1001 kiểu 'đốt' công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp - Bài 5: Trăm nẻo đường khiến doanh nghiệp lãng phí

Sự vô cảm của cán bộ thực thi công vụ, văn bản pháp luật rườm rà, chồng chéo, thủ tục 'hành là chính', những quy định cố tình 'đẻ' ra cũng gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp lẫn cả cơ quan nhà nước.

Lãng phí thời gian, công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp chính là một trong những dạng thức lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết “Chống lãng phí” hồi tháng 10/2024. Vấn nạn đó gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khi làm suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển. Vấn nạn đó tai hại hơn tham ô, vì lãng phí rất phổ biến.

Bài 5: Trăm nẻo đường khiến doanh nghiệp lãng phí

Sự vô cảm của cán bộ thực thi công vụ, văn bản pháp luật rườm rà, chồng chéo, thủ tục “hành là chính”, những quy định cố tình “đẻ” ra cũng gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp lẫn cả cơ quan nhà nước.

Đủ “chiêu” sách nhiễu

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận Thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho người dân và doanh nghiệp từ ngày 15/6/2021 đến ngày 30/11/2023.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn trên, Bộ GĐ&ĐT báo cáo, có 9/10 thủ tục hành chính phát sinh văn bản yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung thông tin, tài liệu trong quá trình thẩm định, với số lượng hồ sơ được yêu cầu bổ sung là 2.498/18.488 hồ sơ, trong đó có 2.471 hồ sơ được yêu cầu 1 lần và 27 hồ sơ được yêu cầu 2 lần.

Dự án Aqua City (Đồng Nai) của Novaland phải mất nhiều năm mới được tháo gỡ vướng mắc.

Dự án Aqua City (Đồng Nai) của Novaland phải mất nhiều năm mới được tháo gỡ vướng mắc.

Kết quả thanh tra cho thấy, hình thức yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu ngoài danh mục thành phần hồ sơ. Có 17 trường hợp được yêu cầu mang tính khuyến nghị, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Loại bỏ ngay thủ tục hành chính đang là rào cản trong sản xuất, kinh doanh

Tại Công điện 131 ngày 11/12 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa.

Thậm chí, cơ quan của Bộ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ về chủ trương cấp đất, địa điểm khu đất, trong khi doanh nghiệp đã nộp; yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, giải trình, hoàn thiện hồ sơ 3 lần, nhưng với nội dung yêu cầu các lần khác nhau, bất chấp quy định pháp luật.

“Việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định (34 hồ sơ), gây bức xúc, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình, bổ sung nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cùng thời điểm, Thanh tra Chính phủ cũng công bố Kết luận thanh tra số 2555/KL-TTCP về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Y tế (giai đoạn từ ngày 15/6/2021 đến ngày 30/11/2023).

Theo đó, qua kiểm tra 20 thủ tục hành chính và 5 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại 5 đơn vị thuộc Bộ Y tế, gồm Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện, 19 thủ tục hành chính có hồ sơ giải quyết quá hạn, 10 thủ tục hành chính quá hạn trên 50%, một số thủ tục hành chính quá hạn 89-90%. Một số thủ tục hành chính có hồ sơ quá hạn bình quân trên 400 ngày. Một số hồ sơ thời gian tiếp nhận, chuyển hồ sơ thẩm định và yêu cầu bổ sung hồ sơ kéo dài 2-4 năm, trong khi quy định là 3 ngày làm việc.

Tại 5 đơn vị nêu trên đều có tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngoài quy định, yêu cầu bổ sung vượt quá số lần quy định; yêu cầu mang tính khuyến nghị, không đầy đủ, rõ ràng, hoặc yêu cầu bổ sung khi các quy định đã được bãi bỏ; yêu cầu bổ sung hồ sơ chứng minh các yếu tố cấu thành giá thuốc áp dụng sai quy định pháp luật..., dẫn đến doanh nghiệp phải bổ sung, giải trình nhiều lần, gây phiền hà.

Kết quả thanh tra chọn mẫu 20 thủ tục hành chính cho thấy, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trong lĩnh vực dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế rất cao, tồn đọng nhiều năm là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị. Cùng với những hạn chế, yếu kém trong quản lý hồ sơ, không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc FIFO (ưu tiên giải quyết theo thứ tự) trong giải quyết hồ sơ. Theo Thanh tra Chính phủ, việc này có nguy cơ tạo ra cơ chế xin - cho, gây phiền hà, không đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Kinh hoàng quy trình thủ tục

Điển hình cho vấn nạn này là trường hợp Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Trải qua 5 năm với 50 con dấu khác nhau, đó là các thủ tục mà chủ Dự án đã phải thực hiện để triển khai rồi mới động thổ được vào ngày 29/8/2024.

Nhưng 3 tháng sau khi động thổ, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Dự án vẫn chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt.

Nguyên nhân do huyện Bình Chánh còn phải làm văn bản “xin ý kiến” Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Mà nếu không có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt thì chủ đầu tư không thể làm thủ tục xin giao đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường và cũng không thể làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng tại Sở Xây dựng.

