12 dự án, ý tưởng xuất sắc được trao giải thưởng đổi mới sáng tạo
Sáng 8/11, Ban tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng (KNĐMST) tỉnh năm 2023 tổ chức tổng kết và trao giải các ý tưởng, dự án xuất sắc nhất tham gia cuộc thi sau gần 8 tháng phát động và qua các vòng chấm giải.
Đến dự, có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, nhà tài trợ...
Những ý tưởng táo bạo, giàu tính sáng tạo
Lần thứ 8 tổ chức cuộc thi, BTC nhận được số lượng hồ sơ đăng ký dự thi nhiều nhất từ trước đến nay với 90 hồ sơ hợp lệ, gồm 2 nhóm lĩnh vực: Nông nghiệp, chế biến và khai thác tài nguyên bản địa với 45 hồ sơ (chiếm 50%); ứng dụng công nghệ và ý tưởng, DA khởi nghiệp sáng tạo khác với 45 hồ sơ (chiếm 50%).
Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Hà Việt Quân đánh giá: Các startup trẻ của Huế năm nay đưa ra được những ý tưởng táo bạo, mạnh dạn đầu tư xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm một cách bài bản, không còn mang tính chất thử nghiệm, cảm hứng đơn thuần mà bắt đầu có những tính ứng dụng, nghiên cứu cụ thể.
Trong 20 ý tưởng, DA vào vòng bán kết và chung kết, Hội đồng giám khảo đã chọn 12 ý tưởng, DA KN xuất sắc nhất đạt giải tại Cuộc thi và được vinh danh. Các ý tưởng, DA hầu hết khai thác được các thế mạnh về công nghệ, trí tuệ, khả năng tư duy sáng tạo của các startup trẻ, đồng thời còn làm nổi bật được các yếu tố truyền thống, văn hóa Huế, qua đó hình thành nên nhiều ý tưởng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng phát biểu: Cuộc thi năm nay có nhiều khác biệt, ngoài số lượng hồ sơ dự thi cao nhất, các DA có xu hướng khai thác tiềm năng, tài nguyên bản địa của tỉnh để phát triển, như: DA “Ngũ cốc Mộc An - Hành trình phát triển bền vững từ vùng tài nguyên bản địa”; DA tinh dầu màng tang; DA “Yến cung đình Huế - Mang hảo vị hoàng gia đến với mọi nhà”. Một số DA khai thác truyền thống văn hóa ẩm thực, tài nguyên du lịch cộng đồng, như DA “thịt bò gác bếp A Lưới”; DA khai thác mô hình du lịch trải nghiệm sáng tạo “Hương vị Tam Giang”.
Có khá đông các dự án của nhóm sinh viên, với nhiều ý tưởng mới lạ như: DA “Medifind - Ứng dụng hỗ trợ sử dụng kháng sinh an toàn”; DA “Giải pháp sản xuất giá thể - sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bèo lục bình và vỏ trái dừa”.
BTC cũng đánh giá cao các DA có tính đổi mới sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, như DA “Gốm sứ mạ bạc H.SPC” là sự thăng hoa giữa công nghệ nano bạc và nghệ thuật gốm sứ trong cuộc sống; DA “Xây dựng nhà kính trồng rau, trồng hoa công nghệ cao” là một mô hình mới được phát triển tại huyện vùng cao A Lưới gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương.
Cuộc thi KNĐMST tỉnh năm 2023 có 12 DA, ý tưởng được trao giải thưởng; trong đó, giải Nhất thuộc về DA "Ngũ cốc Mộc An - Hành trình phát triển bền vững từ vùng tài nguyên bản địa” của tác giả Hoàng Thị Cẩm Nhung, GĐ Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp xanh Mộc An. BTC còn trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và có 2 DA đạt giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra còn trao một Giải thưởng sinh viên KNĐMST tiêu biểu từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
Từ năm 2016 đến nay, Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều cuộc thi KNĐMST nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tinh thần KN trong cộng đồng; ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên các lĩnh vực; xây dựng hình thành các doanh nghiệp KN, tạo việc làm, góp phần tăng năng suất lao động và đã có nhiều DA KN đạt giải cao tại các Cuộc thi ở cấp khu vực, quốc gia và quốc tế.
Đến nay, hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được VCCI vinh danh là địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái KNĐMST và năm 2022 tiếp tục đạt được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn KNĐMST” tại Lễ Vinh danh và Trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam do VINASA tổ chức.
Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng thông tin: Sau 8 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia, với 414 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó 108 DA được chọn vào vòng chung kết và 67 ý tưởng, DA có tiềm năng nhất được chọn để trao giải cấp tỉnh; một số DA đã đạt giải nhất Cuộc thi cấp vùng Miền Trung và Tây Nguyên và các giải thưởng khác; nhiều DA không ngừng phát triển lớn mạnh từ Cuộc thi vươn lên phát triển, lan tỏa trong cả nước và hội nhập với thị trường thế giới.
Để đẩy mạnh KNĐMST, phát triển hệ sinh thái KN của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ KNĐMST, tổ chức cuộc thi KN với hình thức, quy mô phù hợp. Khuyến khích những ý tưởng mới, kế hoạch sáng tạo, ý tưởng đột phá phù hợp theo định hướng phát triển KTXH của tỉnh. Phấn đấu mỗi trường đại học, cao đẳng là một trung tâm KNĐMST thu nhỏ, góp phần cung cấp, kết nối nguồn lực cho hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh.
“Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan hãy cùng đồng hành với hệ sinh thái KN sáng tạo địa phương, chủ động đặt ra những bài toán thiết thực, tích cực nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào lao động, sản xuất để ngày càng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm, hàng hóa. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, với các ý tưởng, DA KN; hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, KNĐMST bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực và phù hợp nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.