15 nước ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực
Trưa 15-11, 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã chính thức ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký RCEP.
Hiệp định được ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ tư, diễn ra theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực to lớn không chỉ từ dịch Covid-19 mà còn từ sự suy giảm của thương mại quốc tế, việc kết thúc đàm phán RCEP - một hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới - sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới tại khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do dịch Covid-19 cũng như sự hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.
Toàn cảnh lễ ký RCEP trưa 15-11 tại Hà Nội.
Sau khi Ấn Độ rút khỏi hiệp định, khu vực RCEP có 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Trong đó, riêng ASEAN, với dân số gần 640 triệu người và tổng GDP 2,57 nghìn tỷ USD, được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.
Việc ký kết không chỉ gửi đi toàn thế giới thông điệp tích cực về việc ủng hộ thương mại đa phương trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang trở lại tại một số quốc gia, mà cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.