1001 cách giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên
Giáo dục giới tính và tình dục lâu nay vẫn được xem là đề tài nhạy cảm và là vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em và vị thành niên là cha mẹ buộc phải học từ những điều đơn giản nhất, từ cách trò chuyện cùng con.
Nhiều phụ huynh bối rối khi giáo dục giới tính cho con
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, thanh thiếu niên thường tìm hiểu về giới tính, sinh sản, tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục từ nhiều nguồn khác nhau như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, đài phát thanh, truyền hình, báo chí. Dù vậy, các em vẫn còn xấu hổ, hổ thẹn cũng như thiếu kỹ năng cần thiết để nói về các vấn đề tình dục.
Theo TS.BS Phan Chí Thành, người lớn có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, nếu cha mẹ thường xuyên tâm sự, trò chuyện với con từ khi con còn nhỏ, thông thường trẻ sẽ phản ứng tốt hơn với chủ đề này khi cha mẹ cởi mở và trung thực. Do đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con bởi việc cung cấp những thông tin chính xác về sức khỏe sinh sản sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong việc đối diện với những vấn đề liên quan đến giới tính. Tuy nhiên, nói chuyện với con về tình dục là một chủ đề khá nhạy cảm và nhiều bậc phụ huynh thường cảm thấy bối rối hoặc ngại ngùng khi đề cập tới vấn đề này.
Trò chuyện với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị Trần Linh Nhi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị cảm thấy vô cùng khó xử khi phải nói về những vấn đề liên quan đến cơ thể, tình dục và các mối quan hệ với người con trai đang học cấp 2 của mình. Đôi lúc, khi con xem những bộ phim có cảnh nam nữ nắm tay nhau, hay có những hành động đi quá giới hạn chị vẫn nói con không được nhìn và chứng kiến hình ảnh đó.
“Quan niệm xã hội về tình dục còn khá khắt khe, khiến tôi khá ngại nói về vấn đề này với con vì sợ phản cảm. Dù tôi biết rằng việc nói về tình dục quá sớm hoặc quá muộn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của con”, chị Nhi bộc bạch.
Tương tự chị Nhi, chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Long Biên, Hà Nội) thổ lộ, con trai đang học lớp 5 của chị dạo này thường đặt ra những câu hỏi rất thẳng thắn và cụ thể về giới tính, khiến chị khá bối rối và không biết trả lời, diễn đạt sao cho phù hợp với độ tuổi và sự hiểu biết của con.
“Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm việc nói chuyện với con về vấn đề nhạy cảm. Việc không được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính khiến tôi lo sợ rằng mình sẽ cung cấp thông tin không chính xác hoặc chưa đầy đủ, dẫn đến việc con hiểu sai về vấn đề”, chị Hạnh nói.
Cha mẹ cần có kiến thức và kỹ năng đúng đắn về giới tính
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho rằng, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh, dù đã nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính nhưng vẫn chưa thực sự nắm vững kiến thức cần thiết để truyền đạt cho con cái. Họ thường phó mặc trách nhiệm này cho nhà trường, trong khi nhà trường cũng chỉ đề cập đến vấn đề phòng tránh thai một cách chung chung, chưa đi sâu vào từng khía cạnh, khiến các em thiếu những kiến thức toàn diện về tình yêu, quan hệ và sức khỏe sinh sản.
"Để ngăn ngừa tình trạng quan hệ tình dục sớm, giáo dục giới tính cho trẻ về một tình yêu đẹp, trong sáng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh còn e dè trong việc truyền đạt những kiến thức này, thiếu kỹ năng giao tiếp để tạo không gian thoải mái cho con trẻ chia sẻ”, Chuyên gia tâm lý Hồng Hương nói.
Thực tế, do trước đây thế hệ cha mẹ chưa hề được “giáo dục giới tính” bao giờ nên không tránh khỏi lúng túng và nhiều khi lấn cấn trong tư tưởng. Do vậy, để giải quyết vấn đề giáo dục giới tính một cách hiệu quả, trước hết cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn về giới tính và kỹ năng giáo dục giới tính, cha mẹ cần tìm hiểu sách báo, tài liệu và so sánh về nhận thức, quan điểm của mình với những người khác về giới tính, về tình dục để có thể hướng dẫn con một cách khoa học và phù hợp.
