20 năm nuôi mộng văn chương
Năm 1979, Trường Viết văn Nguyễn Du được thành lập với sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam lúc bấy giờ. Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) khi đó đã tạo điều kiện cho anh em văn nghệ sĩ từ các chiến trường được đi học.
Khóa bồi dưỡng đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du có 44 thành viên, trong đó có các nhà văn, nhà thơ như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Ðỉnh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Đỗ Thị Hiền Hòa, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh... Khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du - Đại học Văn hóa Hà Nội 1999 -2003 của chúng tôi là một khóa học đặc biệt vì đây là khóa đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du thi đại học - Kỳ thi chung quốc gia - cùng với hệ đào tạo đại học của Đại học Văn hóa, cũng là khóa đầu tiên nhận đào tạo học sinh tốt nghiệp THPT .
Cả trường có duy nhất một lớp học chúng tôi hồi ấy (30 học viên) thì một nửa là học sinh mới tốt nghiệp cấp trung học, còn lại các anh chị học viên khác cũng đều là những cây bút trên cả nước thi vào học để tiếp tục con đường văn chương của mình. Hai mươi năm đã trôi qua với biết bao kỷ niệm cùng thầy cô là những thế hệ nhà văn nhà thơ đi trước. Trường Viết văn Nguyễn Du đã nuôi mộng văn chương, giúp chúng tôi có những tác phẩm, góp phần nhỏ bé của mình một chấm phá vào nền văn học Việt Nam đương đại.
Một trong những người thầy lớn của lớp Viết văn Nguyễn Du Khóa 6, là GS. Hoàng Ngọc Hiến. Thầy nguyên là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du. Khi chúng tôi vào nhập học thì thầy đã nghỉ hưu, nhưng thầy vẫn tiếp tục lên lớp để trò chuyện văn chương và giảng dạy những cái hay cái đẹp của văn chương.
Chia sẻ về những kỷ niệm khi học GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Phùng Văn Khai hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội (anh là cây bút đầu tàu của lớp khóa 6) chia sẻ: “Là học trò của GS Hoàng Ngọc Hiến, trong những năm học ở Trường Viết văn Nguyễn Du chúng tôi đều học thầy qua lối tâm truyền, thậm chí là truyền tai nhau những giai thoại về thầy. Chúng tôi luôn hiểu rằng, sáng tạo là độc lập, đơn độc tìm đường đi cho mình. Chúng tôi say mê và sảng khoái các buổi nói chuyện của thầy bởi kiến thức rộng lớn và cách nói chuyện đặc trưng của thầy. Thầy giảng luôn quên giờ giấc, nhất là khi giảng về tiếng Việt với sự đa thanh, đa nghĩa đến hóc hiểm, song thầy Hiến giảng hết sức dễ hiểu, dễ nhớ".
Lớp Viết văn Nguyễn Du Khóa 6 có trường hợp đặc biệt là nhà văn Trần Thị Ngọc Lan, một người khuyết tật (từ lúc 5 tuổi), chị đã theo học, lấy bằng xuất sắc và hiện đang là biên tập viên NXB Văn học. Chị có 11 đầu sách và là điển hình của một tấm gương tự học, tự vươn lên trong cuộc sống.
Nhà văn Ngọc Lan chia sẻ: “Các giờ giảng của các thầy tràn ngập ánh sáng tri thức, niềm hứng khởi, niềm vui, nụ cười và hy vọng. Cuộc sống và sự phát triển của con người thời đại đòi hỏi chúng tôi phải vươn lên để bắt kịp xu thế mới, giải đáp những vấn đề cốt yếu của con người và xã hội. Có nhiều người trong chúng tôi đã âm thầm lao động nghệ thuật miệt mài và đã đạt được những thành tựu nhất định. Chúng tôi không bao giờ ân hận vì đã bước chân vào ngôi trường này, và nếu được chọn lựa một lần nữa, chúng tôi vẫn sẽ chọn nơi đây để lập nghiệp và gửi gắm những niềm tin sâu sắc”.
Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, sinh năm 1971, trước khi thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh đã tốt nghiệp hai trường đại học khác về kinh tế, nhưng niềm say mê văn chương đã giúp anh thi đỗ, vào học Khóa 6. Anh cho biết: “Vào trường, nhiều thầy cô là những nhà văn nhà thơ, nhà học giả đã mở mang cho chúng tôi nhiều thứ. PSG.TS Trương Đăng Dung là một điển hình, với trình độ Tây học uyên bác về lý luận văn chương và cũng là thi sĩ có tâm hồn nhạy cảm, luôn trăn trở, ưu tư trước cuộc đời nên thầy mong muốn đem lại sự khai phóng, luôn khuyên khích học trò khám phá cuộc sống, tìm ra những chân trời mới từ hình thức tới quá trình tạo nghĩa cho văn bản. Thầy đã giúp tôi tiệm cận một nền tảng tri thức lý luận văn chương cốt lõi, khiến tôi vỡ vạc ra nhiều điều nhất là về nhận thức, tiếp nhận văn chương. Với cuốn “Tác phẩm văn học như một quá trình” đã thay đổi nhãn quan và góc nhìn của tôi trên phương diện nhà văn cần phải viết nên những văn bản chứa đựng nhiều khả năng giải mã”.
