18 điều răn để tránh 'họa từ miệng'

Nói năng cẩn trọng là một phẩm chất nhân sinh cực kỳ quan trọng của kẻ sĩ thời phong kiến châu Á. Trong xã hội phong kiến, thường có cái 'họa văn tự', không thể tùy tiện, nên giới quan trường tôn câu 'im lặng là vàng'. Người làm quan thờ vua tức là thờ cọp, nói nhỡ miệng một lời có thể gặp tai họa chặt đầu, thậm chí cả nhà bị hại.

Hình minh họa

Hình minh họa

Chính vì vậy cổ nhân mới tổng kết thành các câu cách ngôn về nói năng thận trọng, như: “Răn kẻ đa ngôn, không được vui quá nói nhiều; răn kẻ khinh ngôn, dễ hứa sẽ khó thực hiện; răn kẻ cuồng ngôn, cuồng ngôn sẽ nói bậy bạ, nên cần thận trọng; răn kẻ tạp ngôn, nói không đúng ý nghĩa, hỗn tạp chẳng đâu vào đâu; răn kẻ hí ngôn (nói đùa chơi), quân tử không nói tùy tiện; răn kẻ trực ngôn, tận ngôn (nói hết), lời nói không được thẳng quá, không thể nói hết, với kẻ tiểu nhân không thể nói hết; răn kẻ lộ ngôn (nói hở), vua nói hở miệng sẽ mất bề tôi, bề tôi nói hở ra sẽ mất mạng, công việc phải cơ mật, lời nói lộ liễu sẽ thất bại;

Răn kẻ ác ngôn, chớ có ác khẩu, người sẽ không oán mình; răn kẻ xảo ngôn, nói hay nói đẹp, sẽ bị diệt vong; răn kẻ kiêu ngôn, huênh hoang vô đạo; răn kẻ sàm ngôn, lắm lời gièm pha, làm nát xương người; răn kẻ hứa suông, hứa suông thất tín; răn kẻ cường ngôn, không nói được mà cứ nói sẽ thất ngôn; răn kẻ hay bình phẩm, chớ nói cái yếu kém và cái sai của người khác; răn kẻ nói không đúng với cương vị của mình là mắc tội; răn kẻ suồng sã, không nói năng suồng sã với cấp dưới; răn kẻ siểm nịnh, lời nói xu nịnh là thất đức; răn kẻ nói năng gây oán thù, tranh cãi với người khác dễ gây oán thù...”..

18 điều răn ở trên là bản tổng kết kinh nghiệm cuộc sống của các bậc thánh hiền nhiều đời trước đây. Nó có mặt tiêu cực nhưng thực ra có bao hàm một đạo lý sâu sắc. Lời nói đụng chạm đến một phạm vi rộng lớn, cần hết sức chú ý, có lời nói làm cho quốc gia giàu mạnh, có lời nói làm quốc gia bại vong. Trong trường hợp trang trọng, không thể nói đùa, trong giao tế không thế ác khẩu, đó là những điều cần lưu ý trước tiên trong xử thế.

Lời xưa nói: “Đa ngôn tất thất”. Người ta không thể nói mọi lời đều là cao minh, chu toàn. Nói 10 câu, 9 câu hay, một câu dở là có thể gáy oán thù, nêu nhẹ thì làm người ta oán ghét, nặng thì mắc tội, mất bát cơm ăn, không toàn tính mạng. Tất nhiên cũng có người nói những điều không đúng sự thật, nhưng có nhiều trường hợp nói đúng sự thật đụng chạm chỗ đau của người khác.

Trong xã hội phong kiến, triều đại nào cũng đặt ra “gián quan” (quan khuyên răn vua chúa), nhưng thử hỏi có ai dám nói thẳng và biết bao người đã nói lấy lòng. Ngay như thời nay, đề xuất ý kiến là việc dễ làm, nhưng bạn đề xuất ý kiến chính diện sẽ có người nói là bạn chơi trội, họ sợ bạn vượt hơn; nếu bạn đề xuất ý kiến phản diện lại càng dễ gây thù chuốc oán, tự mình làm hại mình. Vì vậy người khôn ngoan thường ít dùng miệng mà dùng trí nhiều hơn, nói năng cẩn trọng.

