các cơ quan pháp lý được công nhận mới tham gia đấu thầu, được thực hiện thông qua hệ thống mua sắm công trực tuyến của chính phủ, với mục đích chính là tháo dỡ máy bay để lấy phế liệu.
Những nỗ lực đầu tiên nhằm bán đấu giá những chiếc máy bay của Không quân Kazakhstan bắt đầu từ ngày 26/10, tuy nhiên có vẻ đã kết thúc mà không mang lại bất kỳ kết quả rõ ràng nào, một tình huống tương đối khó hiểu.
Đi sâu hơn vào câu chuyện này, căn cứ vào báo cáo của trang Military Balance 2023, cho thấy Không quân Kazakhstan có tổng cộng 120 máy bay chiến đấu đang hoạt động.
Phi đội này bao gồm 14 MiG-29, 31 MiG-31, 24 Su-27, 12 MiG-27, 23 Su-30SM và 14 Su-25. Do vậy số lượng máy bay mà chính phủ Kazakhstan dự định mang đi bán đấu giá thanh lý là quá lớn, vượt quá cả số đang phục vụ.
Điều hợp lý là chính quyền Kazakhstan sẽ ưu tiên giải phóng những chiếc máy bay đã ngừng hoạt động, có thể đã được cất giữ trong hai thập kỷ qua. Sau đó, họ sẽ bán tiếp những tiêm kích MiG-27 và MiG-31 đang hoạt động.
Tuy nhiên cần thận trọng để không bỏ qua một kịch bản khác, trong đó những chiếc máy bay ngừng hoạt động đang được khách hàng ẩn danh mua lại dưới dạng "hàng hóa có công dụng kép".
Những chiến đấu cơ của Không quân Kazakhstan này có thể là nguồn cung cấp không chỉ kim loại màu, mà còn cả các thành phần có giá trị khác, đó là những phụ tùng vẫn còn sử dụng được.
Không quân Kazakhstan là lực lượng hiếm hoi ngoài nước Nga vẫn có tiêm kích đánh chặn MiG-31 trong biên chế, họ thừa hưởng phi đội chiến đấu cơ trên sau khi Liên Xô tan rã.
MiG-31 của Kazakhstan có lẽ khác với phiên bản MiG-31 ban đầu. Lý do cho những giả định như vậy nằm ở một số sự thật không thể phủ nhận.
Hai thập kỷ trước, Kazakhstan đã nâng cấp hệ thống điện tử hàng không, radar và vũ khí cho phi đội MiG-31 của họ. Cùng thời gian đó, chính phủ quốc gia châu Á này quyết định xây dựng cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa MiG-31 của riêng mình với sự hỗ trợ từ Nga.
Kazakhstan đã đầu tư đào tạo nhân lực để vận hành và bảo dưỡng máy bay một cách hiệu quả, bao gồm đào tạo chuyên ngành về hệ thống điện tử hàng không, hệ thống radar và hệ thống vũ khí tiên tiến.