2 mặt hàng rớt mốc 'tỷ đô', Bộ Công Thương chỉ nguyên nhân xuất khẩu 'lao dốc'
Bộ Công Thương cho rằng lạm phát, giá xuất khẩu giảm, Trung Quốc mở cửa trở lại... là những nguyên nhân tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023. Theo đó, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2023.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%), trong đó xuất khẩu giảm 11,8% (cùng kỳ tăng 17,1%); nhập khẩu giảm 15,4% (cùng kỳ tăng 16,1%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong 4 tháng, Bộ Công Thương cho hay, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (có 22 mặt hàng), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Bộ Công Thương dự báo kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng.
Vì vậy, một trong những giải pháp trong thời gian tới là tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
"Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei)", Bộ Công Thương cho biết.
Đồng thời, cơ quan này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; Phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn.