2.400 cuộc kiểm tra sau thông quan, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 1.000 tỷ đồng
Từ đầu năm 2021 đến nay, Tổng cục Hải quan đã tiến hành 2.400 cuộc kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong thông tin gửi báo chí chiều tối ngày 4/11, Tổng cục Hải quan cho biết, về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019, Tổng cục Hải quan tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Trên cơ sở đó, từ năm 2021, Tổng cục Hải quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, cơ quan Hải quan là đơn vị vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; các tổ chức được Bộ, ngành chỉ định thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cơ quan Hải quan chỉ thực hiện phương thức kiểm tra giảm đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Với vai trò cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ điều phối các hoạt động cải cách kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành theo kế hoạch của Ủy ban.
Mặt khác, thường xuyên chủ động rà soát các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để kiến nghị các Bộ, ngành xem xét xử lý, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Triển khai rà soát chuyển đổi mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh công tác cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan... để ứng phó kịp thời với các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh,
Cùng với đó, làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa. Tập trung kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vận chuyển khẩu trang y tế, vật tư y tế, vũ khí và đạn dược trái phép qua biên giới. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới.
Tổng cục Hải quan tập trung phân tích, xác định trọng điểm, lựa chọn các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, nghi vấn, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát trực tuyến qua hệ thống camera giám sát, hệ thống seal định vị điện tử, cân điện tử, máy soi container… qua đó đã phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu là hàng cấm; xuất khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, nhập khẩu hàng hóa không khai báo; khai báo sai số lượng, chủng loại, mã số, thuế suất để gian lận số tiền thuế phải nộp, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
Cơ quan Hải quan đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời chấn chỉnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, thủ tục còn sơ hở, vướng mắc.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ khoảng 23 nghìn vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 6.700 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 20 nghìn vụ, thu nộp ngân sách khoảng 500 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, kiến nghị khởi tố 230 vụ.
Đáng chú ý, đã thực hiện 235 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu khoảng 320 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành 2.400 cuộc kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Quỳnh Nga