11 năm 'trò chuyện' cùng trẻ sơ sinh nằm lồng ấp
36 tuổi đời, 13 năm tuổi nghề thì hết 11 năm điều dưỡng Phạm Quốc Vũ gắn bó với việc chăm sóc, trò chuyện với trẻ sinh non nằm lồng ấp điều trị tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM.
Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 là một trong bốn đơn vị chuyên khoa nhi tuyến cuối của cả nước và khoa Hồi sức sơ sinh của BV là nơi tiếp nhận, điều trị trẻ sinh non tháng, bệnh rất nặng, đa phần đều phải thở máy.
Góp sức trong những nỗ lực điều trị, chăm sóc cho các bé có những tấm lòng và sự tận tụy của đội ngũ điều dưỡng. Trong 44 điều dưỡng của khoa, Phạm Quốc Vũ là nam điều dưỡng hiếm hoi của khoa này.
36 tuổi đời, anh đã có 13 năm trong nghề điều dưỡng và phần lớn thời gian ấy anh gắn bó với công việc chăm sóc các bé sơ sinh.
Thay cha mẹ trò chuyện cùng con trẻ
Anh Vũ tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng năm 2010 và làm việc ở BV Nhi đồng 2 từ đó đến nay. Nhưng hồi ấy anh làm điều dưỡng ở khoa Hồi sức tích cực - chống độc, hai năm sau anh được điều về khoa Hồi sức sơ sinh.
“Đó là năm 2012. Nghe tin sẽ chuyển qua khoa khác và công việc chính là chăm sóc trẻ sơ sinh dưới một tháng tuổi, tôi lo dữ lắm. Mình là nam, không có đôi tay mềm mại, khéo léo như nữ, sợ không đủ tỉ mỉ để chăm sóc các bé sơ sinh. Nhưng được phân công thì tôi cứ ráng làm, học hỏi, trau dồi từ từ. Đôi tay của tôi cũng theo đó mà mềm mại, khéo léo lên từng ngày. Bây giờ, đồng nghiệp nữ chăm sóc các bé nhẹ nhàng, cẩn thận ra sao, tôi cũng có thể làm tốt như vậy” - anh Vũ chia sẻ.
Nhìn đôi bàn tay to bè, thô ráp của anh thao tác nhẹ nhàng, uyển chuyển khi chăm sóc các trẻ sơ sinh không chỉ khiến tôi mà ngay cả những nữ đồng nghiệp, thân nhân của các bé sơ sinh đều thán phục. Vừa thay tã, anh Vũ vừa trò chuyện cùng một em bé sinh non 29 tuần trong lồng ấp: “Hôm nay con đã thấy khỏe hơn chưa?” hay “Nào, để chú thay tã cho con thoải mái nha!”. Dù chẳng bao giờ được hồi đáp bằng lời, nhìn nụ cười anh Vũ vẫn rất vui, ấm áp.
Hỏi về khoảnh khắc nói cười cùng em bé trong lồng ấp, anh Vũ cười: “Trò chuyện gì đâu. Chỉ là độc thoại của mình với bé. Nhưng đấy là cách, cứ kiên trì sẽ khơi gợi để bé cảm nhận. Lúc bé phản ứng lại bằng những cái chớp mắt hay cử động ngón tay là chúng tôi mừng rơi nước mắt. Khi ấy, mình biết bé sẽ sớm phục hồi để nhanh về với vòng tay yêu thương của cha mẹ và gia đình”.
Theo anh Vũ, các bé ở đây đều bị tách mẹ từ khi mới sinh nên điều dưỡng mỗi đêm sẽ mở nhạc hát ruđể bé ngủ ngon hơn, tránh sự ồn ào của tiếng monitor. Dù không được nhìn mẹ nhưng não bé đã phát triển, sẽ cảm nhận được lời ru và quên đi cơn đau, sẽ bình phục tốt hơn. Đây là phương pháp được BV áp dụng từ lâu.
“Nhìn các bé được cứu chữa, chăm sóc để hồi phục, về với vòng tay yêu thương của gia đình là động lực lớn để tôi yêu nghề của mình hơn.”
