2,27 triệu tỷ đồng nợ vay đang khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn
Dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN luôn theo sát để đảm bảo tín dụng không lâm vào rủi ro và hạn chế thấp nhất gia tăng của nợ xấu
Ngày 22/9/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.
Tại họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống.
Mặc dù vậy, đại diện NHNN cũng cho hay, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, về cơ bản các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã được NHNN phê duyệt; năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả...
“Chất lượng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế; hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II”, ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết.
Minh chứng cho kết quả này, NHNN đưa ra con số, đến nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).
Theo NHNN, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng. Việc trả nợ tổ chức tín dụng nội bảng đã xử lý từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ trên tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012 - 2017 (22,8%).
Đề cập thêm về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Đầu năm, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2019, NHNN sẽ cân nhắc điều chỉnh đối với từng tổ chức tín dụng".
Cũng theo Phó Thống đốc, đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, NHNN luôn theo sát để đảm bảo tín dụng không lâm vào rủi ro và hạn chế thấp nhất gia tăng của nợ xấu.
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi rất sát những diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ ngân hàng, căn cứ vào đó và sức khỏe của hệ thống ngân hàng, mức độ thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở những thời điểm khác nhau để quyết định điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, nếu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống ngân hàng", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.