110 tác phẩm được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại
Tối 12/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì, phối hợp TTXVN và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX. Trong số 110 tác phẩm xuất sắc được vinh danh, Báo Nhân Dân đóng góp 8 tác phẩm, gồm 4 giải Nhì, 2 giải Ba, 2 giải Khuyến khích.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại; các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản cùng các tác giả đoạt giải.
Công tác thông tin đối ngoại cần chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của công tác thông tin đối ngoại nói chung và đội ngũ những người làm thông tin đối ngoại nói riêng vào những kết quả quan trọng của đất nước sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần củng cố, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Đảng và đất nước ta trên trường quốc tế.
Thời gian qua, bối cảnh tình hình có nhiều thách thức bất thường, chưa từng có tiền lệ. Mặc dù vậy, nhờ có sự đoàn kết và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân không ngừng được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng-an ninh được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng cao.
Công tác thông tin đối ngoại đã những bước phát triển ấn tượng; thông tin ngày càng nhanh chóng, toàn diện, có bản sắc, là cầu nối để cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, các quốc gia và nhân dân thế giới chia sẻ, ủng hộ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc và những thành tựu phát triển của đất nước ta.
Thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại đã những bước phát triển ấn tượng; thông tin ngày càng nhanh chóng, toàn diện, có bản sắc, là cầu nối để cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, các quốc gia và nhân dân thế giới chia sẻ, ủng hộ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc và những thành tựu phát triển của đất nước ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Ở chiều ngược lại, thông tin đối ngoại đã là cầu nối truyền tải các vấn đề quốc tế đến các tầng lớp nhân dân; góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên; kết nối Việt Nam với quốc tế; đồng thời góp phần huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.
Đánh giá cao chất lượng các tác phẩm tham gia Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX, Thủ tướng khẳng định, các tác phẩm được lựa chọn, vinh danh hôm nay thực sự là những tác phẩm nổi bật, mang tính lan tỏa cao, là sản phẩm đong đầy tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm đối với đất nước Việt Nam của cả tác giả trong và ngoài nước.
Các tác phẩm được lựa chọn, vinh danh hôm nay thực sự là những tác phẩm nổi bật, mang tính lan tỏa cao, là sản phẩm đong đầy tâm huyết, trách nhiệm và tình cảm đối với đất nước Việt Nam của cả tác giả trong và ngoài nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới đây, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Đảng ta xác định phương châm triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới là: “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”.
Để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông nói chung, công tác thông tin đối ngoại nói riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan liên quan, các chiến sĩ trên mặt trận thông tin đối ngoại cần tập trung:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại gắn với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc; về con người Việt Nam thủy chung, thân thiện, nghĩa tình và yêu chuộng hòa bình. Qua đó, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để phát triển đất nước.
Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo về phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức thuyết phục của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại. Chúng ta phải viết nên những câu chuyện sinh động, cuốn hút, giàu bản sắc, mang đậm tính dân tộc, để thế giới biết, hiểu, đồng hành, tin tưởng, yêu mến, ủng hộ Việt Nam; đưa các thông điệp của Việt Nam mà bạn bè quốc tế quan tâm. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ của các nước để góp phần làm nên một Việt Nam tỏa sáng trong lòng bạn bè quốc tế; cùng nhau vượt qua những thách thức chung của các dân tộc và nhân loại.
Bốn là, tăng cường đầu tư cho công tác thông tin đối ngoại; quan tâm đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại phù hợp với điều kiện của đất nước; hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và nhân văn; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ. Đồng thời, huy động được sức mạnh của người dân, nhất là các bạn trẻ, để “mỗi một người dân là một vị đại sứ trong công tác thông tin đối ngoại; mỗi một người bạn trên khắp 5 châu phải trở thành nhịp cầu gắn kết chặt chẽ thế giới với Việt Nam”.
Năm là, Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chủ đạo. Đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước. Chú trọng công tác dự báo, kịp thời nắm bắt các luồng thông tin dư luận trong và ngoài nước để phục vụ công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ của giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng bày tỏ mong muốn và tin tưởng công tác thông tin đối ngoại sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được; tiếp tục có những bước phát triển mới để góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
110 tác phẩm xuất sắc được vinh danh
Tại Giải thưởng lần thứ IX, Ban Tổ chức đã nhận được 1.456 tác phẩm, sản phẩm gửi tham gia, tăng 30% so với kỳ Giải thưởng trước và có số lượng tác phẩm, sản phẩm dự thi lớn nhất từ trước đến nay.
Số lượng tác phẩm tăng thêm tập trung chủ yếu ở các hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại (tăng 500%); báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài (tăng 28%); truyền hình (tăng 46%); ảnh (tăng 96%); video clip (tăng 46%).
Hạng mục báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng nước ngoài vẫn dẫn đầu về số lượng các tác phẩm/ sản phẩm tham gia. Điều đó cho thấy sức hút ngày càng lớn của Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại.
Chủ đề của các tác phẩm/sản phẩm năm nay bao quát đầy đủ các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa… quan trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.
