120 hồ chứa thủy lợi ở Nghệ An hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cao

Hồ Khe Bai (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn), hồ Ông Thân (xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc), hồ Khe Mèn (xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp)... nằm trong số các hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn cao.

Vẫn còn nhiều đập, hồ chứa do các địa phương quản lý chưa có kinh phí để nâng cấp, cải tạo. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Vẫn còn nhiều đập, hồ chứa do các địa phương quản lý chưa có kinh phí để nâng cấp, cải tạo. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Do thời gian xây dựng đã lâu nên các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bị xuống cấp hoặc không còn phù hợp với các yêu cầu an toàn hiện nay.

Theo thống kê, tỉnh có 120 hồ chứa thủy lợi hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn cao, cần khẩn trương tu sửa như: hồ Khe Bai (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn), hồ Ông Thân (xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc), hồ Khe Mèn (xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp)...

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa 2024, tỉnh Nghệ An đang tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Trong những năm vừa qua, đã có nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh Nghệ An được sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn công trình và đảm bảo cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước phục vụ công nghiệp và dân sinh. Nguồn kinh phí thực hiện tu sửa này từ nguồn vốn của Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn vay các tổ chức quốc tế và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đập, hồ chứa do các địa phương quản lý chưa có kinh phí để nâng cấp, cải tạo dẫn đến việc quản lý, khai thác, sử dụng gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đối với khai thác công trình thủy lợi ở cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn, bất cập do số lượng cán bộ chuyên ngành thủy lợi còn hạn chế; chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Một số huyện không có cán bộ chuyên môn thủy lợi. Một số địa phương không phân cấp cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, không kiện toàn, nâng cao năng lực cho các tổ chức thủy lợi cơ sở. Hơn nữa, hệ thống công trình thủy lợi phần lớn chưa đồng bộ dẫn đến việc quản lý, khai thác, sử dụng gặp nhiều khó khăn, chi phí tốn kém.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết để đảm bảo phòng chống thiên tai, ổn định công trình, trước mắt các đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước phải thường xuyên kiểm tra định kỳ trước, trong và sau mùa mưa bão đối với các hạng mục công trình đầu mối để sửa chữa, gia cố những hạng mục bị hư hỏng.

Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Cùng đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, đồng thời ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.

Nghệ An là tỉnh có nhiều công trình hồ đập, thủy lợi, toàn tỉnh có 1.061 hồ chứa nước để cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước phục vụ công nghiệp và dân sinh. Trong số đó, có 55 hồ chứa nước lớn; 220 hồ vừa và 786 hồ chứa nhỏ. Các công trình này phần lớn đều được xây dựng từ những năm 60 và 70 thế kỷ trước.

Cũng theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ, năm 2024, điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, lượng mưa thấp hơn năm 2023. Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, sẽ có trên 4.200/79.500ha lúa có nguy cơ thiếu nước tưới, hạn hán. Cùng với đó, một số dịch hại có thể phát sinh gây hại mạnh.

Để ứng phó với tình trạng này, ngành thủy lợi và các địa phương đã xây dựng phương án chống hạn, phương án tưới tiêu hợp lý đồng thời tu sửa bờ vùng, bờ thửa, nạo vét thông thoáng kênh mương, thực hiện tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ và bố trí lịch cắt, tưới nước cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế nhằm phục vụ kịp thời tưới tiêu cho sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/120-ho-chua-thuy-loi-o-nghe-an-hu-hong-nguy-co-mat-an-toan-cao-post955109.vnp