100.000 công chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy, khoảng 85.000 người nghỉ hưởng chế độ hưu trí trong 3 năm tới
Số người nghỉ hưởng chế độ hưu trí khoảng 85.000 người, trong đó, dự kiến năm 2025 khoảng 65.000 người, năm 2026 khoảng 16.000 người và khoảng 4.000 người nghỉ hưởng chế độ này vào năm 2027.

Ảnh minh họa.
Báo Dân trí cho hay, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ dự kiến sẽ có khoảng 100.000 người nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí và thôi việc theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.
Cụ thể, số người nghỉ hưởng chế độ hưu trí khoảng 85.000 người, trong đó, dự kiến năm 2025 khoảng 65.000 người, năm 2026 khoảng 16.000 người và khoảng 4.000 người nghỉ hưởng chế độ này vào năm 2027.
Theo Bộ Tài chính, số người hưởng hưu trí không tác động đến số người tham gia bảo hiểm y tế do quỹ hưu trí sẽ đóng bảo hiểm y tế, đồng thời không tác động đến số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Số người nghỉ hưởng hưu trí trên sẽ làm giảm 85.000 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ thực tế này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tuyên truyền, vận động và thực hiện các giải pháp để số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng thêm tương ứng.
Bên cạnh những cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi, Bộ Tài chính dự báo khoảng 15.000 người nghỉ thôi việc. Trong đó, năm 2025 có khoảng 6.000 người nghỉ thôi việc, năm 2026 có khoảng 5.000 nghìn người, năm 2027 có khoảng 4.000 người.
Như vậy, 15.000 người nghỉ này sẽ có tác động đến số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm xã hội đánh giá mức độ tác động không lớn do đa số sẽ quay lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia chính sách này ở nhóm doanh nghiệp.
Trước đó, VOV.vn thông tin, các chuyên gia cho rằng, quy mô của nền kinh tế và thị trường lao động hơn 50 triệu người như hiện nay đủ để hấp thu khoảng 100.000 cán bộ tinh giản. Việc tinh giản sẽ khiến một số lượng lớn người trong độ tuổi lao động mất việc làm nhưng đi kèm với đó là sự tích cực. Mỗi sự thay đổi đều mở ra những cơ hội mới, chỉ cần mỗi người dám bước qua vùng an toàn của mình.
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, thị trường lao động được dự đoán sẽ có những bất ổn và biến động khá lớn do chính sách tinh giản trong khu vực nhà nước, rồi cơ cấu, điều chỉnh ở các cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị. Với số lượng cả trăm nghìn người mất việc sẽ tạo ra tác động mạnh tới thị trường lao động. Bởi hiện nay, số người thất nghiệp của cả nước đã chạm mức trên 1 triệu người.
Trong công cuộc tinh giản lần này, không phải tất cả mọi người đều thất nghiệp, mà chỉ là tạm thời rời khu vực này để sang khu vực khác. Dự đoán sẽ có những tác động ban đầu tương đối lớn, tương đối mạnh với thị tường lao động. Về lâu dài, tác động ấy có thể sẽ được giảm đi nhiều vì nhóm rời khỏi khu vực nhà nước có nhiều người có kiến thức, kỹ năng, có một phần hỗ trợ của Nhà nước, hy vọng họ sẽ đóng góp được những thành tựu đáng kể cho khu vực ngoài nhà nước.
Cũng theo bà Hương, đây có thể coi là cơ hội tốt của thị trường lao động cả nước khi được “bổ sung” một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, chuyên môn cao, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cho nền kinh tế.
“Lao động thuộc khu vực nhà nước có ưu điểm là sự chỉn chu, tinh thần trách nhiệm, am hiểu quy trình hành chính, kinh nghiệm xử lý công việc bài bản và có tính hệ thống. Tuy nhiên, khi chuyển sang khu vực tư, hiệu quả công việc được đo lường bằng kết quả rõ ràng và thường đi kèm áp lực về thời gian. Do đó, người lao động cần thay đổi, nỗ lực rèn luyện để thích ứng với môi trường làm việc mới; Cải thiện kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm để tương tác hiệu quả hơn với đối tác. Sẵn sàng thay đổi và thử nghiệm các phương pháp làm việc mới cũng như mở rộng tư duy để thích nghi với môi trường làm việc đa dạng”, TS. Nguyễn Thị Lan Hương bày tỏ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội chia sẻ, thị trường lao động Việt Nam liên tiếp hứng chịu những áp lực từ thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do cách ly, giảm đơn hàng. Còn năm nay, doanh nghiệp lại chịu áp lực của cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước với hàng trăm nghìn lao động dôi dư.
Việc tinh giản lao động làm tăng số lượng người cần tìm việc, cần tái hòa nhập cộng đồng, kể cả bộ phận trong doanh nghiệp đang bị dôi dư cũng như bộ phận công chức nhà nước dôi dư sau tinh gọn, điều này làm tăng sự cạnh tranh, giảm sức ép tăng lương khi nhiều người cùng tìm việc. Như vậy, người lao động sẽ chịu áp lực cạnh tranh về việc làm cũng như giảm bớt kỳ vọng tăng lương nhiều hơn trong thời gian tới. Đây là tác động áp lực lớn nhất đối với người lao động.
Nguồn tin từ Dân trí, theo cập nhật giữa tháng 3, số người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2025 là 21,3 triệu người. Dự kiến số người tham gia trong năm 2026 là 22,9 triệu người và 24,6 triệu người tham gia vào năm 2027.
Số người tham gia vẫn đảm bảo đạt chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Trung ương (năm 2025 đạt 45,1% lực lượng lao động, vượt 0,1% chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW).
Bên cạnh đó, 16,6 triệu người sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2025. Con số này dự kiến trong năm 2026 là 17,7 triệu người và năm 2027 là 18,8 triệu người.
Số người tham gia bảo hiểm y tế năm 2025 là 97,4 triệu người; năm 2026 là 98,4 triệu người và năm 2027 là 99,3 triệu người.
Trong giai đoạn 2025-2027, dự kiến tổng số thu tiền đóng là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 24,81% so với giai đoạn 2022-2024. Bên cạnh đó, tổng số tiền chi trả các chế độ là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 33,1% so với giai đoạn trước.
Đây là báo cáo trong bộ hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027 đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo dự thảo nghị quyết, mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội bình quân giai đoạn 2025-2027 tối đa 1,31% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp bình quân giai đoạn 2025-2027 tối đa 1,31% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó, năm 2025 tối đa 1,36%, năm 2026 tối đa 1,30% và năm 2027 tối đa 1,27% (bao gồm kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với viên chức, người lao động theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP năm 2025 là 0,14%, năm 2026 là 0,02%, năm 2027 là 0,01%).