15 năm thực hiện tam nông ở Đà Lạt
Qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 24/10/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, bộ mặt nông thôn của thành phố Đà Lạt chuyển biến rõ nét; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị nông sản hàng hóa; cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo đúng định hướng; năng suất cây trồng tăng qua hàng năm...
Đột phá nông nghiệp công nghệ cao
Thành tựu nổi bật sau 15 năm thực hiện tam nông ở Đà Lạt đã hình thành những vùng sản xuất rau, hoa, chè, cà phê... công nghệ cao hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, của cả nước nói chung. Theo đó, diện tích trồng trọt trên các vùng nông nghiệp Đà Lạt hiện đạt 18.560 ha cây hàng năm và gần 5.950 ha cây lâu năm. Trong đó, diện tích cây hoa đạt 5.870 ha, cây rau đạt 12.057 ha, tăng lần lượt hơn 43% và 23% so với 5 năm trở lại đây. Đặc biệt diện tích rau, hoa Đà Lạt ứng dụng công nghệ cao đã phát triển lên 3.115 ha và 1.854 ha. Tương ứng với sản lượng hàng năm 450.000 tấn rau và 2,7 tỷ cành hoa. Giá trị thu nhập bình quân 780 triệu đồng/ha/năm đối với cây rau và 950 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm đối với cây hoa. Riêng những diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt thu nhập lên đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm (rau thủy canh, rau GlobalGAP, VietGAP...) và 2,5-3 tỷ đồng/ha/năm (hoa địa lan, hoa lily...). Tương tự các diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt thu nhập khá đối với các cây trồng khác ở Đà Lạt như chè 210 ha/276 ha (370 triệu đồng/ha/năm); cà phê 1.374 ha/5.150 ha (210 triệu đồng/ha/năm). Đáng ghi nhận với diện tích cây dâu tây công nghệ cao đạt 102 ha/140 ha với các giải pháp chuyển đổi giống mới chất lượng cao, quy trình canh tác tưới nước, bón phân qua hệ thống nhỏ giọt tiên tiến... đã đạt doanh thu hàng năm bình quân lên đến 3-4 tỷ đồng/ha/năm.
Thống kê xuất khẩu nông sản Đà Lạt hàng năm sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… với 1.500 tấn rau các loại và 114 triệu cành hoa. Đến nay toàn địa bàn thành phố Đà Lạt đã được công nhận 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao gồm Làng hoa Vạn Thành (150 ha), Làng hoa Thái Phiên (hơn 158 ha); đồng thời đang đề xuất công nhận mới vùng nông nghiệp công nghệ cao canh tác rau ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ (hơn 255 ha). Riêng 6 doanh nghiệp Đà Lạt đã được cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt; Công ty TNHH Đà Lạt GAP; Công ty TNHH Trang trại Langbiang; Công ty TNHH Sinh học Sạch; Công ty TNHH Dalat Hasfarm; Công ty TNHH Công nghệ Sinh học F1. “Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 24/10/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, ngành nông nghiệp thành phố Đà Lạt có sự chuyển biến rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, Đà Lạt đã hình thành những vùng chuyên canh về cây công nghiệp, rau, hoa, đáp ứng nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó nhân rộng ngày càng nhiều mô hình sản xuất phong phú, đa dạng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...”, theo đánh giá của UBND thành phố Đà Lạt.
Đạt 7.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp
Phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn năm 2010-2015, UBND tỉnh Lâm Đồng chọn xây dựng mô hình điểm tại 4 xã Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ và Tà Nung của thành phố Đà Lạt. Đến năm 2020, tổng nguồn vốn huy động phát triển 4 xã nông thôn mới của Đà Lạt gần 880 tỷ đồng. Trong đó, chiếm các tỷ lệ gần 34,8% vốn ngân sách nhà nước, 42,7% vốn tín dụng; 19,3% vốn Nhân dân đóng góp và gần 3,2% vốn doanh nghiệp. Đến nay, thành phố Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì có 3 xã Trạm Hành, Xuân Trường và Xuân Thọ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay 4 xã nông thôn mới của Đà Lạt, mỗi xã có từ 2-8 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động đạt lợi nhuận trung bình 3 tỷ đồng/HTX; cá biệt có HTX đạt lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/năm. Toàn thành phố Đà Lạt đang phát triển 27 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân, góp phần tăng giá trị nhiều mặt hàng nông sản cao cấp từ 25-30%...
Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Đà Lạt phát triển mới 20-25 chuỗi liên kết. Cùng với đó, Đà Lạt phấn đấu đạt 4/4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ diện tích nông nghiệp công nghệ cao nâng lên 80% (khoảng 8.500 ha); giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 450 triệu đồng/ha/năm; tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt từ 6.500-7.000 tỷ đồng. Để đạt các mục tiêu chủ yếu này, Đà Lạt tập trung gắn chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao với thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là công nghệ sinh học; xác định nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và phát triển thị trường là khâu đột phá tăng trưởng, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Ngoài ra, Đà Lạt tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề truyền thống, các làng nghề gắn với mô hình du lịch canh nông bên cạnh các loại hình du lịch khác như tham quan danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa bản địa…
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/15-nam-thuc-hien-tam-nong-o-da-lat-3067075/