15 vấn đề về mắt cảnh báo suy giảm thị lực cần theo dõi

Lão hóa có thể ảnh hưởng đến mắt, nhưng suy giảm thị lực không phải là điều bình thường. Sau đây là những thay đổi phổ biến đối với thị lực và sức khỏe mắt ở người già cần theo dõi, để có những ứng phó phù hợp nhằm bảo vệ thị lực.

1. Một số biểu hiện suy giảm thị lực cần theo dõi

1.1 Khó khăn khi đọc các ấn phẩm cảnh báo suy giảm thị lực

Lão thị thường gặp ở độ tuổi sau 40. Điều này khiến các hoạt động nhìn gần, chẳng hạn như đọc sách hoặc may vá, trở nên khó khăn hơn. Mặc dù, kính đọc sách có thể hữu ích cũng như một số loại phẫu thuật khúc xạ và kính áp tròng hoặc những loại thuốc nhỏ mắt mới có thể giúp cải thiện thị lực gần do lão thị... nhưng vẫn cần theo dõi.

1.2 Khó nhìn vào ban đêm

Người cao tuổi có thể nhận thấy rằng mắt của họ mất nhiều thời gian hơn để hiệu chỉnh và tập trung trong bóng tối so với trước đây. Các nghiên cứu cho thấy rằng, các tế bào hình que có trong cấu trúc của võng mạc, chịu trách nhiệm cho thị lực khi ánh sáng yếu, đã hao hụt theo tuổi tác. Đó là lý do tại sao việc lái xe trở nên khó khăn hơn vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu. Đây cũng là một tình trạng suy giảm thị lực cần theo dõi.

Khó khăn khi đọc sách là biểu hiện cần theo dõi thị lực ở người già.

Khó khăn khi đọc sách là biểu hiện cần theo dõi thị lực ở người già.

1.3 Khô mắt

Người già có xu hướng tiết ít nước mắt hơn. Đây là một tình trạng khó chịu tại mắt được gọi là khô mắt. Khô mắt đặc biệt phổ biến ở phụ nữ đã mãn kinh. Bác sĩ mắt sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị khô mắt tốt nhất cho mình.

1.4 Vật tiêu trở nên nhòe nhoẹt

Một ngày nào đó bạn sẽ gặp khó khăn hơn khi phân biệt vật tiêu có màu sắc khá tương đồng với màu nền, chẳng hạn như sữa đựng trong cốc màu trắng. Điều này có nghĩa là bị giảm khả năng nhận biết độ tương phản. Công nghệ cải thiện nhược thị có thể giúp giải quyết vấn đề suy giảm thị lực này, chẳng hạn như sử dụng các gam màu đối lập nhau trong việc trang trí, sắp sếp đồ vật xung quanh nhà.

1.5 Mi mắt sưng đỏ

Viêm bờ mi là tình trạng mi mắt bị viêm. Viêm bờ mi trở nên phổ biến hơn do sự thay đổi nội tiết tố khi chúng ta già đi. Các triệu chứng bao gồm mắt đỏ hoặc sưng, đóng vảy xung quanh lông mi hoặc đau rát... gây suy giảm thị lực.

1.6 Các đốm hoặc các vật trôi nổi trong trường nhìn của bạn

Dịch kính, chất giống như lòng trắng trứng lấp đầy 2/3 sau của mắt, có thể dày lên hoặc co lại khi chúng ta già đi. Khi điều này xảy ra, hiện tượng vón cục của dịch kính có thể xảy ra và gây ra các đám trôi nổi trong tầm nhìn làm thị lực suy giảm. Điều này thường vô hại, nhưng nếu bạn đột nhiên bắt đầu thấy đám vẩn đục nhiều hơn, hãy tới khám hoặc xin ý kiến của bác sĩ nhãn khoa.

1.7 Chớp sáng

Khi ta nhìn thấy những tia sáng nhấp nháy không thường xuyên trong tầm nhìn, thường là dấu hiệu của sự lão hóa. Những nhấp nháy này xảy ra khi dịch kính bị cọ xát hoặc có hiện tượng co kéo lên võng mạc. Giống như gặp hiện tượng vật trôi nổi trước mắt, hãy trình bày với bác sĩ mắt những lo ngại của mình nếu có gia tăng đột ngột tần suất của các hiện tượng trên, để phòng ngừa và điều trị suy giảm thị lực.

1.8 Cảm giác lóa mắt

Người cao tuổi mắc một số bệnh về mắt có thể làm tăng nhạy cảm với ánh sáng mạnh. Các phương thức để giảm bớt sự khó chịu là:

Điều chỉnh ánh sáng trong nhà
Che chắn bớt ánh sáng bằng đeo kính râm và đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời
Sử dụng bộ lọc màn hình mờ trên các thiết bị kỹ thuật số.

1.9 Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến thị lực ở người cao tuổi.

Đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến thị lực ở người cao tuổi.

Đục thủy tinh thể là khi thủy tinh thể bên trong mắt bị đục, cản trở ánh sáng lan truyền tới võng mạc, khiến chúng ta nhìn mờ, gây suy giảm thị lực. Đục thủy tinh thể có thể được điều trị tốt bằng phẫu thuật.

1.10 Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD)

AMD là một bệnh mắt khá phổ biến, thường được phát hiện ở người trên 50 tuổi. Bệnh nhân có thể không thấy có vấn đề gì trong giai đoạn đầu của bệnh, nhưng về sau thị lực trung tâm cuối cùng sẽ suy giảm. Hiện có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào hình thái của AMD.