Chuyện Quách Tử Nghi tránh họa: Quách Tử Nghi nhà Đường có công lớn nên được phong làm Phần Dương Vương. Khi về già, ông đắm mình trong ca nhạc vui chơi, thê thiếp đầy nhà. Đôi khi có khách làm to đến thăm, ông chẳng cần giữ ý, mời họ vào nhà trong, gọi các nàng hầu ra cùng tiếp khách, các con cháu thấy ông là bậc đại thần, xử sự như vậy không hay lắm, đã nhiều lần khuyên can.

Ông thở dài nói: “Các con không hiểu, một người công cao tước lớn khó tránh có kẻ ghen ghét. Nay ta là đại thần cực phẩm, có hàng ngàn người thân được hưởng lộc của ta, ân huệ hết mức. Ai dám bảo đảm không có người ngầm mưu hại ta. Một khi họ nắm được sơ hở của mình, làm bản cáo trạng là tai họa đấy. Nay ta cứ phải bộc lộ rõ mọi việc, không giấu điều gì, người khác sẽ không có cớ”.

Một hôm gian thần Lư Khởi đến thăm. Quách cho thê thiếp lui hết vào nhà trong, gọi các con trai ra cùng tiếp khách. Hai người chỉ chuyện trò linh tinh, tuyệt nhiên không đả động gì đến đại sự quốc gia.

Các con cảm thấy kỳ lạ mới xin bố chỉ giáo. Quách nói: “Các con lại không hiểu rồi. Ta tránh gây ra cái họa cười đùa đó. Các thê thiếp của ta nhìn thấy lão Lư Khởi dị hình quái đản chắc chắn sẽ cười rộ. Ông khách này hình thù kỳ dị, tính tình lại ngạo mạn, thê thiếp của ta nhìn thấy không nhịn được cười, lão Lư Khởi sẽ hận thù, sau này hắn làm to nữa sẽ gây rắc rối cho ta. Ta cho thê thiếp lui đi chính là để tránh cái họa cười đùa”.

Chuyện Án Tử khuyên vua: Trong xã hội phong kiến, đẳng cấp rất nghiêm, giữa Vua - tôi, chủ - tớ có phân biệt rạch ròi. Người cấp thấp dù có cách suy nghĩ hợp lý hoặc hiểu rõ một vấn đề gì đó nhưng điều đó đụng chạm đến đẳng cấp trên phải tìm đường vòng khéo léo đề đạt ý kiến.

Sách “Án Tử Xuân thư” có ghi lại một chuyện sau: một lần Tề Cảnh Công hỏi Án Tử: “Tướng quốc ở gần chợ chắc có biết thứ gì đắt nhất, thứ gì rẻ nhất”.

Án Tử vui vẻ trả lời: “Thần có biết ạ”. Ông muốn nhân dịp này khuyên Tề cảnh Công giảm nhẹ hình phạt của nước Tề. Rồi ông nói rất nghiêm chỉnh: “Muôn tâu bệ hạ, hiện nay thứ đắt nhất ngoài chợ là chân giả, thứ rẻ nhất là đôi giầy”.

- Ô hay nhỉ! Sao lại thế? - Cảnh Công cảm thấy câu trả lời của Án Tử rất có ý nghĩa.

Án Tử thở dài, buồn rầu nói: “Hình phạt hiện nay nặng quá, người bị chặt chân quá nhiều, do đó ít người mua giầy, nhiều người mua chân giả”.

