108 tổ hợp môn: Môn Lịch sử có thể bị 'xóa trắng' ở trường có thế mạnh KHTN
Các trường trung học phổ thông ở Hải Phòng hiện đang loay hoay khi tổ chức môn học, bởi đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật hiện thiếu trầm trọng.
Từ năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bậc Trung học phổ thông được triển khai ở lớp 10.
Điểm mới của chương trình là học sinh được chọn các môn học theo sở thích, dẫn đến lo ngại về nguy cơ thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Theo đó, học sinh lớp 10 học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các em chọn 5 môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Theo quy tắc trên, có hơn 100 cách chọn tổ hợp môn học đối với học sinh lớp 10 khi học chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Hải Phòng, nhiều hiệu trưởng cảnh báo nguy cơ vỡ trận chương trình lớp 10 mới ở khâu lựa chọn môn học.
Cô giáo Cao Tố Nga – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng, nếu để học sinh tự chọn môn, chắc chắn các trường khó đáp ứng nhu cầu.
Nhiều trường dự định "gợi ý" các tổ hợp sẵn có. Tuy nhiên, việc này trái với tinh thần của chương trình phổ thông mới là cho học sinh được chọn môn theo sở thích, năng lực.
Theo cô Nga, học sinh phải chọn môn học ngay từ đầu lớp 10 - giai đoạn các em chưa có định hướng nghề nghiệp.
Nhiều em đến lớp 12 mới định hướng được nghề nghiệp, khối thi đại học. Nếu chẳng may chọn nhầm tổ hợp môn tự chọn, các em sẽ thiệt thòi.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền cũng dự báo nguy cơ mất cân đối khi học sinh chọn môn tự chọn. Chẳng hạn, môn Lịch sử có khả năng bị "xóa trắng" ở nhiều trường có thế mạnh về Khoa học tự nhiên.
“Dường như những người làm chương trình chưa tính toán hết những khó khăn có thể xảy ra khi áp dụng”, cô Nga nói.
Điều đáng nói là, môn Nghệ thuật, gồm Âm nhạc và Mỹ thuật - lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10 - khiến nhiều trường lo nhất về khả năng thiếu giáo viên.
Theo cô Nga, do những năm trước không dạy môn này, các trường đều không có giáo viên biên chế.
Trước năm học mới, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền sẽ thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.
Nếu không tuyển giáo viên 2 bộ môn này, trường có thể không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, nếu tuyển mà trò không chọn học, thầy cô sẽ không có việc làm.
Cô Nga cho biết thêm, theo chương trình trước đây, nhà trường bố trí giáo viên Tự nhiên giỏi nhất dạy khối A, giáo viên trình độ khá dạy khối D…
Nhưng khi thực hiện chương trình mới, việc bố trí giáo viên theo lối cũ rất khó, bởi học sinh không thi sẽ chọn các môn năng khiếu để học.
Để không xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền dự kiến sẽ bố trí các môn tổ hợp theo thế mạnh của nhà trường.
Tại Trường Trung học phổ thông An Dương (Hải Phòng), bên cạnh 5 môn bắt buộc và 3 môn phân ban theo nhóm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, nhà trường lựa chọn các môn tự chọn thuộc nhóm Công nghệ và Nghệ thuật dựa theo điều kiện đội ngũ giáo viên hiện có.
Lãnh đạo nhà trường cho biết: “Đối với nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật, tùy theo điều kiện của mỗi nhà trường để lựa chọn.
Ví dụ như trường hợp có học sinh đăng ký môn nghệ thuật mà nhà trường thuê được giáo viên thì mới có điều kiện tổ chức dạy còn nếu không sẽ chọn môn có sẵn giáo viên như môn Tin, công nghệ”.
Còn tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, theo dự kiến, tránh trường hợp học sinh lựa chọn theo ý thích chứ không có định hướng đúng, ngay từ đầu vào nhà trường sẽ có phiếu đăng ký đưa ra 2 lựa chọn cho học sinh.