105 luật sư tham gia bào chữa cho 54 bị cáo trong vụ án 'Chuyến bay giải cứu'
Dự kiến ngày mai (11/7), TAND TP Hà Nội sẽ đưa 54 bị cáo trong vụ án 'Chuyến bay giải cứu' ra xét xử sơ thẩm. Có 105 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
54 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
HĐXX gồm 5 người, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Quang Huy. 5 kiểm sát viên của VKSND Tối cao và VKSND TP Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa.
Có 105 luật sư tham gia bào chữa cho 54 bị cáo. Trong đó có, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu cán bộ Cục Hàng không Việt Nam) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (TGĐ Cty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Bầu trời xanh), mỗi người có 6 luật sư bào chữa.
Liên quan tới vụ án, tòa cũng triệu tập 16 công ty và hàng chục các nhân khác là người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến tòa án.
Trước khi phiên tòa diễn ra, theo luật sư của cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, sức khỏe ông Dũng không tốt, ngày nào cũng phải uống thuốc tiểu đường, huyết áp. Ngoài ra, ông Dũng luôn tỏ rõ sự ân hận, day dứt, dằn vặt về hành vi sai phạm của bản thân. Hiện ông Dũng đang tiếp tục tác động, nhờ người thân nộp hộ nốt số tiền còn lại, trong tổng số hơn 2 tỷ đồng bị cáo buộc nhận hối lộ.
Theo cáo buộc, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỷ đồng.
23 bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỷ đồng; 4 bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỷ đồng và 2 bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng.
Trong số các bị cáo nhận hối lộ, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), đã nhận hối lộ 37 lần, tổng số 21,5 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022. Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký) đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số hơn 27,3 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), đã nhận hối lộ 32 lần, tổng số hơn 25 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022.
Liên quan đến vụ án, theo Cơ quan ANĐT, ông Lê Dũng (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao) đã được Nguyễn Thị Dung Hạnh nhờ và chuyển giúp túi quà cho Tô Anh Dũng. Tuy nhiên, ông Lê Dũng không biết trong túi quà có tiền và việc các đối tượng thỏa thuận đưa, nhận tiền, nên không có căn cứ xử lý hình sự, nhưng cần kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm Đảng viên theo quy định.
Đối với Giám đốc, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã cho các bị can mượn pháp nhân để nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước. Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định các cá nhân không tham gia vào quá trình tổ chức chuyến bay, không bàn bạc và tham gia đưa nhận hối lộ trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, nên không có căn cứ xử lý hình sự./.