Trang bị kiến thức về cơ thể học, sinh lý học không khó bằng cách nhìn nhận vấn đề, tức là quan điểm, còn gọi là các “giá trị” của chính bản thân. Khi nói với con về tình dục, không thể chỉ nói đến chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm lý và cảm xúc. Như vậy, giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện về các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai…
1001 cách trò chuyện với con tuổi mới lớn
Muốn con cái hiểu và đối mặt với vấn đề sức khỏe sinh sản một cách thoải mái, cha mẹ cần là tấm gương sáng, thể hiện góc nhìn cởi mở, tích cực về chủ đề sức khỏe sinh sản và tình dục, coi nó như những chủ đề bình thường khác trong cuộc sống. Trong giáo dục giới tính, cần phải phá vỡ những rào cản, không để các từ ngữ, khái niệm, hình tượng mơ hồ ám ảnh, gây hoang mang, ngượng ngùng lúc trao đổi với trẻ.
Thay vì né tránh hoặc cấm đoán, cha mẹ nên chủ động mở những cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở. Một câu chuyện dí dỏm, một tình huống hài hước có thể là chiếc cầu nối giúp cha mẹ và con cái gần gũi hơn trong những cuộc trò chuyện tế nhị. Khi cha mẹ thoải mái, tự nhiên, con cái cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi chia sẻ và đặt câu hỏi.
Việc trẻ gặp khó khăn trong việc quyết định khi nào chúng sẵn sàng quan hệ tình dục là điều bình thường. Rất nhiều trẻ muốn làm theo hành động của bạn bè. Do vậy, cha mẹ có thể giải thích với con rằng tình dục là một hành động đặc biệt. Việc này nên được thực hiện với người mà con yêu thương và hoàn toàn tin tưởng họ. Đây là lý do tại sao một số người chọn giữ trinh tiết cho đến khi kết hôn và sẽ mất nhiều thời gian trong tương lai để con có thể tìm thấy người đó. Điều quan trọng là phải nói cho con hiểu rằng quan hệ tình dục cần có sự đồng ý của hai người.
Khi các bé đặt câu hỏi về giới tính, tình dục, cha mẹ cần chọn thông tin phù hợp với từng độ tuổi để đưa ra câu trả lời phù hợp. Đối với các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi 4-7, có thể giải thích những điều cơ bản về sự khác biệt của cơ thể, ranh giới giới tính chẳng hạn như không chạm vào người khác, không để bất kỳ ai chạm vào người mình trong không gian riêng. Đối với những trẻ 8-10 tuổi, một trong những điều đầu tiên cần nói với con là tình yêu thời thơ ấu. Có một nền tảng cơ bản về tình yêu có thể dẫn đến những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn về sự mất mát và bị từ chối. Cha mẹ nên đề cập đến những thay đổi ở tuổi dậy thì, các khuynh hướng giới tính, tình dục và bản dạng giới khác nhau.
Đặc biệt, với trẻ từ 12-15 tuổi cần phải rõ ràng về sự đồng ý khi quan hệ tình dục, mối quan hệ yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, nhóm tuổi này nên được cung cấp thêm thông tin về những rủi ro trong quan hệ tình dục, nền tảng kiến thức chung về phòng tránh thai. Lưu ý, cha mẹ không nên biến chủ đề tình dục thành một cuộc trò chuyện tiêu cực; không sử dụng cách thức dọa dẫm hoặc làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ; chỉ cần trung thực và thực tế về những rủi ro liên quan đến quan hệ tình dục.
Để giải quyết câu hỏi, tâm lý lo lắng về việc tránh thai, các bệnh lây qua đường tình dục và cách giữ an toàn, giúp thanh thiếu niên 15-18 tuổi hiểu đầy đủ về tình dục. Cách tiếp cận tốt nhất là bắt đầu nói chuyện với con cái về những mối quan hệ lành mạnh, các mức độ cảm xúc khác nhau, những tình huống phổ biến có thể gặp phải, cách giải quyết từng trường hợp. Lưu ý, cha mẹ không nên phán xét hoặc chỉ trích con trẻ trong cuộc trò chuyện vì nó có thể làm phản tác dụng. Nếu không thể truyền đạt kiến thức về tình dục một cách khéo léo, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc đến gặp chuyên gia tư vấn để hỗ trợ.