150 tài liệu, hình ảnh quý chủ đề '80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam'

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), thực hiện kế hoạch chương trình công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước năm 2024, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hà Nội) tổ chức giới thiệu tài liệu lưu trữ với chủ đề '80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam'.

Nhiều tài liệu, hình ảnh quý chủ đề “80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam” được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III giới thiệu đến Nhân dân

Nhiều tài liệu, hình ảnh quý chủ đề “80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam” được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III giới thiệu đến Nhân dân

Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ khi ra đời, phát triển, Quân đội Nhân dân Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngày càng phát triển và không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.

Với khoảng gần 150 tài liệu, hình ảnh, được lựa chọn từ các phông tài liệu hành chính: Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Nội vụ, Chủ tịch nước/Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Thống nhất Chính phủ và khối tài liệu sưu tầm và các phông tài liệu ảnh phông: Bộ Ngoại giao, Thiếu tướng Hoàng Kiền, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, Giáo sư Hoàng Minh Giám, Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp,…. Bên cạnh đó còn có tài liệu của các nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm về về quân đội như các nhạc sĩ Trọng Loan, Doãn Nho, Trọng Bằng,... cùng các nhà văn, nhà thơ được đưa ra giới thiệu, là minh chứng quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Các tài liệu tiêu biểu về thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam có: Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tháng 12/1944; Diễn văn của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đọc ngày 22/12/1944 trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám nhân ngày thành lập Đội giải phóng quân đầu tiên; ảnh Lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), ngày 22/12/1944, ...

Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, nhà nghiên cứu và người dân

Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, nhà nghiên cứu và người dân

Về tổ chức bộ máy, cán bộ Bộ Quốc phòng và tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam có: Sắc lệnh số 28 ngày 15/3/1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc cử ông Tạ Quang Bửu sung chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 34 ngày 25/3/1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc tổ chức Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 60 ngày 6/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Ủy ban Kháng chiến toàn quốc do Quốc hội truy nhận ngày 2/3/1946 nay đổi ra là Quân sự Ủy viên Hội; Công văn về tên gọi của Quân đội Nhân dân Việt Nam,…

Về Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam có Sắc lệnh số 33/QP ngày 22/3/1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc ấn định các cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu cho lục quân của toàn quốc; Sắc lệnh số 71/SL ngày 22/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ về việc ấn định quy tắc trong Quân đội Quốc gia Việt Nam; Sắc lệnh số 124 ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam về việc lập một Hội đồng thẩm sát cấp bậc, ...

Lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), ngày 22/12/1944.

Lễ tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), ngày 22/12/1944.

Công văn số 400-TTg ngày 23/9/1954 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng v/v gọi tên Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ nay gọi thống nhất là “Quân đội nhân dân Việt Nam”

Công văn số 400-TTg ngày 23/9/1954 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng v/v gọi tên Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ nay gọi thống nhất là “Quân đội nhân dân Việt Nam”

Từ toàn quốc kháng chiến đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1946-1954 có hình ảnh đoàn giải phóng quân diễu binh kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/1946 tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội; hình ảnh về quân đội ta trong chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ,…

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954-1975 có Báo cáo của Chính phủ về vấn đề “Xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I từ ngày 29/12/191956-25/01/1957; Bộ đội ta đang sơ tán máy móc, sẵn sàng chiến đấu ở Hà Tây năm 1972; Quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi máy bay B52, ngày 18/12/1972; Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng sắt, tiến vào Dinh Độc lập, trưa ngày 30/4/1975…

Chính sách, chế độ đối với bộ đội, dân quân: Sắc lệnh số 48 ngày 10/4/1946 của Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến về việc thiết lập trong toàn cõi Việt Nam một thứ đảm phụ đặc biệt gọi là “Đảm phụ Quốc phòng”; Sắc lệnh số 50 SL ngày 15/5/1947 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc đặt Huân chương Quân công và Huân chương Chiến sĩ để thưởng cho tự vệ quân đội hoặc dân quân, các đơn vị quân đội, hay các đoàn thể dân quân, tự vệ đã lập được nhiều thành tích chiến đấu; Báo cáo của Hội đồng Phục viên trung ương về tình hình quân nhân chuyển ngành trong dịp biên chế tổ chức đưa người về sản xuất năm 1958,…

Quân đội, quốc phòng thời kỳ hòa bình, đổi mới có Thông báo của Hội đồng Bộ trưởng về công tác gọi nhập ngũ năm 1985, Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế năm 1985 nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 1986, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng bộ đội biên phòng trong tình hình mới ngày 08/8/1995,...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam (người đang chỉ tay vào bản đồ - thứ 3 từ trái sang) báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng đầu, quay lưng từ phải sang) kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam (người đang chỉ tay vào bản đồ - thứ 3 từ trái sang) báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng đầu, quay lưng từ phải sang) kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947

Về pháp luật quân đội với các tài liệu: Tờ trình của Bộ Quốc phòng v/v đề nghị ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự mới năm 1980 (kèm Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự); Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 2000; Tờ trình, Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về Dự án Luật biên giới quốc gia của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thẩm tra sơ bộ dự án năm 2000.

Khen thưởng công trạng với các tài liệu như: Lệnh số 59-LCT ngày 19/12/1964 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa v/v thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho các đơn vị bảo vệ vùng trời nước ta ngày 18/11/1964;

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội Nhân dân Việt Nam: 12 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy bộ đội làm công tác chính trị trong lúc kháng chiến, năm 1946-1947; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sĩ vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc, tháng 1/1947; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi toàn thể bộ đội khu II và khu III ngày 24/2/1948. Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các lực lượng vũ trang ở chiến khu Việt Bắc năm 1949; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khen quân dân Thủ đô đánh Mỹ giỏi, ngày 15/12/1966,…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Sắc lệnh số 230 ngày 30/11/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Ủy quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc cho ông Võ Nguyên Giáp, hiện sung chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô với lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch sau 5 tháng ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1947; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947; Lời kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Quốc gia và nhân dân Võ Nguyên Giáp về việc tích cực chuẩn bị tổng phản công năm 1949,…

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Quân đội nhân dân Việt Nam, với các tài liệu: Công văn số 400-TTg ngày 23/9/1954 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc gọi tên Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ nay gọi thống nhất là “Quân đội nhân dân Việt Nam”; Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp và chụp ảnh lưu niệm với các Anh hùng Lao động và Quân đội miền Nam tập kết tại Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II năm 1958; Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến động viên các chiến sĩ bắn rơi máy bay 147 ở Hà Nội 12/6/1966,…

Ngoài ra còn một số tài liệu về các chủ đề khác như: những hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, về những ca khúc được sáng tác trong thời chiến, phục vụ kháng chiến và ca ngợi Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi máy bay B52, ngày 18/12/1972

Quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi máy bay B52, ngày 18/12/1972

Tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, bà Trần Việt Hoa, chia sẻ: “Các tài liệu gốc, tiêu biểu đã được lựa chọn kỹ lưỡng trong hơn hai tháng. Đây là những tư liệu quan trọng, phản ánh không chỉ quá trình hình thành, phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn là minh chứng sống động về các chiến công lịch sử và những đóng góp của quân đội trong công cuộc bảo vệ đất nước”.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/150-tai-lieu-hinh-anh-quy-chu-de-80-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-403293.html