Chống tham nhũng mà không chống lãng phí thì cũng chỉ mới giải quyết một nửa vấn đề. Đất nước đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới, do đó việc khắc phục lãng phí là yêu cầu cấp bách. Phải để mỗi người dân nâng cao ý thức tiết kiệm, giám sát và sẵn sàng phản ánh những hành vi lãng phí để góp phần xây dựng đất nước.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)

Bức xúc tới mức, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư nhà ở xã hội ngày 6/12/2024, lãnh đạo TP.HCM đã phải chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh giải quyết ngay việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên để sớm đưa dự án vào thi công.

Nhưng dư luận vẫn không tin chỉ đạo của Thành phố được thực thi ngay. Bởi đã có tiền lệ là trường hợp Dự án Nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 (giai đoạn II) do Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Sản xuất - Dịch vụ - Du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Dự án đã được UBND TP.HCM chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa được Ban Quản lý Khu chế xuất Linh Trung và Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) hỗ trợ hoàn thành thủ tục để có thể sớm khởi công giai đoạn II.

Vì vậy, tại văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM đề xuất một số cơ chế, giải pháp để thực hiện phát triển từ 69.700 đến 93.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, HoREA cho rằng, để làm được thì phải gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở, ngành, quận, huyện nơi có dự án nhà ở xã hội.

Không chỉ doanh nghiệp làm nhà ở xã hội bị “đốt” công sức, thời gian. Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X vừa qua, UBND TP.HCM thông tin, đến nay Thành phố mới chỉ tháo gỡ, giải quyết khó khăn được 34/64 dự án bất động sản trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tới nay, TP.HCM cũng mới giải quyết được cấp “sổ đỏ, sổ hồng” cho 43.121/81.085 căn nhà thuộc 335 dự án (đạt tỷ lệ 53%).

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nguồn lực doanh nghiệp đã đầu tư vào rất lớn, nhưng vẫn còn lượng lớn dự án bất động sản nhà ở thương mại gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, đồng nghĩa gây lãng phí về đất đai, nguồn vốn, làm gia tăng khó khăn và tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm.

Nút thắt được tháo, có thể hồi sinh cả một doanh nghiệp lớn

Minh chứng cho việc này là trường hợp Dự án Aqua City (Đồng Nai) của Novaland. Dự án bị vướng lớn nhất là trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Biên Hòa (Đồng Nai) phê duyệt năm 2014 chưa cập nhật đầy đủ nội dung chi tiết 1/500 các dự án đang triển khai trong phạm vi phân khu C4 (gồm cả Dự án Aqua City).

Từ năm 2021, toàn bộ Dự án tạm ngừng. Tháng 11/2022, hơn 750 căn biệt thự tại Aqua City cũng bị hủy công nhận đủ điều kiện mở bán dù nhà đã hoàn thiện.

Điều này dẫn tới, Novaland có hơn 70.000 tỷ đồng phải thu theo tiến độ từ khách hàng tại dự án này cũng phải chờ được gỡ vướng mới có dòng tiền đầu tư.

Aqua City được xem là dự án “mấu chốt, sống còn của doanh nghiệp”. Với vướng mắc trên, doanh nghiệp lâm cảnh liêu xiêu, cắt giảm nhân sự…

Tới khi Tổ công tác của Chính phủ vào cuộc, dự án tái khởi động cuối tháng 6/2023, được phép bán một số căn nhà trong những căn đã xây dựng.

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung 1/10.000 cho phân khu C4, tức Aqua City được tháo gỡ, tạo tiền đề cho Dự án được quy hoạch chi tiết 1/500, để Novaland có thể hoàn thành 100% pháp lý.

Ngay khi có thông tin gỡ vướng (ngày 19/11/2024), trong phiên giao dịch cùng ngày, khi thị trường chứng khoán tiếp tục đà suy giảm, thì cổ phiếu NVL của Novaland bật tăng mạnh, tới 1,9% so với giá đóng cửa phiên hôm trước. Số lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh của Novaland hơn 12 triệu cổ phiếu, cao nhất trong 4 phiên gần đây.

Chưa hết, một số tổ chức tài chính cam kết cung cấp thêm các gói vay với tổng giá trị trên 10.000 tỷ đồng để Novaland tiếp tục triển khai hạ tầng, xây dựng và bàn giao nhà cho khách hàng.

Thực tế trên cho thấy, doanh nghiệp “sống hay chết” không chỉ phụ thuộc nội lực của bản thân, mà còn bởi cơ quan chức năng. Điều này cũng cho thấy, vấn nạn gây ra lãng phí gần như khắp tầng nấc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, gây hại không chỉ môi trường đầu tư, kinh doanh, mà gây hại cả uy tín Nhà nước, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế đất nước. Do đó, việc chống nạn lãng phí là rất cấp bách.

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/1001-kieu-dot-cong-suc-tai-san-co-hoi-dau-tu-cua-doanh-nghiep---bai-5-tram-neo-duong-khien-doanh-nghiep-lang-phi-d232563.html