Những cô con gái 'không được thừa nhận'

Simona Dai, sinh năm 1992, là con gái thứ hai trong một gia đình nông thôn ở Trung Quốc. Ngay khi cô chào đời, cha mẹ đã gửi Dai cho gia đình khác nuôi dưỡng vì muốn 'che giấu' cô.

 Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy các giá trị gia đình và khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Ảnh minh họa: istockphoto

Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy các giá trị gia đình và khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Ảnh minh họa: istockphoto

Quyết định này được bố mẹ Dai đưa ra trong thời điểm chính sách một con vẫn được áp dụng (từ năm 1980 đến năm 2015). Mặc dù chính sách cho phép gia đình ở nông thôn có thể có con thứ hai nếu con đầu là gái nhưng vì mong có một đứa con trai nên bố mẹ Dai đã quyết định "che giấu" cô con gái thứ hai này. Phải đến 4 năm sau, khi em trai của Dai chào đời, cô mới được trở về gia đình của mình.

Số phận "không được thừa nhận" như Dai không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc. Giờ đây, ở tuổi 32, Dai quyết định không sinh con. Cô chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu từ mẹ. Tôi không biết làm sao có thể trao tình thương cho ai khác".

Trước lo ngại dân số suy giảm, chính sách một con đã được bãi bỏ. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy các giá trị gia đình và khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Tuy nhiên, "tổn thương" sau nhiều thập kỷ chịu ảnh hưởng của chính sách hạn chế sinh đẻ nghiêm ngặt vẫn đeo đẳng nhiều phụ nữ.

Dai và nhiều phụ nữ khác không chỉ chứng kiến nỗi đau của cha mẹ khi phải bỏ rơi con gái của mình hoặc phá bỏ thai nhi mà còn cảm thấy bản thân là trở ngại cho khao khát có con trai của gia đình. Cảm giác thiếu thốn tình thương và sự quan tâm chăm sóc từ nhỏ đã phá vỡ khái niệm về gia đình ở họ, một phần dẫn đến sự phản kháng đối với việc kết hôn hay sinh con.

Mei Fong, tác giả cuốn sách "One Child: The Story of China's Most Radical Experiment", nhận định: "Chính sách một con đã tạo ra chấn thương thế hệ, để lại vết sẹo sâu đến mức, nhiều phụ nữ Trung Quốc hiện nay không muốn xây dựng gia đình. Tại sao họ làm vậy? Vì họ đã không có gia đình hạnh phúc".

Mặc dù vẫn có nhiều phụ nữ Trung Quốc kết hôn và sinh con nhưng tỷ lệ phụ nữ chưa kết hôn trong độ tuổi từ 30 đến 44 ở nước này đã tăng từ dưới 1% năm 2000 lên 5,6% năm 2020.

Một tấm biển chụp năm 2001 kêu gọi thực hiện chính sách một con tại Trung Quốc

Một tấm biển chụp năm 2001 kêu gọi thực hiện chính sách một con tại Trung Quốc

Áp lực sinh con trai

Trisha Zhu, sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở miền trung Trung Quốc, nhớ lại mẹ cô thường vắng nhà trong nhiều tháng với lý do đi thăm họ hàng. Thực tế, mẹ Zhu phải trốn đi trong thời gian mang thai để không bị phát hiện.

Phải đến lần mang thai thứ tám, mẹ cô mới sinh được con trai. Ở tuổi thiếu niên, Zhu biết rằng cô có một người em gái được gửi cho gia đình khác nuôi ngay khi mới sinh. Một em gái khác bị loại khỏi sổ đăng ký khai sinh để gia đình không bị phạt do sinh quá số con quy định.

Mẹ Zhu cũng từng phá thai và trải qua lần sinh con mà em bé tử vong do kích thích chuyển dạ trước thời điểm sinh tự nhiên. Bà đã ngất xỉu khi biết em bé là con trai.

Mẹ Zhu thường bị gia đình chồng khinh miệt vì không sinh được con trai và sống trong nỗi sợ bị cưỡng ép phá thai vì cái thai là gái. Zhu cho biết, đôi khi mẹ cô đã nghĩ đến việc uống thuốc trừ sâu, một trong những phương pháp tự tử phổ biến của phụ nữ nông thôn vào thời điểm đó. "Chúng ta không thể hiểu được những gì bà ấy đã phải chịu đựng", cô nói.

Ở khu vực thành phố, nơi đa số các gia đình chỉ có một con, trẻ em gái được tiếp cận với giáo dục và có cơ hội tương đương với trẻ em trai. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, chính sách hạn chế sinh đẻ càng làm trầm trọng thêm sự ưu tiên con trai của văn hóa "trọng nam khinh nữ".

Một minh chứng cho sự coi thường con gái là đặt cho họ những cái tên như "Chiêu Đệ" hoặc "Lai Đệ", với ý nghĩa "mau chóng có em trai". Những năm gần đây, một số phụ nữ đã lựa chọn đổi tên. Trên mạng xã hội, họ chia sẻ cảm giác xấu hổ khi bị gọi với cái tên như vậy ở nơi công cộng.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, sau khi xem xét dữ liệu từ cuộc khảo sát của Đại học Bắc Carolina (Mỹ), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc và các tổ chức khác, đã phát hiện rằng từ năm 1991 đến năm 2009, cứ 4 trong số 10 trẻ em gái và phụ nữ nông thôn từ 6 đến 30 tuổi có em trai, thì chỉ có 2 trong số 10 bé trai trong cùng độ tuổi có em trai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc có em trai cũng ảnh hưởng lớn đến cơ hội học tập của trẻ em gái. Nanfu Wang, nhà làm phim đồng đạo diễn bộ phim tài liệu "One Child Nation", từng ấp ủ dự định vào đại học.

