17 năm chưa thoát 1.200 điểm, VN-Index đang ở đâu so với thế giới?
Không riêng Việt Nam, một số thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới hiện sụt giảm mạnh với đỉnh lịch sử cách đây hàng chục năm. Do đó, nếu chỉ nhìn vào mốc điểm của chỉ số VN-Index rồi nhận xét thị trường không tăng trưởng là hoàn toàn không chính xác.
VN-Index và vùng tâm lý 1.200 điểm
Mốc điểm 1.200 vẫn luôn được chuyên gia phân tích, nhà đầu tư nhắc đi nhắc lại nhiều kể từ khi thị trường chứng khoán lần đầu cán mốc này năm 2007. Và phải hơn 10 năm sau, VN-Index mới quay lại chạm mốc này vào phiên 9/4/2018. Nhưng không lâu sau đó thị trường lại bị điều chỉnh kéo dài, lùi về dưới 1.000 điểm.
Sau nhiều thăng trầm, có thời điểm xuống tới 235 điểm (tháng 2/2009), có lúc lại lên tới hơn 1.500 điểm (tháng 11/2021), đến nay,VN-Index vẫn ở quanh mức 1.200 điểm, bất chấp nền kinh tế Việt Nam luôn được đánh giá là điểm sáng của khu vực và thế giới.
Như vậy, sau 17 năm, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam đã có 8 lần được thấy chỉ số đảo qua, đảo lại mốc điểm 1.200. Điều này không tránh khỏi những nghi vấn của nhà đầu tư về tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trầm bổng các thị trường lớn
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn ra các TTCK khác trên thế giới, có thể thấy, TTCK Thái Lan (SET Index) hiện đang thấp hơn đỉnh 30 năm về trước (1994) khoảng 25%.
Trong khi đó, TTCK Nhật (Nikkei 225) sau 36 năm mới chạm lại đỉnh (1998). Trong giai đoạn từ năm 1985-1989, chỉ số Nikkei 225 đã tăng gần gấp 4 lần nhờ lực đẩy từ lãi suất thấp. Thời điểm đó, giá bất động sản cũng tăng mạnh.
Nhưng vào đầu những năm 1990, tình thế đảo ngược, khi chỉ số Nikkei 225 giảm khoảng một nửa vào năm 1990 và giá bất động sản còn giảm mạnh hơn do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất. Diễn biến này đã mở ra “những thập niên mất mát” của Nhật Bản, khi kinh tế đình trệ, giảm phát dai dẳng và nợ công tăng vọt. Đặc biệt, vào những năm 2003, 2009 – 2012, chỉ số Nikkei 225 chịu nhiều cú sốc khi giảm sâu tới 81% so với mức đỉnh hồi tháng 11/1998.
Ngoài ra, các TTCK lớn khác như Trung Quốc (Shanghai Composite - SSEC), điểm số hiện mới chỉ bằng 50% cách đây 17 năm (2007). Hồng Kông – Trung Quốc (Hang Seng Index) cũng mới chỉ bằng 60% so với thời điểm 2007.
Tương tự, so với thời điểm năm 2007, đến nay, chỉ số STI của Singapore vẫn thấp hơn 10%; Banglades (Bangladesh Stock Market) thấp hơn 10%. Còn TTCK Italia (IT40) giờ vẫn thấp hơn 30% so với 24 năm trước (2000) và Hy lạp (ASE) chỉ bằng 25% so với đỉnh năm 2000.
Bên cạnh đó, theo thống kê, có tới 70% TTCK trên thế giới hiện vẫn thấp hơn quá khứ 10 -30 năm trước.
Cơ hội luôn xuất hiện
TTCK vẫn không ngừng vận hành. Bằng chứng là, năm 2007, TTCK Việt Nam có 107 mã cổ phiếu. Đến nay (tính đến 27/3/2024), thị trường có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX), 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,4 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Định giá TTCK Việt Nam, ước tính P/E dự phóng của VN-Index là 12,48 lần, thấp hơn so với P/E trung bình 10 năm là 15,25 lần.
Cần phải nhấn mạnh rằng, cùng một mốc điểm của VN-Index, nhưng quy mô vốn hóa của HoSE đã tăng trưởng vượt bậc sau nhiều năm. Quãng thời gian dài đã “tôi luyện” hàng triệu nhà đầu tư từ F0 đã trưởng thành cả về bản lĩnh và kiến thức. Hệ thống luật chứng khoán liên tục sửa đổi và hoàn thiện. Hàng hóa trên sàn cũng khác xưa cả về lượng lẫn chất.
Như vậy, nếu chỉ nhìn vào mốc điểm của chỉ số VN-Index rồi nhận xét thị trường không tăng trưởng là hoàn toàn không chính xác. Điều này chỉ đúng khi số lượng công ty, quy mô các công ty trên TTCK không đổi. Thực tế từ 5 công ty niêm yết ban đầu nay đã lên hàng nghìn công ty, với nhiều công ty, tập đoàn rất lớn với số lượng vốn hóa đã tăng gấp hàng nghìn lần.
Do đó, nhà đầu tư thay vì kêu than mà nên tranh thủ tìm cơ hội trong khó khăn. Bởi TTCK có thế nào thì người giàu từ TTCK vẫn không ngừng giàu hơn. Tận dụng bắt đáy, giải ngân khi thị trường điều chỉnh luôn là chiến lược được nhiều nhà đầu tư áp dụng thành công.