2 đại biểu Đỗ Đức Hiển và Phạm Khánh Phong Lan nêu băn khoăn về Luật Giao dịch điện tử sửa đổi

Đại biểu quốc hội cho rằng dự thảo Luật Giao dịch điện tử còn mâu thuẫn với nhiều luật và bộ luật khác, trong đó có Luật Công chứng.

Sáng 2-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Liên quan đến Luật Giao dịch điện tử, các đại biểu cho rằng đây là đạo luật rất cần thiết khi hiện nay các giao dịch điện tử đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các quy định về công chứng điện tử, chứng thực điện tử; hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử; chữ ký điện tử; chứng thư số… hiện còn nhiều vướng mắc bất cập, chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan góp ý về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ sáng 2-11. Ảnh: VH

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan góp ý về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ sáng 2-11. Ảnh: VH

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM), hiện nay rất khó để kiểm soát việc giao dịch điện tử kinh doanh qua mạng. Người tiêu dùng mua hàng qua mạng lỡ mua phải hàng hóa không đạt chất lượng thì cũng không biết ở đâu để khiếu nại. Còn về phía cơ quan kiểm soát, phát hiện và xử lý cũng không hề dễ dàng gì.

"Để kiểm soát một trường hợp vi phạm trên mạng, chúng tôi phải mất công mất sức hơn rất nhiều so với vi phạm bình thường. Trong khi đó, lực lượng xử lý còn nhiều hạn chế về biên chế, về sức lực..." - bà Lan cho hay.

Đại biểu Lan cho rằng hiện nay đang thiếu một hành lang pháp lý vững chắc để quản lý, xử phạt những giao dịch trên môi trường mạng. Bởi đối với những giao dịch không qua môi trường mạng thì khi kiểm soát phải phối hợp nhiều bên liên quan, trong khi đây là lĩnh vực chỉ giao dịch thông qua môi trường ảo.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng dự thảo Luật Giao dịch điện tử còn nhiều nội dung chưa phù hợp với một số luật hiện hành. Ảnh: VH

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng dự thảo Luật Giao dịch điện tử còn nhiều nội dung chưa phù hợp với một số luật hiện hành. Ảnh: VH

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP.HCM) cũng cho rằng hiện một số lĩnh vực phức tạp như đất đai, nhà ở, thừa kế… là những lĩnh vực nhạy cảm, chưa đủ cơ sở pháp lý để giao dịch trên môi trường điện tử.

Ông Hiển đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Bộ Luật Dân sự và Luật Công chứng để tạo sự thống nhất trong quy định giữa các luật này với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Lấy ví dụ về sự thiếu thống nhất với Luật Công chứng, ông Hiển nêu: Luật Công chứng không đề cập đến các thông điệp dữ liệu có giá trị tương đương văn bản công chứng. Trong khi dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định: có thể cho phép các thông điệp dữ liệu do các tổ chức, cá nhân tự khởi tạo, không có bên thứ ba xác nhận các yếu tố xác thực, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội vẫn được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về công chứng là chưa thống nhất với Luật Công chứng.

"Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định các phương án cụ thể để khắc phục vấn đề nêu trên bảo đảm sự thống nhất trong phạm vi điều chỉnh, đồng bộ với các Luật liên quan, bảo đảm các quy định của luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn sau khi được ban hành", ông Hiển đề xuất.

Trong đó, ông Hiển đặc biệt lưu ý bổ sung đánh giá tác động, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện các giao dịch điện tử, cung cấp thông tin kinh nghiệm quốc tế về việc thực hiện giao dịch điện tử trong các lĩnh vực được mở rộng, đặc biệt như lĩnh vực đất đai, bởi vì hiện nay vẫn có nhiều nước không quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, thừa kế…

Ngoài ra, cần có hàng lang pháp lý rõ ràng trong quản lý, xử phạt như thế nào trong mua, bán hàng online. Các đại biểu cũng cho rằng: luật giao dịch điện tử sửa đổi quá nhiều từ ngữ chuyên ngành, khó hiểu, người dân khó tiếp cận. Ở nhiều lĩnh vực, yêu cầu giao dịch bằng văn bản như đất đai, nhà ở, thừa kế thì theo dự thảo luật này chưa đủ pháp lý để giao dịch trên môi trường điện tử.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/2-dai-bieu-do-duc-hien-va-pham-khanh-phong-lan-neu-ban-khoan-ve-luat-giao-dich-dien-tu-sua-doi-post706047.html