17 đại biểu Việt Nam tham gia Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản năm 2024
Tối 2/11, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt chính thức Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP) lần thứ 48. Như vậy, sau 5 năm, chương trình đã chính thức được khởi động trở lại dưới hình thức trực tiếp sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đoàn đại biểu thanh niên nước ta tại SSEAYP 2024 có 17 thành viên chính thức, gồm 1 lãnh đạo đoàn, 1 cựu đại biểu và 15 thanh niên ưu tú trên các lĩnh vực.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã giới thiệu tổng quan về các hoạt động sẽ triển khai trước, trong và sau chương trình SSEAYP năm nay. Với chủ đề “Shining Vietnam”, đoàn hướng tới xây dựng chuỗi hoạt động tươi mới, năng lượng, tích cực lan tỏa hình ảnh Việt Nam tỏa sáng, hiện đại.
Cụ thể, ngoài các hoạt động thảo luận và giao lưu do Ban tổ chức SSEAYP 2024 thực hiện, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ chủ động xây dựng những buổi giao lưu, học tập lẫn nhau, đồng thời giới thiệu các nét văn hóa truyền thống của nước ta đến với bạn bè quốc tế, nhất là các nội dung về áo dài, Tết Nguyên đán, ẩm thực, âm nhạc cổ truyền...
Bên cạnh đó, trên tàu, các đại biểu sẽ trình diễn tiết mục cổ động với cờ (flag cheer) và màn giới thiệu quốc gia (national presentation) mang đậm giá trị bản sắc, tinh thần Việt Nam như hát xẩm, cổ nhạc, dân ca... gắn với tinh thần luôn vươn mình, sẵn sàng đổi mới của tuổi trẻ.
Đáng chú ý, các ca khúc trong khuôn khổ những nội dung nêu trên được chính các thành viên của đoàn tự sáng tác, hòa âm, phối khí, tiêu biểu là 2 nhạc phẩm "Rạng rỡ Việt Nam" và "Shining Vietnam". Các ca khúc mang âm hưởng hiện đại, lồng ghép âm nhạc truyền thống với các thể loại mới như EDM, rap...
Trong đó, nhạc phẩm "Rạng rỡ Việt Nam" được thực hiện công phu với nhiều hình ảnh các danh lam thắng cảnh, địa điểm văn hóa - lịch sử tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Dịp này, đoàn đại biểu cũng đã chia sẻ về một dự án hoạt động xã hội sau chương trình SSEAYP 2024, diễn ra tại tỉnh Bắc Giang, gồm một số hoạt động giáo dục giới tính cho khoảng 500 thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại huyện Lục Ngạn; nâng cao nhận thức của người trẻ và cộng đồng về sức khỏe sinh sản, bảo đảm an toàn đời sống, sinh hoạt.