2 nhà giáo tiêu biểu của ngành Giáo dục Tiền Giang thời kháng chiến
Ở Tiền Giang, trải qua quá trình khai phá vùng đất mới phương Nam đầy khó khăn, gian khổ, sự nghiệp giáo dục và các thế hệ thầy đồ, thầy giáo ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) đã được hình thành, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của nhà giáo Việt Nam về lòng yêu nước, thương dân, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục cho dân. Qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều thầy giáo, cô giáo ở Tiền Giang đã nỗ lực vượt qua khó khăn, không khuất phục trước kẻ thù xâm lược, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng khi đang làm nhiệm vụ.Trong quá trình đó, nhiều nhà giáo đã thể hiện tài năng, đức độ, tấm lòng trung với nước, hiếu với dân và hết lòng chăm lo sự nghiệp giáo dục, như Nhà giáo Phan Lương Trực, Nhà giáo Lê Văn Phi Líp… đã anh dũng hy sinh trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp; Nhà giáo Phạm Văn Út, Trưởng Tiểu ban Giáo dục Trung Nam bộ; Nhà giáo Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục Mỹ Tho; Nhà giáo Nguyễn Nhựt Ánh, Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục Mỹ Tho... đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.ÔNG 'NĂM MẶT TRẬN' NGUYỄN NHỰT ÁNH
Đồng chí Nguyễn Nhựt Ánh tên thường gọi Năm Ánh, bí danh Khánh Nam, sinh năm 1930 tại làng Long Thuận, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước.
Hòa trong không khí sôi nổi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi mới 15 tuổi, đồng chí giác ngộ cách mạng, hoạt động tại làng Thành phố (nay là TX. Gò Công). Do có trình độ học vấn và nhiệt tình trong công tác, từ năm 1950 đồng chí được cấp trên tin tưởng phân công làm nhiệm vụ vận động trí thức trong Mặt trận Việt Minh tỉnh Gò Công.
Năm 1954, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Gò Công, đồng chí ở lại miền Nam, hoạt động công khai trong lòng địch với nhiệm vụ xây dựng cơ sở và vận động cách mạng trong lực lượng trí thức, chủ yếu là trong giới giáo chức tại 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho.
Để có điều kiện thâm nhập, đứng chân trong hàng ngũ giáo chức, năm 1957 đồng chí trúng tuyển khóa sư phạm đào tạo giáo viên do chính quyền Sài Gòn tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học, đồng chí đi dạy học tại các trường tư thục trên địa bàn các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre… để xây dựng cơ sở cách mạng và tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho lực lượng giáo chức, học sinh trong các trường học. Sau đó, để thuận lợi hơn cho công tác, đồng chí còn đăng ký học chương trình sơ cấp y tế tại Sài Gòn.
Năm 1961, đồng chí là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Gò Công, phụ trách công tác trí vận. Cũng trong năm này, do yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí thoát ly ra vùng giải phóng. Lúc bấy giờ, tỉnh Gò Công bị địch đánh phá ác liệt, nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, không ngại gian khổ, hy sinh, đồng chí đã bám chặt địa bàn, giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng, kiên trì xây dựng cơ sở, nên được nhân dân Gò Công gọi đồng chí với tên thân mật - Năm Mặt trận.
Năm 1964, 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho được hợp nhất thành tỉnh Mỹ Tho, đồng chí được điều động về Ban Tuyên - Văn - Giáo Tỉnh ủy Mỹ Tho, phụ trách Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục tỉnh Mỹ Tho kiêm Hiệu trưởng Trường Trừ Văn Thố.
Tại đây, đồng chí vừa làm nhiệm vụ quản lý, vừa làm giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp sư phạm cấp tốc, đào tạo đội ngũ giáo viên kháng chiến cho tỉnh nhà. Lúc bấy giờ, trước tình hình chiến trường bị chia cắt, để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ ở các mặt trận trên toàn tỉnh được học tập nâng cao trình độ học vấn, đồng chí còn nghiên cứu, biên soạn chương trình và tổ chức các lớp học hàm thụ cho cán bộ và chiến sĩ trong toàn tỉnh. Hình thức dạy - học này đã phát huy tác dụng rất lớn, giúp đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoàn thành chương trình tiểu học để có điều kiện học ở các bậc cao hơn.
Giữa năm 1967, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ chủ chốt cho việc tái lập tỉnh Gò Công và gấp rút chuẩn bị Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được điều động trở về tỉnh Gò Công làm cán bộ Tuyên huấn trong Phân ban Tỉnh ủy Gò Công (chuẩn bị tiến tới thành lập Tỉnh ủy Gò Công). Khi đó, Gò Công là chiến trường rất ác liệt, được xem là vùng bình định trắng. Cuối năm này, với mưu đồ quét sạch các địa bàn đứng chân của ta ở tỉnh Gò Công, địch mở nhiều cuộc càn quét đánh phá ra vùng giải phóng.
