10 tựa phim hay nhất về đề tài chiến tranh, tạo ấn tượng chính xác và chân thực
Các bộ phim về chiến tranh luôn tạo ấn tượng mạnh, với sự hấp dẫn riêng mà các thể loại khác không có được, nhưng nó cũng không dễ để tạo nên thành công.
Trước hết, yếu tố quyết định một bộ phim về đề tài chiến tranh có thành công hay không nằm ở tính tái hiện chân thực thời đại mà phim đem tới. Với xu thế hợp thời và lôi kéo người xem, phim ảnh về đề tài này hiện nay đang có xu hướng lạm dụng các yếu tố hành động và kịch tính để tạo hiệu ứng hình ảnh cho phim, từ đó làm giảm đi tính chính xác mà một tác phẩm về đề tài chiến tranh nên có.
Những tác phẩm mang đậm hơi thở của thời gian và khắc họa tính sâu sắc giá trị lịch sử là khi nó cho người xem được trải nghiệm sự khốc liệt và đau thương thật sự mà chiến tranh mang lại.
Qua từng thước phim nhuốm màu khói lửa đạn bom, lịch sử của thế giới như được sống lại và trở nên hùng tráng, vĩ đại hơn bao giờ hết. Dưới đây là 10 tựa phim hay nhất về đề tài này.
1. Giải cứu binh nhì Ryan (1998): Từ trang phục đến các chiến thuật quân sự, tất cả mọi thứ trong Giải cứu binh nhì Ryan đều đạt được những điểm nhấn ấn tượng. Phim thành công đưa người xem trở về cuộc đổ bộ lịch sử Normandi tại bãi biển Omaha đẫm máu. Tại đây, hai trong số bốn anh em nhà Ryan đã hy sinh. Tổng chỉ huy quân đội Mỹ, tướng George ra lệnh cho một toán lính lên đường tới Pháp tìm kiếm và giải cứu thành viên James Ryan của sư đoàn. Những thước phim thực sự chính xác đến mức khiến người xem phải được hộ tống ra khỏi rạp chiếu phim sau khi nhìn thấy sự tàn khốc và đau thương của nó. Từng người lần lượt ngã xuống và đỉnh điểm của sự ám ảnh là cái chết tức tưởi của Caparzo và cảnh Weiben ngồi chép lại bức thư đẫm máu mà Caparzo gửi về cho mẹ. Bộ phim là một bản hùng ca bi tráng về tình đồng đội thiêng liêng giữa nơi chiến trường đầy máu và nước mắt.
2. Những bức thư từ Iwo Jima (2006): Cùng về chủ đề chiến tranh nhưng phim đã mang tới một góc nhìn rất mới mẻ về chiến sự của Thế chiến thứ hai. "Những bức thư từ Iwo Jima" được đạo diễn khai thác theo dòng sự kiện và góc nhìn của một người lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Mỹ - Nhật những năm 1945. Được sản xuất và đạo diễn bởi Clint Eastwood, "Những bức thư từ Iwo Jima" là chuỗi những dòng ký ức bi thương và hùng tráng, khắc họa chân thực hình ảnh người lính Nhật dũng cảm với tinh thần tự lực tự cường trong những chiến lớn nhất của Chiến tranh thế giới. Phim dựa trên cốt truyện là cuốn sách được viết bởi một vị tướng Nhật Bản và thậm chí còn sử dụng lời thoại là những câu trích dẫn của tác phẩm.
3. Glory (1989): Trong Glory, chúng ta được ngược dòng lịch sử trở về cuộc đời của người lính da trắng được đặc ân Robert Gould Shaw. Ông được chỉ định làm chỉ huy trưởng của trung đoàn Liên minh da đen trong Nội chiến. Nền tảng cho kịch bản bộ phim là những lá thư tay đặc biệt mà người lính đã viết trong những ngày thực hiện nhiệm vụ chiến tranh khó khăn đó. Những bức thư không chỉ là dòng tâm sự đơn thuần mà nó còn đại diện cho một hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc gay gắt thời đại lúc bấy giờ. Rất nhiều cảnh quay trong phim đã vạch trần được sự tàn khốc của cuộc chiến và sâu bên trong là những mâu thuẫn của con người về sắc tộc và sự sống.
4. Full Metal Jacket (1987): Đạo diễn Stanley Kubrick đã thành công thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là dựng nên một bộ phim xuất sắc về trung đội lính thủy đánh bộ trong Chiến tranh Việt Nam. Để từng cảnh quay đạt được độ chính xác và chân thực cao nhất, đoàn làm phim đã phải mất tới 4 năm để nghiên cứu và ghi hình từ việc đánh giá những thước phim cũ, đọc báo tiếng Việt và hàng trăm bức ảnh. Các cảnh hành động và trang phục đều chính xác và hoàn hảo cả về bối cảnh và nội dung, nhưng điều tạo nên giá trị hiện thực cho bộ phim có lẽ là nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật giữa các tuyến nhân vật trong phim.
5. Chúng tôi từng là lính (2002): Lấy bối cảnh tháng 11 năm 1965, "Chúng tôi từng là lính" kể về trận chiến tại thung lũng hẻo lánh Ia Đrăng ở Tây Nguyên Việt Nam. Bộ phim tái hiện lại trận đánh khốc liệt đã đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam và được chuyển thể từ cuốn sách We Were Soldiers Once… And Young của chính trung tá Hal Moore ngoài đời viết. Bộ phim giới thiệu các chiến thuật quân sự độc đáo về cuộc chiến tranh Mỹ - Việt Nam và thành công khắc hoạt được cuộc chiến với góc nhìn nhân đạo và không kém phần chân thực, sâu sắc.
6. Black Hawk Down (2001): Bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết ăn khách nói về cuộc chiến ở Somalia vào tháng 10 năm 1993. Do bất đồng trong việc chia sẻ quyền lực, nội chiến đã xảy ra ở đất nước vốn đã nghèo đói và bị hạn hán triền miên này. Liên Hiệp quốc và các tổ chức nhân đạo vội vã vào cuộc, nhưng những chuyến hàng cứu trợ đã bị Aidid – thủ lĩnh có nhiều quyền lực nhất, đang chiếm giữ thủ đô Mogadishu – cướp đi để nuôi quân của mình. Trước tình hình đó, 20.000 lính Mỹ đã đổ bộ vào Somali nhằm khôi phục trật tự. Được sản xuất sau sự kiện 11/9, bộ phim không chỉ nói về cuộc chiến ở Somali, mà trên hết là tình đồng đội cao đẹp giữa những người lính đã chiến đấu trong trận chiến quan trọng này.
7. Stalingrad (1993): Được mệnh danh là một trong những bộ phim chiến tranh chính xác nhất từ trước đến nay, Stalingrad thường bị nhầm với bộ phim cùng tên do Nga sản xuất. Khai thác về đề tài Thế chiến, phim cho thấy góc nhìn của những người lính thất bại trong sứ mệnh xâm lược liên bang Xô Viết những năm 1945. Bộ phim đã không nương tay khi chiếu những cảnh bạo lực đầy máu và xác chết của những người lính tử trận nơi chiến trường khốc liệt.
8. Lone Survivor (2013): Phim kể câu chuyện về bốn lính đặc nhiệm Navy SEAL của Mỹ khi đội đặc nhiệm thực hiện nhiệm vụ bí mật nhằm tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của tổ chức al-Qaeda đang lẩn trốn ở vùng núi Afghanistan. Được dựa trên một câu chuyện có thật, người xem được trải nghiệm những khoảnh khắc căng thẳng trong một cuộc chiến mà chưa bao giờ chuyện sinh tử lại mong manh đến thế. Đạo diễn Peter Berg đã đem tới thứ ngôn ngữ điện ảnh chân thực, có sức lay động mạnh mẽ khi nhấn vào yếu tố con người giữa muôn vàn khói lửa, bom đạn. Chính tác giả cuốn sách là Marcus Luttrell là một trong bốn người lính tham gia vào chiến dịch Red Wings đó và tái hiện qua cuốn tự truyện.
9. MASH (1979): Mặc dù bộ được dự đoán là bộ phim hài xoay quanh những nỗi kinh hoàng và thử thách của chiến tranh, song Mash vẫn là một trong những tác phẩm chiến tranh vĩ đại và kinh điển nhất lịch sử. Dự án có ý nghĩa văn hóa này theo sau một đơn vị y tế ở Hàn Quốc, mặc dù ẩn ý của nó chỉ trích chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam và tính vô nhân đạo mà chiến tranh đã mang lại cho con người nơi đây. Phim được đẩy lên cao trào với những trò hề và nghi lễ hàng ngày mà đơn vị đã làm để tránh mất trí. Với giá trị thời đại đặc biệt, phim đã thành công chứng tỏ rằng một bộ phim không cần quá gay cấn để giữ được sự thật lịch sử.
10. Come And See (1985): Đây là bộ phim nổi tiếng của Liên Xô nói về những hành động tàn bạo của Đức Quốc xã trong cuộc chiếm đóng Belarus trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Xoay quanh những tang thương và bom đạn phi nghĩa, phim là cuộc đời của cậu bé lớn lên ở Belarus bị chiếm đóng và chứng kiến những người lính Đức Quốc xã ném lựu đạn vào nhà để giết dân thường vô tội cùng những tội ác chiến tranh tương tự. Cao trào của phim chân thực đến nỗi khiến người xem rùng mình trước cảnh Đức quốc xã thiêu rụi cả một ngôi làng và giết gần như toàn bộ cư dân ở đó. Những người nghi ngờ tính chính xác của bộ phim sẽ có thể tìm thấy những hồ sơ khủng khiếp ghi lại chính xác điều mà Đức Quốc xã đã phạm phải ở Belarus.