Tề Cảnh Công nín lặng không nói nên lời, mặt lộ vẻ xót xa, miệng lẩm bẩm: “Ta tàn nhẫn quá, ta nhẫn tâm với dân quá!”. Hôm sau nhà vua ban bố mệnh lệnh giảm nhẹ hình phạt trong toàn quốc.

Lời người xưa nói, thờ vua như thờ cọp, lỡ miệng là có thể đầu rơi máu chảy, do đó những thần dân khôn ngoan đều nói năng cẩn trọng, diễn đạt khéo léo ý kiến của mình. Nếu án Tử trực tiếp xin Tề Cảnh Công giảm nhẹ hình phạt thì không những không có kết quả mà còn làm cho vua không vui lòng, hậu quả sẽ khó lường.

Trong xã hội hiện đại, mọi người đều bình đẳng trước chân lý, có ý kiến đúng, kiến nghị hay đều có thể để xuất thẳng thừng. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, trong một số trường hợp nào đó, nếu nói thẳng cho đối phương một việc gì đó có thể rất dễ làm tổn thương tình cảm của họ, nếu nói năng cẩn trọng, trình bày ý kiến của mình uyển chuyển thì có thể giữ được hòa khí.

Ví dụ có một nhạc sĩ mới dọn đến ở tầng gác trên đầu bạn, thường xuyên đàn địch đến đêm khuya, gây ảnh hưởng đến công việc của bạn, mà bạn với ông nhạc sĩ lại chưa quen biết nhau lắm, trường hợp này khó nêu ý kiến thẳng thừng, bạn có thể nói với ông ta rằng trần nhà ở đây cách âm kém lắm. Ông nhạc sĩ chắc sẽ hiểu ý của bạn.

Lời khuyên chú ý kiêng kỵ tránh né: Người ta ai cũng có lòng tự trọng, đều mong muốn được người khác tôn trọng, không thích người khác cứ gặp mặt lại nói đến điều không vui của mình. Không ai thích người khác đề cập đến khuyết điểm hoặc chuyện riêng tư của mình. Như vậy trong giao tế cần nói năng cẩn trọng, chú ý kiêng kỵ, tránh né.

Các nội dung cần kiêng kỵ tránh né trong giao tiếp hàng ngày thông thường như:

1. Nhược điểm về sinh lý như điếc, mù lòa, mặt rỗ, lưng gù, chân què, ngũ quan khác thường, béo gầy quá mức... nếu hai bên chưa phải là thân quen hoặc đối phương kém rộng rãi cởi mở thì khi chuyện trò ta nên tránh né, không nhắc đến các nhược điểm nói trên, nên bất đắc dĩ phải nói thì nên dùng cách diễn đạt gián tiếp.

2. Gia đình bất hạnh: như nhà có tang, bố mẹ ly hôn, mẹ chồng con dâu bất hòa, bố con mâu thuẫn, conư hỏng, tuổi già cô quạnh, bản thân có chuyện rắc rối, mắc bệnh nan y. Nếu đối phương không chủ động nói thì ta không nên hỏi.

3. Nhược điểm trong sự nghiệp: như việc học hành không thành đạt, lai lịch và hiện trạng có chuyện xấu; đó là những vấn đề nhạy cảm người ta không thích đụng chạm đến.

4. Phong tục tập quán đặc biệt. Người phương Tây không thích người khác hỏi tuổi và thu nhập của mình. Nhiều vùng nông thôn kiêng kỵ ngày Tết có người đến đòi nợ, gia đình có chuyện vui mừng không thích có người nói gở. Nếu không biết phong tục như vậy, có thế vì tình làm đối phương mất vui.

Cẩn ngôn thuận ngữ, nói năng cẩn trọng, chú ý kiêng kỵ, về thực chất là hiểu người, tôn trọng người, cố tránh những việc khiến người khác kém vui. Đó là biểu hiện của lễ độ và tu dưỡng.

Bùi Chánh (biên soạn)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/18-dieu-ran-de-tranh-hoa-tu-mieng-423718.html