2 vợ chồng cùng mắc ung thư, bác sĩ chỉ những nguyên nhân gây bệnh
Quá lo lắng khi chồng mắc ung thư phổi, bệnh nhân 66 tuổi cũng đã tới viện kiểm tra. Kết quả người phụ nữ này cũng được chẩn đoán mắc loại ung thư trên.
TS.BS Vũ Duy Lâm, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 66 tuổi, có tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân muốn kiểm tra kiểm tra sức khỏe định kỳ bằng chụp cắt lớp vi tính (CLVT) liều thấp tầm soát ung thư.
Người phụ nữ này cho hay, chồng bà gần đây đi khám sức khỏe được chẩn đoán mắc ung thư nên đã rất lo lắng. TS.BS Lâm chia sẻ, trên hình ảnh CLVT phát hiện bệnh nhân có nốt mờ nhỏ đường kính 7mm nằm ở thùy giữa phổi phải cách màng phổi thành ngực bên 5mm.
Hình ảnh của phim chụp cũng cho thấy trong trung thất và dọc động mạch chủ bụng phát hiện nhiều hạch nhỏ hình tròn, đường kính < 10 mm nghi ngờ hạch di căn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đã được chỉ định nội soi ống tiêu hóa, chụp CLVT bụng, tiểu khung, xét nghiệm máu các maker ung thư đều không phát hiện bất thường ở các tạng.
TS.BS Lâm cho hay, bệnh nhân 66 tuổi chia sẻ chồng có hút thuốc lá. Khi chồng đã mắc ung thư, người vợ rất lo lắng, nên đã đến viện thăm khám, kiểm tra. Người bệnh muốn biết rõ tổn thương của mình có phải là ung thư hay không. Các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa, chỉ định làm sinh thiết mở bằng phẫu thuật nội soi lồng ngực có sự trợ giúp của video.
“Vấn đề khó khăn với phẫu thuật viên là nốt mờ nằm dưới màng phổi không thể quan sát trực tiếp vị trí qua hình ảnh nội soi. Với nốt mờ nhỏ đường kính 7 mm lại nằm sau xương sườn gần sát màng phổi, nếu dùng kỹ thuật sinh thiết xuyên thành khả năng lấy được bệnh phẩm rất thấp, nguy cơ tràn khí và máu màng phổi cao”, TS.BS Lâm nói.
TS.BS Vũ Duy Lâm và ekip đã quyết định dùng định vị bằng Xanh methylen để đánh dấu vị trí nghi ngờ tổn thương. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ, qua nội soi lồng ngực, phẫu thuật viên thấy rõ vùng đánh dấu màu xanh, thực hiện kỹ thuật cắt hình chêm lấy tổn thương để làm giải phẫu bệnh.
“Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) xâm nhập tối thiểu. Kết quả nhuộm hóa mô miễn dịch là ung thư biểu mô tuyến nguyên phát tại phổi”, TS.BS Lâm cho biết.
BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin, ung thư phổi là một bệnh lý ác tính xuất phát từ sự tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào trong nhu mô phổi. Bệnh phổ biến trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý ung thư ở cả hai giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 1,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu do ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng số một trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Theo thống kê, năm 2020, Việt Nam có thêm hơn 26.000 người mắc ung thư phổi. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan. Theo BS Nguyễn Tiến Đồng, hút thuốc lá được coi là yếu tố nguy cơ chính với ung thư phổi. Tuy nhiên, theo thống kê trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 10-15% người hút thuốc lá bị ung thư phổi và 10-25% những người bị ung thư phổi không hề hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động được đặt ra trong trường hợp này, vì nó đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20%. Vậy nhưng hút thuốc lá thụ động cũng chỉ chiếm từ 16-24% các trường hợp ung thư phổi ở những người không hút thuốc.
Khoảng 8% các trường hợp ung thư phổi là ung thư phổi di truyền.Việc xác định đột biến gen của tế bào dòng mầm liên quan tới ung thư phổi di truyền vẫn còn là một thách thức. Hiện nay, một số gen có liên quan tới bệnh ung thư phổi được xác định gồm: Gen EGFR (ước tính làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người không hút thuốc lên 31%), gen PT53, gen BRCA, gen HER2 và một số gen khác như HER2, YAP1, CHECK2…
Thông tin từ Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho hay, ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.