12,8 triệu tỷ đồng gửi nhà băng, tiền đâu chảy vào nhà đất?
Lần đầu tiên tổng tiền gửi vào ngân hàng đạt mức kỷ lục với 12,8 triệu tỷ đồng, riêng tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp trong hơn một năm qua. Vậy, những kỳ vọng về làn sóng rút tiền khỏi nhà băng để rót vào nhà đất liệu có khả thi?
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng. Cụ thể, tiền của dân cư đạt xấp xỉ 6,5 triệu tỷ đồng, trong khi tiền của các tổ chức kinh tế là trên 6,8 triệu tỷ đồng.
“Tay to” đã sẵn sàng
Trên thị trường, mặt bằng lãi suất được Ngân hàng Nhà nước đánh giá thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Và đây cũng là lý do một phần vốn không nhỏ trong số 12,8 triệu tỷ đồng gửi nhà băng hiện tại chỉ là biện pháp trú ẩn tạm thời, sẵn sàng chảy vào nhà đất khi “thời cơ chín muồi”.
Anh Trần Đình Bắc (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay đến giữa tháng 1/2023, sổ tiết kiệm 3 tỷ đồng của anh đáo hạn, lãi suất giảm còn chưa đầy 6%/năm, nên anh dự kiến chuyển hướng vào nhà đất. Ưu tiên của anh sẽ là đất nền “cắt lỗ” vùng ven Hà Nội, hoặc đất gần khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang.
"Gần tháng nay tôi nhiều lần theo chân “cò” đi săn đất, với khoảng 3 tỷ đồng thì nhiều vô số kể, đặc biệt là các loại đất phân lô ở vùng ven như Sóc Sơn, Thanh Trì... Tôi đang ngắm 1 lô ở Sóc Sơn, giá mua vào 22 triệu đồng/m2, nay chủ cũ giảm còn 18 triệu đồng/m2, nếu thuận lợi thì sau Tết sẽ chốt", anh Bắc nói với VnBusiness.
Tình trạng gửi tiết kiệm nhà băng kỳ hạn ngắn, sẵn sàng rút ra để rót vào nhà đất khi có sản phẩm giá tốt cũng đang rất phổ biến kể từ cuối năm 2023 đến nay. Thực tế cũng cho thấy không ít “tay to” đã xuống tiền theo hình thức này, từ đó giúp thanh khoản thị trường diễn biến tích cực hơn.
Đơn cử, trường hợp của anh Vũ Tiến Dũng, đã xuống tiền mua một lô đất tại xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên), có vị trí tiếp giáp đô thị Ecopark, gần chợ làng hoa và các tiện ích, giá hơn 1,8 tỷ đồng. Mảnh đất này có giá mua vào 2,2 tỷ đồng vào đầu năm 2022.
Anh Dũng cho hay toàn bộ số tiền đầu tư vào mảnh đất trên được anh rút tiết kiệm, chấp nhận mất khoản lãi. Đáng chú ý, theo anh Dũng, trước đó, vào đầu tháng 12/2023, khi khoản tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng đáo hạn, anh đã chia khoản này thành 3 phần rồi gửi lại ngân hàng kỳ hạn 3 tháng.
“3 phần có giá trị lần lượt là 1,5 tỷ, 2 tỷ và 2,5 tỷ đồng. Sở dĩ tôi chọn kỳ hạn 3 tháng là để sẵn sàng rút ra ngay khi có lô đất nào “ngon”. Giá trị các phần cũng đã được tính toán kỹ, ưu tiên của tôi là các sản phẩm có vị trí đẹp, tầm giá 1,5 - 2,5 tỷ đồng, chưa bị thổi quá cao”, anh Dũng chia sẻ.
Có nên “tất tay” trong năm 2024?
Có thể thấy, các “tay to” đang sẵn sàng rót vốn vào nhà đất, đây cũng là cơ sở để nhiều người tin rằng thị trường bất động sản vẫn còn nguyên cơ hội đón dòng tiền rẻ nếu đà hồi phục như kỳ vọng.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, nhìn nhận tâm lý "tấc đất, tấc vàng" đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam nên nhu cầu sở hữu nhà đất luôn hiện hữu, dù cho thị trường ở trong hoàn cảnh nào. Chưa kể tâm lý “không gì lãi bằng buôn đất” vẫn ăn sâu vào tâm lý nhà đầu tư.
Vì vậy, theo ông Phúc, lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp, người dân có xu hướng rút tiền tiết kiệm mua nhà để khai thác cho thuê, tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, điều kiện để người mua xuống tiền là giá bất động sản phải về ngưỡng đủ hấp dẫn, phù hợp với tài chính số đông.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhận định tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những khách hàng đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư thua lỗ trước đó, nên nhiều người chọn gửi tiền ngân hàng.
Để tháo gỡ tâm lý chờ của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn nhà băng chảy vào nhà đất, theo ông Đính, điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường.
Ở góc nhìn nhà đầu tư, ông Minh, một “tay buôn” kỳ cựu gốc Hà Nội, cho hay thời gian qua rất nhiều người hỏi ông có nên “tất tay” để đón chu kỳ mới hay không? Và câu trả lời của ông thường là “cân nhắc kỹ và có thể chờ đợi thêm”, vì mua vào thời điểm này giá tốt nhưng sẽ phải đợi 3-5 năm để có lãi.
“Giai đoạn 2024-2025 sẽ là giai đoạn khó khăn cho chủ đầu tư khi các bộ luật mới đi vào thực thi và cần thời gian để “ngấm”, do vậy nhà đầu tư nên suy xét cẩn trọng trước khi xuống tiền”, ông Minh phân tích, đồng thời đưa ra nhận định cá nhân là thị trường có thể chỉ thực sự hồi phục từ năm 2026.
Có thể thấy, những thông tin về lãi suất nhà băng đang giảm mạnh phần nào đó thổi thêm hơi ấm vào thị trường bất động sản, giúp tâm lý của nhà đầu tư gỡ được nhiều gánh nặng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kỳ vọng dòng tiền rẻ chảy mạnh vào nhà đất trong ngắn hạn là khá mong manh.