1.11 Bệnh tăng nhãn áp (glôcôm)

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tăng nhãn áp nhưng căn bệnh này phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Bệnh làm tổn thương dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị sớm. Các triệu chứng thường dễ bị bỏ qua. Đi khám mắt thường xuyên là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi suy giảm thị lực do bệnh glôcôm.

1.12 Bệnh mắt do đái tháo đường

Bệnh võng mạc do đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lớn. Lượng đường trong máu rất cao có thể làm hỏng các mạch máu trong võng mạc. Tổn thương này là lý do chính gây giảm thị lực. Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho bệnh võng mạc tiểu đường.

1.13 Các loại ung thư tại mắt

Mặc dù ung thư hắc tố ở mắt rất hiếm gặp nhưng đây là loại ung thư mắt phổ biến nhất và phổ biến hơn ở người lớn khi họ già đi.

Các triệu chứng ban đầu của khối u ác tính ở mắt thường không được chú ý. Đây là lý do tại sao khám mắt định kỳ đặc biệt quan trọng để phát hiện sớm ung thư tại mắt. Chẩn đoán u hắc tố ác tính ở mắt thường bắt đầu bằng khám mắt có tra giãn đồng tử.

1.14 Một số chấn thương đe dọa đến thị lực

Khi ta già đi, khả năng té ngã sẽ nhiều hơn do những thay đổi về khả năng giữ thăng bằng và tầm nhìn suy giảm. Điều này có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương mắt - thường xảy ra ở nhà. Những điều chỉnh đơn giản về nội thất và xung quanh nhà nhiều khi lại giúp giảm thiểu nguy cơ té ngã, bao gồm:

Bọc đệm các góc nhọn, cạnh sắc của đồ nội thất và đồ đạc trong nhà
Trang bị bảo vệ lan can, che chắn
Đảm bảo thảm và thảm chống trơn trượt hoạt động tốt

1.15 Ngủ kém

Các nghiên cứu cho thấy mắt của chúng ta hấp thụ ít ánh sáng xanh hơn khi chúng ta già đi. Đây là lý do tại sao cơ thể chúng ta thường sản xuất ít melatonin hơn trong những năm cuối đời. Điều này có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức bình thường của chúng ta. Các vấn đề về giấc ngủ cũng được cho là phổ biến hơn ở những người bị bệnh tăng nhãn áp và bệnh mắt do đái tháo đường.

2. Cách bảo vệ đôi mắt và sức khỏe tổng thể, khi bạn già đi

Khám mắt định kỳ rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe tổng thể.

Khám mắt định kỳ rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe tổng thể.

Khám mắt định kỳ rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe tổng thể của bạn và phòng ngừa suy giảm thị lực. Huyết áp cao, tăng cholesterol, thiếu hụt vitamin và một số bệnh có thể được phát hiện bằng quan sát trước khi có bất kỳ triệu chứng nào. Kiểm tra mắt thậm chí có thể tiết lộ nguy cơ mất trí nhớ của người cao tuổi.

2.1 Biết tiền sử bệnh của gia đình có thể bảo vệ tương lai của bạn

Xác định các yếu tố nguy cơ với sức khỏe của bạn là điều quan trọng để ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng về mắt, ngăn ngừa suy giảm thị lực. Hãy thảo luận, tham vấn ý kiến bác sĩ nhãn khoa nếu có vấn đề về tiền sử gia đình, dân tộc, tuổi tác và các yếu tố khác.

2.2 Sống lành mạnh càng trở nên đặc biệt quan trọng khi bạn già đi

Những thói quen lành mạnh như tập thể dục và ăn uống điều độ luôn quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Điều này đặc biệt đúng khi bạn già đi. Ngăn ngừa các bệnh như béo phì hoặc tiểu đường cũng là cách bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi suy giảm thị lực.

2.3 Các công cụ để khắc phục thị lực kém

Suy giảm thị lực có thể là một phần của quá trình lão hóa. Nhưng nếu bạn bị mất thị lực do một bệnh về mắt, các công cụ trợ giúp người thị lực kém có thể giúp bạn duy trì cuộc sống tương đối độc lập.

Các ứng dụng này bao gồm từ các ứng dụng điện thoại thông minh đọc to văn bản đến kính lúp cầm tay. Các chương trình phục hồi chức năng thị giác có thể cung cấp các khuyến cáo, trang thiết bị cá thể hóa cao để giúp bạn có cuộc sống dễ dàng hơn.

Nếu bạn chăm sóc người bị sa sút trí tuệ cần chuẩn bị tốt cho việc khám mắt để giúp họ bảo vệ thị lực.

2.4 Lên kế hoạch kiểm tra mắt thường xuyên hơn khi bạn già đi

Khi bạn già đi, hãy đi khám mắt thường xuyên hơn để đảm bảo sức khỏe đôi mắt luôn ổn định. Hội nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến nghị tất cả những người trưởng thành khỏe mạnh nên khám mắt cơ bản với bác sĩ nhãn khoa ở tuổi 40. Người cao niên trên 65 tuổi nên đi khám bác sĩ nhãn khoa một đến hai năm một lần.

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

TS.BS Hoàng Cương - BV Mắt Trung ương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/15-van-de-ve-mat-canh-bao-suy-giam-thi-luc-can-theo-doi-169221123215049288.htm