Trong một trận chống càn không cân sức vào đêm 11 rạng sáng 12-12-1967, đồng chí Nguyễn Nhựt Ánh và đồng chí Trần Văn Trung (Tám Trung, lãnh đạo Huyện đội Gò Công) trong điều kiện vũ khí hạn chế đã kiên cường chống trả cuộc càn quét của địch có cả xe bọc thép, máy bay trực thăng và giang thuyền yểm trợ, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, cả hai đồng chí đã anh dũng hy sinh lúc 9 giờ ngày 12-12-1967 tại ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền, huyện Gò Công (nay là huyện Gò Công Đông), lúc đó đồng chí Nguyễn Nhựt Ánh mới 37 tuổi.
PHẠM VĂN ÚT - NHÀ GIÁO CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG
Đồng chí Phạm Văn Út bí danh Sáu Bé, sinh năm 1923 tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong gia đình trung lưu có tinh thần dân tộc. Thuở nhỏ, đồng chí thông minh và học giỏi, từng là học sinh Trường Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho) và Trường Lyceé Pétrus Ký (nay là Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh).
Năm 1944, sau khi có bằng Tú tài toàn phần, đồng chí thi đậu cùng lúc hai trường Đại học Luật và Đại học Y khoa. Đồng chí đã chọn Trường Đại học Y khoa, sau này trở thành bác sĩ sẽ có điều kiện để giúp đỡ đồng bào. Học được 1 năm thì Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành được thắng lợi, đồng chí hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Nam bộ, đồng chí rời thành thị ra vùng bưng biền tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc, được Nhà nước phân công làm Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6 đặt tại Hải Phòng. Đầu năm 1964, mặc dù chỉ còn một lá phổi và bị bệnh tật hành hạ, nhưng đồng chí vẫn nộp đơn tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu. Đến tháng 8-1964, ước nguyện của đồng chí được cấp trên chấp thuận.
Năm 1966, Trường Thiếu sinh quân Trừ Văn Thố khai giảng khóa 3 với những học sinh mới là cán bộ, chiến sĩ, con em liệt sĩ, con em các gia đình có công với cách mạng. Do chiến tranh diễn ra rất ác liệt, để đảm bảo hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh, Trường Thiếu sinh quân Trừ Văn Thố liên tục dời đến các địa điểm mới ở Hậu Mỹ, Mỹ Lợi, Thanh Hưng (Cái Bè), Hiệp Đức (Cai Lậy)…
Tại những nơi này, mặc dù vừa phải chiến đấu chống địch càn quét, vừa phải tự lực sản xuất lương thực, thế nhưng giáo viên và học sinh của nhà trường vẫn kiên cường bám trụ, ra sức thi đua dạy tốt - học tốt.
Do tình hình chiến tranh diễn ra hết sức ác liệt, trong thời kỳ này, ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã có 63 giáo viên, trong đó có 3 giáo viên quê ở miền Bắc và 8 giáo sinh sư phạm đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giáo dục cách mạng và giải phóng miền Nam, tiêu biểu là thầy Nguyễn Nhựt Ánh và thầy Phạm Văn Út.
Cố gắng vượt qua những khó khăn về sức khỏe, đồng chí đã miệt mài luyện tập ngày đêm tại cơ sở huấn luyện cán bộ chi viện cho miền Nam đặt tại Trường Bổ túc văn hóa công nông ở tỉnh Phú Thọ để tăng cường thể lực, bồi dưỡng chính trị và chuyên môn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của cách mạng.
Cuối năm này, đồng chí được cử làm Chi trưởng Chi 2, bao gồm cán bộ, giáo viên của ngành Giáo dục lên đường vượt Trường Sơn trở về miền Nam đánh Mỹ, đưa đoàn do mình phụ trách đến căn cứ của Trung ương Cục miền Nam an toàn.
Sau một thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng, theo sự phân công của tổ chức, tháng 4-1965, đồng chí dẫn đầu một đoàn cán bộ giáo dục về Tiểu ban Giáo dục Khu 8 công tác. Tại đây, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền giáo dục cách mạng ở Khu 8.
Vì thế, năm 1968, đồng chí được đề bạt làm Ủy viên Ban Tuyên huấn kiêm Trưởng Tiểu ban Giáo dục Khu 8. Lúc này, tình hình trên chiến trường diễn ra rất căng thẳng, địch tăng cường phản kích hết sức ác liệt, tuy vậy đồng chí vẫn bám sát địa bàn, chỉ đạo ngành Giáo dục Khu 8 vừa tự tổ chức đánh địch phản kích, vừa ra sức duy trì, củng cố hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên và học sinh.
Ngày 11-11-1969, đồng chí đi thực tế công tác ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho, khi đến xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, gặp địch bất ngờ đổ quân càn quét, đồng chí cùng với hai đồng chí bảo vệ xuống hầm bí mật. Bọn chúng lùng sục tìm hầm và bắt được đồng chí. Bị nhục hình tra tấn, nhưng đồng chí vẫn luôn nêu cao ý chí của một nhà giáo cách mạng kiên cường. Bọn chúng đã hèn hạ giết chết đồng chí ở tuổi 46.
LINH CHI (tổng hợp)