100% hồ sơ theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông ' dính' lỗi

100% hồ sơ theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông nộp đăng ký lần đầu theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (và các văn bản quy định chi tiết) đều tồn tại những lỗi chưa phù hợp theo quy định.

Theo quy định tại Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, 08 nhóm lĩnh vực thuộc Danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm:
1. Cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt;

2. Cung cấp nước sinh hoạt;

3. Truyền hình trả tiền;

4. Dịch vụ viễn thông di động mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet);

5. Dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ truy nhập Internet);

6. Vận chuyển hành khách đường hàng không;

7. Vận chuyển hành khách đường sắt;

8. Mua bán căn hộ chung cư.

Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương cho biết trong giai đoạn từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực thi hành (01/7/2024) đến hết tháng 4/2025, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công Thương đã tiếp nhận và thẩm định đối với 308 bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của các doanh nghiệp thuộc Danh mục nêu trên, trong đó có 68 bộ hồ sơ (chiếm khoảng 22,1%) thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet); dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ truy nhập Internet); dịch vụ truyền hình trả tiền (sau đây gọi chung là “dịch vụ viễn thông”).

Tỷ lệ kết quả hồ sơ đăng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ảnh: Nguồn Ủy ban cạnh tranh Quốc gia

Tỷ lệ kết quả hồ sơ đăng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ảnh: Nguồn Ủy ban cạnh tranh Quốc gia

Kết quả thẩm định hồ sơ đăng ký tại Ủy ban cho thấy, 100% hồ sơ theo mẫu trong lĩnh vực viễn thông nộp đăng ký lần đầu theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (và các văn bản quy định chi tiết) đều tồn tại những lỗi chưa phù hợp theo quy định. Bên cạnh những nội dung cụ thể chưa phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hợp đồng về cung cấp dịch vụ viễn thông còn tồn tại nhiều lỗi cơ bản, lặp đi lặp lại ở nhiều bộ hồ sơ khác nhau.

Cơ quan này cho biết từ thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực (01/7/2024) đến hết tháng 4/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận 68 lượt hồ sơ đăng ký trong lĩnh vực cung cấp một số dịch vụ viễn thông. Trong đó: 05/68 lượt hồ sơ (chiếm khoảng 7% tổng số hồ sơ đăng ký lĩnh vực viễn thông) hoàn thành nghĩa vụ đăng ký. Các hồ sơ hoàn thành nghĩa vụ đăng ký được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

56/68 lượt hồ sơ (chiếm khoảng 82% tổng số hồ sơ đăng ký lĩnh vực viễn thông) phải sửa đổi, bổ sung trên cơ sở thông báo kết quả thẩm định cụ thể của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do tồn tại những nội dung chưa tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

06/68 lượt hồ sơ (chiếm khoảng 9% tổng số hồ sơ đăng ký lĩnh vực viễn thông) được Ủy ban trả lại hoặc doanh nghiệp chủ động rút hồ sơ do nộp không đúng đối tượng, phạm vi phải đăng ký theo quy định.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm việc đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý có thể phát sinh, góp phần bảo vệ lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

Chủ động cải thiện chất lượng hợp đồng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật: Doanh nghiệp cần nghiêm túc chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định pháp luật có liên quan đến hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và chấp hành đầy đủ các hướng dẫn của cơ quan thẩm định hồ sơ đăng ký. Bản thân doanh nghiệp, với ý thức tuân thủ pháp luật và chất lượng hợp đồng theo mẫu, chính là yếu tố then chốt trong việc sớm hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đảm bảo công khai hợp đồng: Trước khi tiến hành ký kết hợp đồng và nhận thanh toán, đặt cọc hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng khác với người tiêu dùng, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng hợp đồng đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký và được công khai theo quy định của pháp luật để người tiêu dùng có thể biết và xem xét rõ ràng các điều khoản. Điều này không chỉ tạo sự minh bạch mà còn củng cố, tăng cường niềm tin của khách hàng.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/100-ho-so-theo-mau-trong-linh-vuc-vien-thong-dinh-loi-10306457.html