15 quốc gia EU yêu cầu Ủy ban châu Âu siết chặt chính sách tị nạn
Ngày 16/5, 15 quốc gia EU đã đề xuất tăng cường các biện pháp kiểm soát người di cư, bao gồm việc đưa những người di cư không giấy tờ sang các nước thứ ba, thậm chí cả trường hợp được cứu hộ trên biển.
15 quốc gia EU bao gồm Áo, Bulgaria, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Hy Lạp, Italia, Latvia, Litva, Malta, Hà Lan, Ba Lan và Romania đã gửi một bức thư đến Ủy ban châu Âu (EC) nhằm kêu gọi cơ quan này đưa ra những cách thức và giải pháp mới để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Động thái này cũng được cho nhằm thắt chặt hơn nữa hiệp ước về di cư và tị nạn cũng như đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới EU chặt chẽ hơn. Cụ thể, các nước này đề xuất đẩy nhanh tốc độ kiểm tra những người di cư không có giấy tờ tùy thân, thành lập các trung tâm giam giữ mới ở khu vực biên giới và trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối.
Ngoài ra, 15 quốc gia cũng đề xuất đưa ra các cơ chế nhằm phát hiện, ngăn chặn hoặc cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp những người di cư trên biển và đưa họ đến một nơi an toàn được xác định trước tại một quốc gia đối tác bên ngoài EU.
Các nước này cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu đánh giá lại khái niệm về "quốc gia thứ ba an toàn" trong luật tị nạn của EU, đồng thời cho rằng cần đơn giản hóa việc đưa những người xin tị nạn đến các nước thứ ba trong khi chờ đợi việc xem xét yêu cầu xin bảo vệ. Luật pháp EU quy định rằng những người di cư tới EU mà không có giấy tờ có thể được gửi đến một nước thứ ba, nơi họ có thể xin tị nạn - miễn là quốc gia đó được coi là an toàn và người xin tị nạn có mối liên hệ thực sự với quốc gia đó.
Đề xuất của 15 quốc gia EU được đưa ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của các nước EU về tình trạng di cư bất thường.
Đáng chú ý, Hungary - quốc gia vốn luôn phản đối các sáng kiến của EU trong việc chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận những người xin tị nạn đã không tham gia vào các đề xuất này. Sự vắng mặt của Hungary trong bức thư gửi EC cho thấy sự chia rẽ trong EU về chính sách di cư và những thách thức trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên để giải quyết vấn đề này.