16 người biểu tình chết trong ngày kỷ niệm của quân đội Myanmar
Theo Reuters, lực lượng an ninh Myanmar khiến ít nhất 16 người biểu tình thiệt mạng hôm 27/3, trong ngày kỷ niệm của quân đội.
Những người biểu tình phản đối đảo chính xuất hiện trên đường phố Yangon, Mandalay và các thị trấn khác, bất chấp lời cảnh báo rằng họ có thể bị bắn "vào đầu và sau lưng" khi quân đội kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang.
Ít nhất 4 người thiệt mạng khi lực lượng an ninh nổ súng vào đám đông biểu tình bên ngoài đồn cảnh sát ở ngoại ô Yangon, Dala vào 27/3. Theo Myanmar Now, ít nhất 10 người bị thương.
Trong khi đó, theo Reuters, 3 người, trong đó có một nam thanh niên trong đội bóng dưới 21 tuổi của địa phương, bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở quận Insein. 4 người chết ở thị trấn Lashio phía Đông, và 4 người trong các vụ ở vùng Bago. 1 người thiệt mạng ở thị trấn Hopin phía Đông Bắc.
Chủ trì cuộc duyệt binh ở thủ đô Naypyitaw để kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang, Thống tướng Min Aung Hlaing nhắc lại lời hứa sẽ tổ chức bầu cử, nhưng không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào.
"Quân đội đang tìm cách chung tay với toàn thể quốc gia để bảo vệ nền dân chủ", ông nói trên truyền hình. Ông cho biết thêm rằng chính quyền cũng đang tìm cách bảo vệ người dân và khôi phục hòa bình trên khắp đất nước.
"Hành động bạo lực ảnh hưởng đến ổn định và an ninh nhằm đưa ra các yêu cầu là không phù hợp", ông nói.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã tham dự buổi lễ duyệt binh, sau khi gặp thống tướng Min Aung Hlaing hôm 26/3.
Ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar, sự kiện hàng năm quan trọng nhất đối với lực lượng này, kỷ niệm sự kiện nổi dậy của quân đội vào năm 1945 chống lại cuộc chiếm đóng của Nhật Bản.
Theo Nikkei Asia, trước sự kiện này, quân đội đã tăng cường trấn áp những người biểu tình. Buổi lễ bị hủy bỏ vào năm 2020 do đại dịch.
Thông thường, các nước cử tùy viên quân sự đến tham dự sự kiện, nhưng năm nay, nhiều nước, đặc biệt là các nước phương Tây, đã hạn chế tham dự.
Quân đội Myanmar đầu tháng 2 giành chính quyền vì cho rằng Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng đảng của bà có "hành vi trái pháp luật". Theo ông Min Aung Hlaing, một số lãnh đạo đảng đã bị cáo buộc tham nhũng và các hành động pháp lý đang được thực hiện chống lại họ.