Một ngân hàng tại trung tâm Almaty - thành phố lớn nhất Kazakhstan - bị phá hủy do bạo loạn. Almaty là nơi có tình hình bạo lực nghiêm trọng nhất trên khắp đất nước, với 103 người thiệt mạng.
Binh lính có vũ trang tuần tra kiểm soát trên một con đường tại Almaty. Theo cơ quan chức năng Kazakhstan, tình hình tại thành phố đã trở lại ổn định.
Một xe buýt bị đốt cháy tại Almaty. Theo thống kê của chính phủ, hơn 400 phương tiện bị phá hủy trong bạo loạn, trong khi 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị tấn công và cướp phá.
Một phương tiện bị đốt cháy gần văn phòng thị trưởng Almaty. Thiệt hại ban đầu về tài sản lên tới 198 triệu USD, Bộ Nội vụ Kazakhstan thông báo.
Người biểu tình tấn công và phóng hỏa văn phòng thị trưởng Almaty hôm 5/1. Lực lượng an ninh không thể ngăn chặn dòng người tấn công, dù đã sử dụng lựu đạn choáng và hơi cay.
Văn phòng thị trưởng Almaty hôm 6/1, một ngày sau khi bị đốt phá. Khói vẫn bốc ra từ bên trong tòa nhà. Bên cạnh văn phòng thị trưởng, sân bay Almaty và nhiều địa điểm quan trọng khác trong thành phố cũng bị người biểu tình chiếm giữ.
Cảnh sát phòng thủ sau một hàng rào tại Almaty. Hôm 7/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố cho phép các nhân viên an ninh nổ súng tiêu diệt phần tử bạo loạn mà không cần báo trước.
“Tôi đã ra lệnh cho cơ quan thực thi pháp luật và quân đội bắn mà không cần cảnh báo trước”, ông Tokayev tuyên bố. “Những ai không đầu hàng sẽ bị loại bỏ”.
Lực lượng quân sự Kazakhstan chiếm giữ quảng trường chính của thành phố Almaty. Tính đến ngày 6/1, 18 nhân viên an ninh thiệt mạng, trong khi 748 người khác bị thương. Trong số đó, ít nhất hai người bị chặt đầu, theo truyền hình nhà nước Kazakhstan.
Người biểu tình giơ dòng chữ “Chúng tôi là nhân dân, không phải khủng bố” tại quảng trường trung tâm thành phố Almaty.
Người biểu tình tại thành phố Aktau, Tây Nam Kazakhstan. Ngoài Almaty, bạo loạn còn nổ ra ở nhiều thành phố khác trên khắp đất nước.
Hàng rào cảnh sát bảo vệ Phủ Tổng thống Kazakhstan tại thủ đô Nur-Sultan. Tình hình an ninh tại thành phố này không trầm trọng như Almaty. Tuy vậy, các cuộc biểu tình và bắt bớ vẫn được ghi nhận.
Khởi phát từ cuộc biểu tình tại thành phố miền Tây Zhanaozen hôm 2/1 vì giá xăng dầu tăng cao, phong trào biểu tình tại Kazakhstan nhanh chóng lan rộng ra khắp đất nước và biến thành bạo loạn.
Tình hình xấu đi nhanh chóng khiến cả chính phủ Kazakhstan và các nhà quan sát quốc tế bất ngờ. Tổng thống Tokayev phải điều lực lượng an ninh và quân đội tới trấn áp, trong khi nội các của Thủ tướng Askar Mamin phải đồng loạt từ chức.
Binh lính Nga lên đường tới Kazakhstan hôm 6/1. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Tokayev, Nga và các quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cùng gửi quân đến giúp Kazakhstan ổn định tình hình. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Việt Hà
Ảnh: Reuters, AFP, AP, TASS