2 'thủ phạm' ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất, sau tuổi 40 không nên ăn
Bằng cách tránh thực phẩm chế biến sẵn và thay vào đó tập trung vào thực phẩm toàn phần, bạn có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất nhanh hơn và nhờ đó giữ được dáng theo thời gian.
Khi chúng ta già đi, quá trình trao đổi chất của chúng ta có xu hướng chậm lại, khiến việc duy trì cân nặng khỏe mạnh và xử lý các chất dinh dưỡng từ thực phẩm trở nên khó khăn hơn. Điều này là do một số yếu tố, bao gồm giảm khối lượng cơ bắp, thay đổi nội tiết tố và mức độ hoạt động thể chất kém hơn.
May mắn thay, chúng ta có thể kiểm soát một vài yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ví dụ như, bằng cách tránh thực phẩm chế biến sẵn và thay vào đó tập trung vào thực phẩm toàn phần, bạn có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất nhanh hơn và nhờ đó giữ được dáng theo thời gian.
Thực phẩm chế biến đã trở thành một yếu tố chính trong chế độ ăn uống của nhiều người. Tuy nhiên, thật không may, những loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình trao đổi chất của bạn về lâu dài. Đó là một lý do bạn tại sao nên tránh chúng càng nhiều càng tốt, đặc biệt nếu bạn đang muốn giảm cân hoặc tránh tăng cân.
Nhắc đến những tác nhân ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất, chuyên gia dinh dưỡng Jesse Feder, tại tổ chức sức khỏe Strength Warehouse, đã chỉ ra 2 "thủ phạm" tồi tệ nhất là ngũ cốc có đường và thức ăn nhanh.
1. Ngũ cốc có đường
Theo Feder, mặc dù ngon và tiện lợi nhưng ngũ cốc có đường là một loại thực phẩm chế biến có thể có tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. "Ngũ cốc có đường là một trong những thực phẩm chế biến không lành mạnh nhất. Chúng chứa nhiều đường, natri và carbohydrate tinh chế. Ăn ngũ cốc có đường với số lượng lớn và liên tục có thể dẫn đến béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim... Các thành phần được chế biến và tinh chế cao thường cung cấp ít năng lượng vì chúng có thể được tiêu hóa rất nhanh. Điều này sau đó gây ra sự sụt giảm lượng đường trong máu và có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn", ông nói.
Đặc biệt, lượng đường bổ sung cao trong thực phẩm này gây ra một loạt các rủi ro sức khỏe, bao gồm cả tăng cân.
Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường, cơ thể chúng ta sẽ sản xuất insulin để giúp xử lý nó. Sự gia tăng insulin này có thể khiến các tế bào của cơ thể trở nên kháng hormone, dẫn đến nồng độ insulin trong máu cao hơn. Nồng độ insulin cao có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt là xung quanh vùng bụng. Điều này cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 và các rối loạn chuyển hóa khác.
2. Thức ăn nhanh
Mặc dù thực tế đó là một lựa chọn cực kỳ thuận tiện khi bạn đang vội, Feder cảnh báo rằng thức ăn nhanh cũng có thể làm hỏng quá trình trao đổi chất của bạn theo thời gian. "Các bữa ăn nhanh chứa một lượng lớn chất béo, natri và các loại dầu không lành mạnh. Điều này cũng có thể dẫn đến tăng cân, béo phì, bệnh tim mạch và đột quỵ. Các thành phần trong các bữa ăn nhanh cũng được chế biến và tinh chế cao, có thể được tiêu hóa nhanh chóng và khiến bạn giảm sự trao đổi chất", ông nói.
Thức ăn nhanh, cùng với nhiều loại thực phẩm chế biến khác, thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh, chẳng hạn như chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Những loại chất béo này có thể làm tăng mức cholesterol, góp phần vào sự phát triển của bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác. Chúng cũng có thể gây viêm trong cơ thể, có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm béo phì và rối loạn chuyển hóa.
Nhìn chung, điều đặc biệt quan trọng là phải lưu ý đến những gì bạn đang ăn nếu bạn trên 40 tuổi vì ở tuổi này, quá trình trao đổi chất có xu hướng chậm lại. Trong khi có một danh sách dài các loại thực phẩm có thể hỗ trợ trao đổi chất thì chắc chắn ngũ cốc có đường và thức ăn nhanh nằm trong danh sách thực phẩm cần tránh vì nó làm chậm quá trình này.
Việc loại bỏ những món ăn ngon này khỏi chế độ ăn uống của bạn có thể khó khăn nhưng hãy nhớ rằng đưa ra quyết định lành mạnh là cách tốt nhất không chỉ để giảm cân mà còn để có một cuộc sống lâu dài, hạnh phúc.