153 người thuộc khối Mặt trận từ Trung ương đến địa phương ứng cử ĐBQH khóa XV
Trong các ngày từ 14/4 đến ngày 18/4, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV. Sau 3 vòng hiệp thương, có 153 người thuộc khối MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương ứng cử ĐBQH khóa XV, tỉ lệ 17,48%.
Số người tự ứng cử giảm 67 người
Báo cáo kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, từ 14/4 đến ngày 18/4, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV.
Ở Trung ương, ngày 16/4, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.
Tại Hội nghị, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết nhất trí thông qua danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV.
Trong danh sách chính thức này, người ứng cử là phụ nữ có 46/205 người, tỉ lệ 22,43%; người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 22/205 người, tỉ lệ 10,73%; người ứng cử là người ngoài Đảng có 4/205 người, tỉ lệ 1,9%; người ứng cử là người trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) có 5/205, tỉ lệ 2,43%; người tái ứng cử có 100/205, tỷ lệ 48,78%.
Còn tại các địa phương, đến hết ngày 18/4, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Kết quả, các địa phương đã lập danh sách được 665 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV, trong đó có 656 người được giới thiệu ứng cử và 9 người tự ứng cử.
Trong danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV do các địa phương lập, người ứng cử là phụ nữ có 348 người, tỉ lệ 52,33%. Một số địa phương có tỉ lệ người ứng cử là phụ nữ cao như các tỉnh Nam Định (81,82%), Bắc Ninh (80%), Yên Bái (75%).
Bên cạnh đó, tổng số người ứng cử là người ngoài Đảng có 73 người, tỉ lệ 10,98%. Cơ cấu này ở khóa XIV là 92 người, tỉ lệ 13,49%. Những tỉnh, thành phố tỉ lệ người ứng cử là người ngoài Đảng cao như Bắc Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình. Đối với người ứng cử là người trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) có 213 người, tỉ lệ 32,03 %. Cơ cấu này ở khóa XIV là 266 người, tỉ lệ 39%.
Tổng hợp của các địa phương cũng cho thấy, qua 3 vòng hiệp thương, số lượng người tự ứng cử là 9 người, tỉ lệ 1,35%. Cụ thể các tỉnh Bắc Kạn, Cần Thơ, Nam Định, Sóc Trăng, mỗi địa phương 1 người; TP Hà Nội có 3 người, và TP Hồ Chí Minh có 2 người. Như vậy sau vòng hiệp thương lần thứ ba, số lượng người tự ứng cử ĐBQH khóa XV đã giảm 67 người so với danh sách sơ bộ được lập tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai là 76 người.
153 người thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho biết, trong số 665 người ứng cử ở địa phương có 124 người thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở địa phương), tỉ lệ 18,64%.
Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố có 16 người ứng cử ở 14 tỉnh, thành phố là Bình Định, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Sơn La, Yên Bái; tỉ lệ 2,4%.
Liên đoàn Lao động Việt Nam có 16 người ứng cử thuộc các cơ quan Liên đoàn lao động ở 13 tỉnh, thành phố;
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có 32 người ứng cử thuộc cơ quan Hội liên hiệp phụ nữ các cấp địa phương ở 22 tỉnh, thành phố;
Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có 29 người ứng cử thuộc cơ quan Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp ở 25 tỉnh, thành phố; Hội Nông dân Việt Nam có 9 người ứng cử thuộc cơ quan Hội Nông dân Việt Nam các cấp ở 6 tỉnh, thành phố;
Hội Cựu chiến binh Việt Nam có 3 người ứng cử thuộc cơ quan Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp ở các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, còn có 19 người ứng cử thuộc các tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương như: Ban Trị sự Hội Phật giáo, Hội Luật gia, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh...
Như vậy, cùng với 29 người ở Trung ương ứng cử ĐBQH có tổng cộng 153 người thuộc khối MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tỉ lệ 17,48%.
Đối với kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, tính đến 17h ngày 20/4, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận được kết quả tổng hợp về danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là: 3.714 đại biểu, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là: 6.220 đạt 1,67 lần. Về cơ cấu kết hợp, người ứng cử là phụ nữ có 2.542 người, tỉ lệ 40,90%; Người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 1.150 người, tỉ lệ 18,5%; Người ứng cử là người trẻ tuổi có 1.982 người, tỉ lệ 31,9%; Người ứng cử là người ngoài Đảng có 750 người, tỉ lệ 12,1%.
Về người tự ứng cử, 63/63 tỉnh, thành phố báo cáo có 17 người tự ứng cử đại biểu HDND cấp tỉnh (tỷ lệ 0,27%).
Tổ chức vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật
Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban bầu cử và Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam; đặc biệt cần phối hợp với chính quyền cùng cấp trong việc xây dựng các kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp nhận các Chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND cấp tỉnh. Hướng dẫn MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tiếp nhận Chương trình hành động của người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp theo Hướng dẫn số 60/HD-MTTW-BTT ngày 20/4/2021 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc tiếp nhận và giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ủy ban bầu cử các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử, nhất là cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nắm vững pháp luật về bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, thông qua các vị là chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các già làng, trưởng tộc vận động cử tri đi bầu cử; đảm bảo để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; thực sự là ngày hội của toàn dân.
Song song với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tích cực đẩy mạnh hoạt động giám sát bầu cử, nhất là giám sát việc chấp hành pháp luật của người ứng cử, giám sát trong ngày bầu cử theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.