135.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ nguồn tín dụng chính sách xã hội
Ngày 2/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị 40 được xem là 'kim chỉ nam' của hoạt động tín dụng chính sách thời gian qua.
Trong 10 năm qua, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn đạt 7.676 tỷ đồng (tăng 4.454 tỷ đồng so với năm 2014). Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 5.769 tỷ đồng (tăng 2.761 tỷ đồng so với năm 2014). Nguồn vốn huy động từ thị trường đạt 1.136 tỷ đồng (tăng 996,7 tỷ đồng so với năm 2014). Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 771,4 tỷ đồng (tăng 696,6 tỷ đồng so với năm 2014). Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác tăng 562,1 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác tăng 134,5 tỷ đồng.
Ông Lê Hùng Lam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến ngày 30/6, tổng doanh số cho vay ưu đãi qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 đạt 15.362 tỷ đồng với gần 410.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách được vay vốn. Đáng kể, có 135.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, hỗ trợ tạo việc làm cho gần 68.000 lao động; 30.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 107.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn… Qua đó, hộ nghèo toàn tỉnh giảm dần qua các năm và đến năm 2023, hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 5,57%.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. Thông qua hoạt động góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt ở những vùng nông thôn; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp nâng cao năng lực hoạt động, chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và đảm bảo hiệu quả, an toàn đồng vốn.
Tỉnh tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh quan tâm cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án; nhất là bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn đảm bảo theo định hướng Chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội đến năm 2030 đã được phê duyệt.
Quảng Nam tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.