11 dấu hiệu cảnh báo bạn chưa ăn đủ rau
Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, hãy bổ sung rau vào chế độ ăn uống hàng ngày...
Các loại rau đều giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ... Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành hàng ngày nên tiêu thụ ít nhất từ 300 gam rau xanh. Việc không ăn đủ rau có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể và sức khỏe của chúng ta.
Dưới đây là 11 dấu hiệu chúng ta đang không ăn đủ rau:
1. Dễ bị bầm tím
Tiêu thụ ít vitamin C có thể dễ gây bầm tím, chảy máu nướu răng, suy nhược, mệt mỏi, phát ban và giảm tốc độ lành của vết thương hoặc vết cắt.
Nếu có triệu chứng này, hãy ăn thực phẩm giàu vitamin C như ớt đỏ, ớt đỏ, cải xoăn, rau lá xanh đậm, bông cải xanh, cải Brussels và cà chua.
2. Thường xuyên bị cảm lạnh
Việc thiếu rau trong chế độ ăn uống và các chất dinh dưỡng thiết yếu (vitamin C) mà chúng cung cấp sẽ khiến cơ thể thiếu khả năng phòng vệ cần thiết để giải phóng các tế bào gốc tự do chống lại vi rút và vi khuẩn.
Tiêu thụ các loại rau lá xanh đậm sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và cung cấp cho cơ thể lượng chất chống oxy hóa và sắt dồi dào.
3. Thường xuyên mệt mỏi
Nếu luôn cảm thấy mệt mỏi thì đó có thể là do thiếu folate hoặc axit folic. Thiếu folate dẫn đến mệt mỏi và thiếu máu. Folate hay axit folic là vitamin B9 có thể tìm thấy trong các loại rau lá xanh đậm như đậu tây, măng tây, đậu lăng, rau bina...; do đó, việc đưa rau vào chế độ ăn uống là điều bắt buộc.
4. Suy giảm trí nhớ
Mặc dù tình trạng hay quên thỉnh thoảng xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nếu bạn thấy não mình không thể ghi nhớ được một điều nhỏ nhặt thì đó là dấu hiệu cơ thể đang không nhận đủ chất dinh dưỡng. Lutein, một chất dinh dưỡng, đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường trí nhớ và học tập có nhiều trong cà rốt, rau lá xanh, bông cải xanh, ngô và cà chua. Chất dinh dưỡng này còn giúp chống lại bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng - hai chứng rối loạn mắt phổ biến.
5. Khó đối phó với các tác nhân stress hàng ngày
Mặc dù stress là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng cách chúng ta ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng của cơ thể. Viêm là đáp ứng tự nhiên của cơ thể với stress, vì vậy nếu không xử lý tốt stress, thì viêm và tác hại của nó có thể xảy ra.
Ăn thực phẩm chống viêm như cá hồi, cá ngừ, ớt sáng màu, cà chua, dầu ô liu, rau lá xanh, các loại hạt, trái cây như dâu tây, quả việt quất, anh đào và cam... có thể giúp giảm mức độ viêm trong cơ thể và tăng cường khả năng tinh thần để đối phó với những biến động của cuộc sống.
6. Dễ bị chuột rút
Rau quả chứa kali giúp ngăn ngừa chuột rút, đặc biệt là khi tập thể dục. Kali cũng có thể ngăn ngừa huyết áp cao, rối loạn tim và thận, lo lắng và căng thẳng. Nó cũng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và sự trao đổi chất.
Các loại rau giàu kali là rau bina, khoai lang, bông cải xanh, bí đỏ, củ cải Thụy Sĩ, khoai tây, cải xoăn, nấm, bí ngô...
7. Thường xuyên bị nhiễm trùng
Thường xuyên bị nhiễm trùng là dấu hiệu của hệ thống miễn dịch yếu, suy dinh dưỡng và không ăn đủ rau.
Nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ trở nên yếu đi để chống lại các mầm bệnh có hại và cơ thể sẽ không thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm trùng. Vì vậy, chúng ta nên bổ sung đủ loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa bệnh tật và các vấn đề sức khỏe.
8. Thường xuyên gặp vấn đề về tiêu hóa
Thường xuyên gặp vấn đề về tiêu hóa và đầy hơi là dấu hiệu rõ ràng của việc không ăn đủ rau. Chất xơ có trong rau giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, duy trì hoạt động của ruột đều đặn.
9. Có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tim và gia đình không có tiền sử mắc bệnh này thì đây có thể là dấu hiệu của việc bạn không ăn đủ rau. Những người tiêu thụ ít rau hơn thường mắc các bệnh liên quan đến tim về sau này.
10. Tăng cân nhanh chóng
Rau chứa nhiều chất xơ khiến bạn cảm thấy no lâu. Hầu hết các loại rau đều chứa ít calo và ăn rau sẽ hạn chế cơn thèm ăn, đồng thời cung cấp cho bạn các chất dinh dưỡng quan trọng. Điều này sẽ giúp chúng ta không bị tăng cân mà vẫn giữ được sức khỏe.
11. Gặp vấn đề về thị lực
Các loại rau có lá màu xanh đậm và các loại rau có màu như cà rốt và củ cải đường có chứa carotenoids có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về thị lực liên quan đến tuổi tác và giúp cải thiện hiệu suất thị giác của mắt. Carotenoid có tác dụng chống lại bệnh đục thủy tinh thể và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng cũng như các bệnh về mắt khác liên quan đến lão hóa.