2,6 triệu ca tử vong mỗi năm vì sự cố y khoa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, dẫn đến 2,6 triệu ca tử vong.

Thông tin trên được chia sẻ tại lễ hưởng ứng "Ngày Quốc tế an toàn người bệnh thế giới" diễn ra vào ngày 17-9 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, chủ đề của "Ngày Quốc tế an toàn người bệnh thế giới" năm 2024 là “Cải thiện chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh”. Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, dẫn đến 2,6 triệu ca tử vong, trong đó 50% sự cố có thể phòng ngừa được. Tại các quốc gia thu nhập cao, chi phí do hậu quả của chăm sóc không an toàn chiếm 12,6% tổng chi tiêu y tế, tương đương khoảng 878 tỷ USD mỗi năm.

PGS Nguyễn Hoàng Bắc khẳng định, an toàn người bệnh là ưu tiên hàng đầu và là sứ mệnh cốt lõi của bệnh viện. Trong đó, cải thiện quy trình chăm sóc, phát triển văn hóa “không đổ lỗi”, tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro là những yếu tố quan trọng để giảm thiểu sai sót y khoa, đảm bảo an toàn người bệnh. Từ đó, giúp giảm chi phí chăm sóc, cải thiện chất lượng dịch vụ, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống y tế.

 PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát biểu tại buổi lễ

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát biểu tại buổi lễ

An toàn trong chẩn đoán và điều trị là mục tiêu tối quan trọng của y học hiện đại. Những sai sót trong chăm sóc không chỉ là những sự cố cá nhân mà còn phản ánh các vấn đề hệ thống. Điều này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ và đồng loạt để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể phòng ngừa.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Phát biểu chỉ đạo, TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định vai trò của các đơn vị y tế trong việc tiên phong áp dụng các phương pháp mới nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh. Sai sót trong chẩn đoán không chỉ làm giảm chất lượng chăm sóc y tế mà còn tạo gánh nặng kinh tế cho người bệnh. Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, cứ 1.000 bệnh nhân lại có 75 người bị ảnh hưởng bởi các lỗi chẩn đoán. Hậu quả, kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 3 đến 5 ngày, chi phí điều trị tăng 20 đến 30% so với dự kiến ban đầu.

 TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu

TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu

TS Hà Anh Đức cho biết, cải thiện chẩn đoán, giảm thiểu sai sót và nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh là nhiệm vụ cấp thiết. Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp như nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế, đầu tư vào công nghệ và trang thiết bị, xây dựng và cập nhật các hướng dẫn điều trị, đo lường và giám sát liên tục, tăng cường hệ thống giám sát và báo cáo sự cố sai sót y khoa, tăng cường vai trò người bệnh, xây dựng môi trường giao tiếp cởi mở... hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho mỗi người dân.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một trong những bước tiến quan trọng hướng đến nâng cao an toàn người bệnh là phát triển văn hóa “không đổ lỗi”, tập trung vào việc học hỏi từ các sự cố để cải thiện hệ thống và quy trình. Bệnh viện cũng đặt mục tiêu thành lập Trung tâm xuất sắc về an toàn người bệnh, cung cấp các phương pháp giảng dạy, kỹ thuật mô phỏng sáng tạo và chia sẻ các phương pháp thực hành tốt nhất. Trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho nhân viên y tế và thiết lập mạng lưới an toàn người bệnh trên toàn quốc.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/26-trieu-ca-tu-vong-moi-nam-vi-su-co-y-khoa-post759361.html