19 đời nuôi tằm dệt lụa Mã Châu

600 năm hình thành và phát triển, làng lụa Mã Châu tưởng chừng đã thất truyền nhưng nay sống lại với nhiều cải tiến trong công nghệ dệt vải.

Trong suốt một thời gian dài đằng đẵng, vải lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã không còn trên thị trường mua bán của các thương gia. Người ta cho rằng, làng nuôi tằm dệt vải nức tiếng xứ Quảng đã thất truyền, không còn ai đủ kiên nhẫn giữ nghề này.

19 đời nuôi tằm dệt vải

Tuy nhiên, với đam mê làm nghề cộng với quyết tâm giữ gìn, gia đình ông Trần Hữu Phương (54 tuổi, Chủ nhiệm HTX dệt lụa Mã Châu trước đây - đời thứ 18) đã dành hết toàn bộ tiền bạc, sức khỏe để mong sao phục hồi lại được thương hiệu 600 năm tuổi vang danh bốn bể.

 Dù có đói khổ đến đâu, ông Phương vẫn một lòng dốc sức cho làng lụa Mã Châu. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Dù có đói khổ đến đâu, ông Phương vẫn một lòng dốc sức cho làng lụa Mã Châu. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Cầm tấm bằng đại học trong tay, chị Trần Thị Yến (31 tuổi, con ông Trần Hữu Phương - đời thứ 19) được một ngân hàng tại TP Tam Kỳ nhận vào làm việc. Sau một thời gian trăn trở cũng như suy nghĩ về tương lai gia đình, trong đêm cuối ở nhà chuẩn bị sáng ngày mai vào nhận việc, chị Yến đã quyết định từ bỏ công việc ngân hàng để ở lại với gia đình, giúp sức cho ba vực dậy nghề truyền thống của cha ông.

Vừa đi vừa xem công nhân làm việc tại xưởng, chị Yến vừa kể làng lụa Mã Châu có lịch sử gần 600 năm hình thành và phát triển. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về bà Mã Châu có công hỗ trợ và phát triển làng nghề. Làng Mã Châu còn có một cái tên khác rất đẹp đó là làng Đông Hoa hay thôn Đông Hoa hoặc là Vi tử Đông Hoa, tức là đóa hoa đẹp nở tỏa hương về phía đông.

Vào thế kỉ thứ XVI, cùng với sự phát triển phồn thịnh của thương cảng Hội An, Bến Đò Tơ thuộc làng Mã Châu trở thành điểm giao thương mua bán vải, sợi tơ tằm của các thương lái trong và ngoài nước, đây là điểm nút quan trọng của con đường tơ lụa trên biển lúc bấy giờ.

 Chị Yến, đời thứ 19 giữ nghề lụa Mã Mây muốn phát triển hơn nữa đối với làng nghề 600 năm tuổi xứ Quảng. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Chị Yến, đời thứ 19 giữ nghề lụa Mã Mây muốn phát triển hơn nữa đối với làng nghề 600 năm tuổi xứ Quảng. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Trong suốt thời gian từ lúc chị Yến còn nhỏ đến lúc học đại học, gia đình luôn trong cảnh thiếu thốn về tiền bạc cũng như sự quan tâm chăm sóc của ba. Bởi ba chị Yến chỉ biết vùi đầu vào nuôi tằm, dệt vải.

“Được bao nhiêu tiền bạc, thời gian, sức khỏe, ba Phương đều đưa hết vào HTX của mình nhằm vực dậy được làng nghề dệt lụa Mã Châu. Đến nỗi, trong người ba chưa bao giờ có quá 100 ngàn đồng, con cái khi nào cũng thiếu thốn, vất vả”, chị Yến tâm sự.

Vì thương ba một đời vì lụa, thấu hiểu nghề dệt Mã Châu đến nay chỉ còn một gia đình gắn bó sau 600 năm. Chị Yến quyết tâm học hỏi, phụ ông Phương làm nghề.

 Nuôi tằm ăn lá dâu để lấy kén kéo sợi tơ dệt vải của làng lụa Mã Châu. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Nuôi tằm ăn lá dâu để lấy kén kéo sợi tơ dệt vải của làng lụa Mã Châu. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Thời gian đầu, khi chị vào làm cùng ông Phương, chị khá đau đầu với việc nợ nần của HTX thời điểm đó.

Khoảng năm 2014, HTX của ông Phương làm ăn thua lỗ, hàng sản xuất ra không bán được nên tồn kho chất đống. Từ đó, tài sản của gia đình cũng được ông Phương đưa đi cầm cố lấy tiền “cầm cự” cho nghề dệt, ngày qua ngày số tiền nợ đã lên đến vài tỉ đồng cùng nhiều khó khăn khác nên HTX giải thể.

Năm 2015, vải lụa tơ tằm Mã Châu của HTX Tơ lụa Mã Châu được Bộ Công thương chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Khi chị Yến đưa từng khúc vải dệt 100% tơ tằm do ba mình làm ra chào hàng các thương lái chuyên về vải lụa ở phố cổ Hội An thì họ lại cho rằng lừa đảo. Bởi làng lụa Mã Châu đã thất truyền, không còn ai sản xuất.

Không vì thế mà chị Yến từ bỏ, chị đã mạnh dạn tham gia quảng bá sản phẩm lụa Mã Châu tại các gian hàng hội chợ, các thành phố lớn cũng như đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và gửi sản phẩm cho bạn hàng tham khảo.

Sau một thời gian miệt mài cố gắng, chị Yến cũng đã có những kết quả nhất định với thương hiệu làng lụa Mã Châu.

