2 vụ cháy làm 9 người tử vong trong 6 ngày, TP.HCM khuyến cáo người dân gì?
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, PC07 khuyến cáo chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện để phòng cháy, chữa cháy.
Chỉ trong vòng 6 ngày, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 2 vụ cháy làm 9 người tử vong, ngày 30/3, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM (PC07) đã đua ra khuyến cáo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình
Theo PC07, tình hình cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (trên 50%) và thiệt hại về người, tài sản. Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.
Nhiều vụ cháy đã để lại hậu quả nghiêm trọng về người, điển hình là vào lúc 01h10 ngày 30/3/2021 xảy ra vụ cháy nhà dân tại địa chỉ: 899 đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP. Thủ Đức. Vụ cháy làm 6 người chết, cháy hoàn toàn căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 60m2 gồm 5 xe gắn máy và một số vật dụng sinh hoạt.
Trước đó là vụ cháy vào khoảng 3h ngày 25/3/2021, căn nhà cấp 4 nằm trong hẻm 123 Cao Lỗ (phường 4, quận 8) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Người dân xung quanh phát hiện hô hoán và tìm cách dập lửa nhưng bất thành. Nhận tin báo, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ - Công an quận 8 điều động nhiều xe chữa cháy, cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường ứng cứu, dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, do nhận được tin báo cháy chậm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã không cứu kịp được hai vợ chồng chủ hộ và con gái. Ngọn lửa đã thiêu rụi nhiều nhiều tài sản, vật dụng tại căn nhà nói trên.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM (PC07) khuyến cáo chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp dưới đây.
Chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời tuyên truyền, phổ biến lại cho các thành viên trong gia đình.
Khi đun nấu phải quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; nếu dùng bếp gas phải kiểm tra toàn bộ hệ thống đảm bảo độ kín, khi đun nấu xong phải đóng van xả gas & tắt bếp. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas. Nên lắp đặt các thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas và niêm yết quy trình xử lý khi phát hiện rò rỉ khí gas tại khu vực bếp; khi đun nấu phải có người trông coi, trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, tắt các thiết bị không cần thiết.
Không để các tài sản, vật tư dễ cháy gần nơi thờ cúng; trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy và cách xa vật dễ cháy; hạn chế tối đa đồ vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy trong gia đình phải ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m. Hạn chế không nên để xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản ở nơi thông thoáng; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Không buôn bán, tàng trữ trái phép pháo, pháo hoa nổ.
Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm.
Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra
Không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm.
Đối với hệ thống điện. Hệ thống điện cần được thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng; phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn.
Không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên cùng một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…
Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon; không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các trần, vách các vật liệu dễ cháy.
Phải trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên; mua dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy.
Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3… ngoài cửa chính; phương tiện phá dỡ mái che, phá khóa, phá cửa…mở lối thoát; thang tre, thang dây để thoát nạn); mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn bông… để che chắn mặt, cơ thể… khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm; không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
Ngoài ra, PC07 hướng dẫn quy trình xử lý khi phát hiện rò rỉ khí gas như sau: Phải cảnh báo cho mọi người xung quanh biết để di chuyển ra nơi an toàn hoặc tham gia cùng xử lý; cách ly nguồn lửa, nguồn nhiệt với khu vực có gas rò rỉ.
Tuyệt đối không được bật lửa, làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bật/tắt thiết bị điện; không sử dụng điện thoại; không đi giầy, guốc có đế kim loại trên nền gạch.
Khóa van, nguồn cung cấp gas; mở tất cả cửa ra vào và cửa sổ để thông gió khu vực gas rò rỉ; báo cho nhà cung cấp gas hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114 để được hỗ trợ.
Đặc biệt, khi có cháy, nổ xảy ra ở hộ gia đình là phải thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, dưới gầm giường, nhà vệ sinh…Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, đi chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết.
Nếu đám cháy chưa phát triển lớn, tiến hành ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay từ ban đầu(như bình chữa cháy sách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…). Đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114.