Nhà văn Đào Bá Đoàn, hiện là Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn. Khi vào học Khóa 6 anh đã là nhà văn, hội viên Hội VHNT Hải Dương, anh tâm sự: “Thời chúng tôi học không có Internet, số hóa, toàn cầu hóa lớn lao như bây giờ, những người thầy như thầy Hoàng Ngọc Hiến, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy… với vốn kiến thức sâu rộng, đọc nhiều, hiểu biết nhiều, luôn có những kiến giải bậc thầy ở tầm triết học, bằng con đường truyền dạy trực tiếp, mách bảo cho chúng tôi tư liệu, các tác phẩm để đọc và học, luôn luôn khuyến khích học viên khóa 6 đi theo cái mới, sòng phẳng với chính mình và với văn chương”.
Nhật dịp kỷ niệm 20 năm ra trường, Khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du cũng đã xuất bản cuốn sách “Những chuyển động” - Hợp tuyển Văn - Thơ - Nghiên cứu - Lý luận phê bình. Đây là cuốn sách thứ 4 của lớp xuất bản trong thời gian qua. PGS.TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, là giảng viên của khóa 6 đã viết lời đề tựa: “Đối với cá nhân tôi, các bạn Khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du (1999-2003) luôn để lại những ấn tượng đặc biệt. Ngay từ buổi đầu tới trò chuyện, giao lưu sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình với các bạn ấy trên giảng đường đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Các bạn Khóa 6 sau 20 năm đều đã trưởng thành theo từng cá tính, số phận, độc lập và luôn cống hiến trong chừng mực trí tuệ của mình với văn chương nghệ thuật và với cả những khu vực khác. Hai mươi năm, khoảng thời gian đã đủ để hình thành nên những phong cách, những gương mặt văn chương, gương mặt cuộc đời. Sau 20 năm, các gương mặt ấy ngày càng trưởng thành hơn không chỉ trong sáng tác mà còn trong đời sống. Tất thảy đều hiểu sâu sắc rằng công cuộc sáng tạo văn chương nghệ thuật luôn đường xa dặm thẳm, thách thức muôn trùng, niềm vui là đấy mà nỗi buồn đầy ắp hai tay cũng ở đấy mà ra. Văn chương và thời cuộc luôn đặt lên vai người sáng tạo những gánh nặng chất chồng. Chức phận của nhà văn và chức phận công dân luôn đặt ra trước anh chị em Khóa 6 nhiều nhiệm vụ phải làm, đã và đang đặt ra những nhiệm vụ lớn lao hơn”.
Nhà văn Tạ Duy Anh, thầy giáo chủ nhiệm đầu tiên của Khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du (sau đó thầy chuyển công tác về NXB Hội Nhà văn), đã chia sẻ: “Khóa 6 vào học trong một hoàn cảnh khá đặc biệt so với các khóa trước. Các bạn học viên đa phần vào thẳng từ trường phổ thông, thành tựu sáng tác còn khiêm tốn, trong khi đó chương trình học bị xáo trộn, do nhà trường thay đổi nhân sự, việc mời thầy cô không còn thuận lợi như trước. Nhưng bằng sự đùm bọc, yêu thương và quyết tâm tập thể, các bạn đều đã vượt qua những năm tháng khó khăn để học tập và tiếp tục sự nghiệp văn học. Nhiều bạn sau khi ra trường đã chứng tỏ được tài năng, bản lĩnh sáng tạo của mình. Nhiều bạn, khi lựa chọn con đường khác cho cuộc đời mình, vẫn giữ được dấu ấn đậm nét của một học viên viết văn: sự trung thực, vị tha, nhiều ý tưởng táo bạo và luôn có trách nhiệm với xã hội. Tôi may mắn được làm giáo viên chủ nhiệm các bạn một năm. Nhưng điều đó luôn đủ để tôi hạnh phúc, tự hào khi nghĩ đến tập thể tuyệt vời này”.
Hai mươi năm nuôi giấc mộng văn chương của những học viên ngày ấy bây giờ dường như vẫn còn nguyên vẹn, cho dù trong số 30 học viên cũng có người bỏ cuộc văn giữa đường đi làm kinh tế, có người mất vì bệnh hiểm nghèo, nhưng lớp Viết văn Nguyễn Du Khóa 6 của chúng tôi với những đam mê không bao giờ có tuổi vẫn mong muốn và thai nghén những tác phẩm văn chương mang dấu ấn để lại cho đời. Để xứng với ngôi trường mang tên đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/20-nam-nuoi-mong-van-chuong-i710224/