Đưa lụa lên sàn catwalk

Từ một cuộc khởi nghiệp ở con số âm kèm theo thương hiệu đã mất chỗ đứng trên thị trường; đến nay, cơ sở dệt lụa Mã Châu của ba con nhà ông Phương, chị Yến đã trả hết số nợ năm xưa và mở rộng quy mô sản xuất lên hàng chục nhân công với thu nhập từ 5 đến 9 triệu/người cùng máy móc hiện đại.

 Ông Phương luôn đứng sau dõi theo công nhân làm việc tại các máy dệt vải lụa. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Ông Phương luôn đứng sau dõi theo công nhân làm việc tại các máy dệt vải lụa. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tự hào về những trái ngọt có được, chị Yến cho biết, trước đây cơ sở được nhà nước và chính phủ nước ngoài tài trợ cho máy dệt hiện đại nhưng chỉ dệt được một mặt hàng nhất định. Thấy vậy, ông Phương đã mày mò sáng tạo lắp đặt thêm các bộ phận vào máy biến máy dệt một loại thành máy có thể dệt bất cứ sản phẩm họa tiết nào.

“Giờ chỉ cần khách cần họa tiết nào dệt lên sản phẩm thì chỉ cần điều chỉnh bộ điều khiển dệt theo mẫu thì sẽ ra được sản phẩm như vậy. Dù họa tiết đó có khó đến đâu”, chị Yến khẳng định.

Ngoài ra, chị Yến cùng ông Phương đã mạnh dạn đầu tư một cỗ máy dệt "khổng lồ" với số vốn lên đến hai tỉ đồng để phục dựng lại dòng Lãnh Hoa, cống phẩm cung đình xưa đã thất truyền hơn 200 năm.

 Trang phục của NTK Lê Thanh Hòa sử dụng chất liệu vải lụa Mã Mây ở show diễn "AN" vào tháng 10-2022 tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Trang phục của NTK Lê Thanh Hòa sử dụng chất liệu vải lụa Mã Mây ở show diễn "AN" vào tháng 10-2022 tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

“Lúc xưa, dòng Lãnh Hoa chỉ dành cho cung đình, giờ đây lụa Mã Châu sẽ phổ cập những dòng sản phẩm cao cấp này đến mọi gia đình. Vừa là bảo tồn các loại sản phẩm đặc biệt cũng như phục vụ các khách hàng có nhu cầu”, chị Yến chia sẻ.

Đặc biệt hơn, một lần sản phẩm lụa Mã Châu được chọn làm món quà trong những sự kiện đặc biệt và được mọi người đánh giá cao. Từ đó sản phẩm lụa tơ tằm 100% của gia đình chị Yến được các nhà thiết kế lựa chọn làm vải của bộ sưu tập, nhiều show diễn thời trang dành riêng cho lụa Mã Châu đã được thực hiện.

Khó khăn vẫn còn

Trải qua thời gian khó khăn nhất, chị Yến rất hào hứng nhưng chị bất ngờ chững lại. Sau một lúc suy tư, chị Yến bắt đầu ngồi xuống để nói về những khó khăn mà cơ sở phải đối mặt bây giờ.

Khó khăn nhất của cơ sở lụa Mã Châu hiện tại là việc được cải tạo, mở rộng đầu tư sản xuất, kết hợp các mô hình tham quan trải nghiệm cho du khách khi đến Quảng Nam nói chung và huyện Duy Xuyên nói riêng.

 Nhà xưởng đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được phép sửa chữa, nâng cấp do vướng các thủ tục liên quan. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Nhà xưởng đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được phép sửa chữa, nâng cấp do vướng các thủ tục liên quan. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Trước đây, HTX được nhà nước cho thuê đất để phát triển nhưng đến nay HTX giải thể rồi chuyển đổi về mô hình công ty. Tuy nhiên, pháp nhân Công ty lại không được hỗ trợ thuê đất như HTX nên dẫn đến việc các nhà xưởng, nhà trưng bày sản xuất đang xuống cấp lại không được phép sửa chữa, đầu tư nâng cấp.

Hiện cơ sở lụa Mã Châu cũng đang làm các thủ tục liên quan gửi đến UBND huyện Duy Xuyên xin hỗ được tiếp tục thuê đất theo quy định và sửa chữa, đầu tư nâng cấp nhằm phát triển, gìn giữ làng nghề truyền thống 600 năm tuổi.

Bà Trần Thị Minh Yến, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Duy Xuyên cho biết gia đình nhà ông Phương và chị Yến là gia đình duy nhất ở hiện tại còn duy trì làm nghề dệt vải tơ tằm truyền thống Mã Châu.

Trước đây là HTX nhưng do giải thể nên chuyển thành công ty. Tuy nhiên, vì nhiều quy định chỉ hỗ trợ cho HTX nên công ty có gặp một số khó khăn nhất định, điển hình là việc thuê đất để phát triển mở rộng. Trước những vấn đề trên, địa phương cũng đã có hướng dẫn gia đình ông Phương quay lại mô hình HTX để thuận tiện hơn trong việc phát triển làng nghề truyền thống cũng như thuê đất mở rộng sản xuất.

Trong thời gian qua, Hội liên hiệp phụ nữ huyện đã đồng hành cùng gia đình ông Phương phát triển, duy trì nghề truyền thống cũng như kết nối các cuộc thi, quảng bá sản phẩm đến nhiều khu vực khác nhau.

Nguồn PLO: https://plo.vn/19-doi-nuoi-tam-det-lua-ma-chau-post774937.html