Các tác phẩm tập trung thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quyền con người; vẻ đẹp đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam…
Ban tổ chức đánh giá: Các tác phẩm dự thi năm nay có hình thức thể hiện đa dạng, độc đáo, hiện đại, đáp ứng nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau, nhất là giới trẻ. Nhiều tác phẩm/ sản phẩm thể hiện được tư duy đổi mới, sáng tạo về phương thức; ứng dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông mới.
Các tác phẩm/sản phẩm của người nước ngoài chủ yếu tập trung phân tích về chính sách ngoại giao của Việt Nam; vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tình hình phát triển kinh tế-xã hội; hoạt động giao lưu nhân dân…, thể hiện được sự hiểu biết, tình cảm sâu sắc dành cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.
Bên cạnh đó, Giải thưởng lần IX tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các tác giả/nhóm tác giả là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài với 78 tác phẩm/sản phẩm; đồng thời cũng ghi nhận sự tham gia rất tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, cá nhân, giới nghệ sĩ, chuyên gia học giả… Nhiều tác phẩm/sản phẩm được đầu tư công phu, có chất lượng; hồ sơ tham gia Giải thưởng nghiêm túc, chỉn chu.
Căn cứ thể lệ Giải thưởng, qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng chọn ra 110 tác phẩm/sản phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, có 8 giải Nhất, 22 giải Nhì, 30 giải Ba, 50 giải Khuyến khích. Trong số 110 tác phẩm xuất sắc được vinh danh, Báo Nhân Dân đóng góp 8 tác phẩm, gồm 4 giải Nhì, 2 giải Ba, 2 giải Khuyến khích.
DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ, NHÓM TÁC GIẢ CỦA BÁO NHÂN DÂN ĐOẠT GIẢI THƯỞNG TOÀN QUỐC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI LẦN THỨ IX
GIẢI NHÌ
Loạt bài: Việt Nam: Cống hiến và sẻ chia
Thể loại: Báo in
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Nhóm tác giả: Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Tôn Nữ Thị Ninh, Đinh Trường, Nhật Hương, Nguyễn Thế Đại Dương, Thành Đạt, Sơn Bách, Võ Hoàng, Minh Phú, Nguyễn Hà.
Đơn vị: Báo Nhân Dân
Loạt bài: 50 năm Hà Nội 12 ngày đêm qua Ký ức nhân chứng
Thể loại: Báo điện tử
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Hồng Minh, Lê Thị Hồng Vân, Trương Thị Bích Ngọc, Trần Sơn Bách, Trần Thành Đạt, Nguyễn Thị Thu Trang, Trần Thanh Thể, Nguyễn Đăng Phi.
Đơn vị: Báo Nhân Dân
Loạt bài: Lan tỏa "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam
Thể loại: Báo điện tử tiếng nước ngoài
Ngôn ngữ: Tiếng Trung Quốc
Nhóm tác giả: Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Hữu Hùng, Lê Quang Thiều, Lê Khiếu Minh, Đỗ Hữu Hưng, Nguyễn Xuân Hưng, Nguyễn Ngọc Duy, Lê Phan Anh, Trần Ngọc Hoan, Đỗ Vi Sa, Phạm Minh Thư, Phạm Thị Hải Hà, Nguyễn Thị Huyền, Trần Phương Huyền.
Đơn vị: Báo Nhân Dân
Loạt bài: Nghĩa tình Việt-Lào, sợi chỉ đỏ nối dài từ quá khứ tới tương lai (Vietnam-Laos compassion - a red thread stretching from the past to the future)
Thể loại: Báo điện tử tiếng nước ngoài
Ngôn ngữ: Tiếng Anh
Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phan Thị Hồng Trang, Lê Khánh Bình, Trần Xuân Sơn, Nguyễn Hải Chung, Đỗ Đức Thắng, Trần Ngọc Hoan, Bùi Văn Hòa.
Đơn vị: Báo Nhân Dân
GIẢI BA
Tác phẩm: Những dấu hiệu của sự hồi sinh
Thể loại: Truyền hình
Nhóm tác giả: Phan Hải Tùng Lâm, Nguyễn Hồng Quân, Đinh Quỳnh Anh, Trần Sơn Bách, Trần Thành Đạt.
Đơn vị: Báo Nhân Dân
Tác phẩm: Chuyến thăm ý nghĩa của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tới Việt Nam
Thể loại: Ảnh
Tác giả: Vũ Duy Linh
Đơn vị: Báo Nhân Dân
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
ATK: Hành trình về nguồn-kết nối các di tích lịch sử cách mạng Việt Nam
Thể loại: Báo Điện tử tiếng nước ngoài.
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp
Nhóm tác giả: Đinh Văn Anh, Hà Thị Thu Phương, Nguyễn Hải Chung, Đỗ Đức Thắng, Lê Phan Anh.
Đơn vị: Báo Nhân Dân
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Văn hóa soi đường cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
Thể loại: Báo Điện tử tiếng nước ngoài.
Ngôn ngữ: Tiếng Nga
Nhóm tác giả: Chu Hồng Thắng, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Kim Toàn, Lại Thị Liên, Nguyễn Khánh Ly.
Đơn vị: Báo Nhân Dân