16 nước EU đề nghị cơ chế linh hoạt tài khóa để tăng chi tiêu quốc phòng
Hơn một nửa số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đề nghị kích hoạt một điều khoản khẩn cấp nhằm cho phép tăng đầu tư quốc phòng vượt mức giới hạn ngân sách chung, trong bối cảnh các nước đẩy mạnh tái vũ trang trước những thách thức an ninh ngày càng gia tăng.

Trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 30/4, theo tờ Politico, Hội đồng EU cho biết 16 quốc gia gồm Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hy Lạp, Croatia, Latvia, Litva, Hungary, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Slovakia và Phần Lan đã bày tỏ mong muốn được áp dụng cơ chế linh hoạt tài khóa nhằm tăng cường năng lực quốc phòng. Trong số này, 12 nước đã chính thức nộp yêu cầu lên Ủy ban châu Âu.
Theo cơ chế miễn trừ được đề xuất, các quốc gia có thể tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 1,5% GDP mỗi năm trong vòng bốn năm mà không bị xem là vi phạm các quy tắc chi tiêu ngân sách chung của EU. Đây là một biện pháp tạm thời nằm trong khuôn khổ pháp lý của khối và cho phép các nước ứng phó với tình hình an ninh thay đổi nhanh chóng.
Đức hiện là nền kinh tế lớn duy nhất trong nhóm năm quốc gia kinh tế hàng đầu EU quyết định sử dụng điều khoản này. Trong khi đó, các nước đang chịu áp lực ngân sách như Italy và Pháp, cũng như những quốc gia có tài khóa ổn định như Hà Lan và Thụy Điển, chưa có động thái tương tự.
Đáng chú ý, Đan Mạch - dù không chịu áp lực ngân sách như nhiều quốc gia khác - vẫn lựa chọn tham gia đề nghị, như một tín hiệu chính trị thể hiện sự thống nhất nội khối. Bộ trưởng Kinh tế Đan Mạch bà Stephanie Lose tuyên bố: “Việc Đan Mạch kích hoạt cơ chế này sẽ giúp phát đi tín hiệu tới thế giới rằng các quốc gia EU thống nhất trong nỗ lực tái vũ trang”.
Ủy ban châu Âu đã đề nghị các nước thành viên đưa ra quyết định trước ngày 30/4 nhằm đảm bảo phối hợp chính sách tài khóa và đồng loạt kích hoạt cơ chế vào tháng 7. Tuy nhiên, mốc thời gian này không mang tính ràng buộc.
Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Kinh tế Carlos Cuerpo cho biết nước này sẽ đưa ra quyết định “trong vài tháng tới”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti cho biết chính phủ Italy có thể đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP theo yêu cầu của NATO bằng cách điều chỉnh cách tính ngân sách, đưa thêm một số khoản chi vào thống kê. Ông cho biết Rome sẽ chờ đến Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 - nơi dự kiến các nước thành viên thống nhất lại mục tiêu chi tiêu quốc phòng mới - trước khi đưa ra quyết định tiếp theo. Trong khi đó, Mỹ đang tích cực kêu gọi các đồng minh tăng mạnh ngân sách quốc phòng.