4 thập kỷ sau khi Trung Quốc ban hành chính sách một con, số ca sinh ở quốc gia này giảm mạnh. Năm 2023, chỉ có hơn 9 triệu trẻ sơ sinh ra đời, so với khoảng 16 triệu vào năm 2013. Theo ước tính của Liên hợp quốc, dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1,4 tỷ người hiện nay xuống còn 639 triệu người vào năm 2100.

Song, ước mơ của Wang tan vỡ khi gia đình gửi cô đến trường nghề thay vì trường trung học khi cô 13 tuổi, với hy vọng rằng sau khi tốt nghiệp cô sẽ giúp gia đình giảm gánh nặng tài chính để em trai có thể tiếp tục học hành.

Em trai cô, Wang Zhihao, chia sẻ rằng, anh chỉ biết điều này khi học trung học. "Tôi cảm thấy thực sự có lỗi. Tôi ước mọi thứ diễn ra khác đi", anh nói.

Một nghiên cứu năm 2017, dựa trên dữ liệu quốc gia năm 2010 của các nhà nghiên cứu từ Đại học Tế Nam và Học viện Từ thiện Quảng Châu cho thấy, việc có em trai làm giảm trung bình nửa năm học tập của phụ nữ. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em gái cũng bị hạn chế cơ hội giáo dục do bị cha mẹ "che giấu" và không được đăng ký giấy tờ.

Nỗi đau do tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"

Wu Yaping sinh năm 1992 và là con gái thứ 3 trong gia đình. Khi cô chào đời, cha mẹ bỏ cô ở lề đường ngoài bệnh viện, nhưng sau đó cha đã quay lại đón cô, với lý do rằng cô sẽ phụ giúp việc nhà.

Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, Wu thường xuyên bị sai bảo. Sự phân biệt đối xử của cha mẹ đối với con gái và con trai ngày càng rõ theo thời gian. Trong khi Wu và các chị phải học ở trường công đông đúc thì em trai cô học trường tư với đồ dùng học tập mới và tiền tiêu vặt hàng tháng gấp 7 lần. Khi em trai kết hôn, cha mẹ cô còn trả tiền cọc mua nhà và tặng một chiếc ô tô.

Ban đầu, Wu nghĩ rằng sự bất công này là bình thường và không thắc mắc về nó. Khi lớn lên, cô bắt đầu cảm nhận những căng thẳng trong mối quan hệ với cha mẹ, phần lớn là do sự thờ ơ và những đối xử bất công mà cô phải chịu. "Đã vô số lần tôi nói với mẹ rằng, tôi thực sự ước mình không được sinh ra. Tôi lo lắng nếu tôi có con, chúng sẽ trở thành một phiên bản khác của tôi", cô chia sẻ.

Hiện nay, Wu là luật sư sở hữu trí tuệ tại Thâm Quyến. Wu dần quay lưng với ý nghĩ một ngày nào đó mình sẽ kết hôn và làm mẹ. "Tôi không cần phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Tôi sống vì chính mình", cô nói.

Cũng giống như Wu, Zhu và Dai đã phải mất một thời gian dài để chấp nhận quá khứ, cố gắng hiểu những thách thức và tổn thương họ từng đối mặt. Vào năm 2015, Zhu bắt đầu tìm hiểu câu chuyện của những phụ nữ bị bỏ rơi hoặc lớn lên như những đứa con gái "không được thừa nhận" khác. Cô đã chia sẻ hơn 100 câu chuyện trên tài khoản mạng xã hội của mình. "Đó là một chấn thương tập thể", Zhu nói.

Một buổi tối cuối năm 2019, Dai quyết định hỏi mẹ về những trải nghiệm của bà trong thời kỳ chính sách một con. Cô không khỏi bàng hoàng khi biết rằng mẹ mình bị ép sinh non khi thai nhi ở tháng thứ 8, lúc đó là đầu những năm 1990. Đứa bé kém may mắn đó là một bé gái.

"Mẹ vẫn nghĩ về chuyện đó vào ban đêm. Mẹ thực sự hối hận và rất đau lòng", bà nghẹn ngào chia sẻ trong một đoạn ghi âm. Dai đã dùng câu chuyện của mẹ làm phần mở đầu cho podcast về hôn nhân và sinh sản của mình.

Cô kết hôn ở tuổi 26 nhưng trong suốt nhiều năm, Dai luôn phản đối những áp lực từ cả hai gia đình về việc sinh con. Cuối cùng, cô nhận ra rằng, cách duy nhất để chấm dứt những yêu cầu này là kết thúc hôn nhân. Năm ngoái, cô đã đệ đơn ly hôn.

Nguồn: Wall Street Journal

Ngọc Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-co-con-gai-khong-duoc-thua-nhan-20241226135657595.htm