Mong con hồi phục, sớm về với mẹ cha
11 năm chăm sóc trẻ sơ sinh, cả trăm bé đã qua tay anh chăm sóc với biết bao kỷ niệm, trong đó anh Vũ nhớ nhất là ca của bé con sản phụ TTMT ở huyện Cần Giờ.
Chuyện cách đây năm năm. Khi ấy, sản phụ TTMT sinh non 28 tuần nên bé con chị chỉ gần 1 kg, bị suy hô hấp, phải thở máy cao tần và nằm lồng ấp tại BV. Hằng ngày, vợ chồng chị TTMT chỉ được thăm con một lần trong vỏn vẹn 5 phút, những việc còn lại do điều dưỡng đảm nhận như cho ăn sữa, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, nhịp thở, nhiệt độ…
Con chị TTMT điều trị hai tháng thì được xuất viện. Hiện tại bé đã năm tuổi, phát triển khỏe mạnh và những khi đưa bé vào BV tái khám, cha mẹ đều ghé khoa cho bé thăm mọi người. Chị cho biết năm đó tưởng chừng con không qua khỏi nhưng may mắn bé đã hồi phục nhờ các y, bác sĩ đã chăm sóc tận tình, còn thay cha mẹ trò chuyện và cho con nghe nhạc, hát ru, điều này thiêng liêng lắm. “Tôi nghĩ họ phải thương các bé lắm mới chịu vất vả để chăm sóc các bé chu đáo, cẩn thận như vậy” - chị T nói.
Nói về ca bệnh này, anh Vũ cho biết thời điểm ấy có lúc con chỉ nằm im “như khúc gỗ”. Rồi sức khỏe chuyển xấu, tưởng chừng như không qua khỏi. Nhưng dần dần con cũng cải thiện, hồi đáp bằng những cái liếc mắt nhìn theo hay cử động ngón tay. “Lúc đấy tôi vui lắm, lòng ngập tràn hy vọng rồi con sẽ hồi phục mau thôi” - anh Vũ xúc động kể.
Được biết vợ anh Vũ cũng là điều dưỡng làm cùng BV nhưng làm hành chính. Chị thu xếp choàng gánh việc nhà, chăm hai con nhỏ để anh an tâm trong công việc, nhất là những ca trực đêm dẫu nhà xa BV.
Quê ở Cần Giờ, muốn vào TP phải qua phà nên hằng ngày anh đều đi từ 5 giờ sáng để đợi phà, vượt qua quãng đường 25 km đến BV. Những lúc tan làm muộn hay trực ca đêm, anh phải đợi 1 tiếng mới lên được phà về nhà.
Theo anh, chọn nghề này là chấp nhận có rất ít thời gian cho gia đình, người thân. “Nhìn vợ con buồn tủi, tôi chạnh lòng. Rồi nhìn những người lần lượt nghỉ việc, tôi cũng lung lay. Nhiều lúc cũng muốn chuyển nghề khác để thời gian được thoải mái hơn nhưng...
Dù có nhiều khó khăn nhưng nếu ai cũng nghỉ việc thì nhân lực điều dưỡng sẽ không đủ để chăm sóc những đứa trẻ bé nhỏ, ngây thơ đang nằm trong lồng kính kia, cả những bệnh nhi mà BV đang điều trị” - anh Vũ bộc bạch.•
Nhiều năm liền nằm trong tốp điều dưỡng giỏi
Những công việc chăm sóc bệnh nhi từ hút đàm đến chích ven đều bé tí, đòi hỏi bàn tay mềm mại, khéo léo và tỉ mỉ của những người phụ nữ. Vì thế, điều dưỡng phải chịu khó học hỏi mới làm được những kỹ thuật khó.
Điều dưỡng Vũ là nam nhưng làm rất khéo, chuyên môn giỏi, nhiều năm liền nằm trong tốp giỏi nhất của hội thi “Tay nghề điều dưỡng giỏi”.
PHẠM LÂM LẠC THƯ, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Nhi đồng 2
Nguồn PLO: https://plo.vn/11-nam-tro-chuyen-cung-tre-so-sinh-nam-long-ap-post739604.html