11 ngân hàng lớn nhất của Mỹ bơm 30 tỷ USD giải cứu First Republic Bank
Một nhóm bao gồm 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ cho biết sẽ gửi 30 tỷ USD vào First Republic Bank nhằm vực dậy hệ thống ngân hàng sau các phụ phá sản liên tiếp xảy ra hồi tuần trước.
Theo CNBC, 11 trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ ngày 17/3 (giờ địa phương) vừa công bố sẽ rót tổng cộng 30 tỷ USD vào Ngân hàng First Republic (Đệ nhất Cộng hòa), trong bối cảnh Phố Wall và các quan chức Mỹ tổ chức một cuộc can thiệp khẩn cấp nhằm dập tắt những chấn động trong lĩnh vực tài chính.
Cụ thể, 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là Bank of America, Wells Fargo, Citigroup và JPMorgan Chase sẽ góp mỗi đơn vị khoảng 5 tỷ USD; Goldman Sachs và Morgan Stanley mỗi ngân hàng góp khoảng 2,5 tỷ USD. Các ngân hàng còn lại gồm Truist, PNC, U.S. Bancorp, State Street và Bank of New York Mellon sẽ góp khoảng 1 tỷ USD/ngân hàng.
11 ngân hàng vừa kể trên đều nằm trong top 15 có tổng tài sản lớn nhất nước Mỹ tính đến ngày 31/12/2022. Bản thân First Republic Bank – ngân hàng được giải cứu – có tổng tài sản gần 213 tỷ USD và xếp thứ 14, theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Silicon Valley Bank – ngân hàng sụp đổ hôm 10/3 – xếp thứ 16.
Giá cổ phiếu của First Republic Bank đã dao động bất ổn trong cả tuần qua, làm gia tăng nguy cơ một ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ có thể sụp đổ trong vòng chưa đầy một tuần sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank. Các quan chức liên bang hy vọng sự can thiệp của Phố Wall sẽ chấm dứt nỗi sợ hãi lan truyền khắp hệ thống.
Sau khi có thông tin Phố Wall hợp sức giải cứu First Republic Bank, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức diễn biến tích cực. Dow Jones có lúc giảm hơn 300 điểm nhưng sau đó đóng cửa tăng 372 điểm.
Sau sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các khoản cho vay dành cho các tổ chức tài chính.
Theo chương trình cho vay tín dụng cơ bản hiện có, các ngân hàng đã vay 148,2 tỷ USD trong tuần kết thúc vào 14/3, dẫn đến khoản dư nợ kỷ lục 152,9 tỷ USD. Ngoài ra, cơ sở mới - Chương trình Cấp vốn có kỳ hạn của ngân hàng - đã nhận được những khoản vay ban đầu trị giá 11,9 tỷ USD.
FED cũng tiết lộ rằng đã có khoản vay trị giá 142,8 tỷ USD được thực hiện cho cái gọi là các "ngân hàng bắc cầu" được thiết lập làm phương tiện vận hành cho Ngân hàng Thung lũng Silicon và Signature, vừa bị phá sản.