20 năm sau cơn lũ lịch sử và giải pháp 'sống chung' với thiên tai

Tròn 20 năm trôi qua sau trận lũ lịch sử năm 1999, được cho là gần trăm năm mới thấy, nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại cơn 'đại hồng thủy' với sức tàn phá kinh hoàng của nó đối với các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Cũng từ sau trận lũ lịch sử này, tỉnh Quảng Trị đã có những giải pháp hiệu quả để 'sống chung' và hạn chế thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.

 Các công trình thủy lợi có vai trò đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tham gia điều tiết lũ

Các công trình thủy lợi có vai trò đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tham gia điều tiết lũ

Cơn “đại hồng thủy” cuối thế kỉ XX

Ông Nguyễn Văn Bài, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhớ lại, năm 1999, thời điểm xảy ra trận lũ lịch sử là vào khoảng từ ngày 1-6/11/1999, lúc đó Quảng Trị vừa trải qua cơn bão số 9 vào tháng 10 nên mực nước các sông vẫn đang trên mức báo động II, có thể gọi là lũ chồng lũ. Mưa lớn không dứt, chỉ trong hai ngày đầu tháng 11/1999, lượng mưa đo được ở đồng bằng là 1.368 mm, gần bằng tổng trung bình hằng năm, lũ lên nhanh không kịp trở tay. Khắp nơi chìm trong biển nước, nặng nhất là các vùng Triệu Phong, Hải Lăng… Cường độ mưa lớn làm nước lũ trên sông Sê Pôn lên nhanh gây ngập lụt nhiều làng bản thuộc huyện Hướng Hóa, có nơi ngập sâu 2-3m gây ách tắc giao thông. Mọi ngả đường bị chia cắt. 11 đoạn trên tuyến kênh N1 của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn là tuyến đê bao chống lũ đã bị nước tràn qua, gây sạt lở nghiêm trọng.

Nhận định khả năng có lũ lớn xuất hiện trên diện rộng, ngay chiều 2/11/1999, lãnh đạo tỉnh cùng với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã họp khẩn cấp, triển khai ngay các phương án phòng chống lũ lụt, trước tiên ưu tiên cứu dân và cứu tài sản. Các nhiệm vụ cấp bách được triển khai gồm chỉ đạo cứu hộ các hồ đập, tổ chức khẩn cấp di dời dân tại các vùng thấp lên vùng cao và các nhà cao tầng. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn phối hợp với các địa phương trực tiếp chỉ đạo triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn, tập trung bảo vệ các hồ chứa nước với phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. “Lúc bây giờ vấn đề quan trọng nhất là di dời dân đến nơi an toàn, lo cái ăn, chỗ ở cho người dân, tỉnh đã điều động gạo của công ty lương thực, hàng chục vạn gói mì ăn liền của ngành Thương mại đưa xuống các vùng ngập lụt để cứu trợ cho nhân dân. Tôi ấn tượng nhất là tình người ấm áp trong lũ, từ việc các bà, các chị ở thôn nấu cơm nắm, làm bánh… cứu trợ cho người dân cho đến nhiều gia đình cưu mang chỗ ở, chia sẻ lương thực cho những người hoạn nạn khác…rất đáng quý”, ông Bài nhớ lại.

Trong mọi nỗ lực chống chọi với lũ, nhiều người dân đã trải qua trận lũ năm 1999 nhớ lại, ngoài việc tìm mọi thứ trong nhà như bàn, ghế, giường, tủ kê thật cao để ngồi trên đó trú ẩn, gia đình đã dành ra một chỗ “ưu tiên” cho vật nuôi như heo, bò vốn là tài sản không nhỏ, tuy vậy với sức người có hạn, con người thực sự bất lực trước thiên tai. Qua cơn lũ dữ, Quảng Trị có 56 người chết, 43 người bị thương, 80/136 xã, phường thuộc 9 huyện, thị xã trong tỉnh với 59.936 ngôi nhà bị ngập lụt, trong đó có 29.721 nhà bị ngập sâu từ 1,5 - 4m, 5.068 nhà xiêu vẹo, 2.186 nhà bị đổ và 309 nhà bị lũ cuốn trôi. Hàng trăm người lâm vào cảnh không có nhà ở, tình cảnh đói rét, ốm đau, dịch bệnh đe dọa, môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.

Công cuộc khắc phục sau lũ là một hành trình gian nan. Bùn đất có nơi dày nửa mét. Công trình giao thông, hệ thống đê, kè, cống và kênh mương thủy lợi, hạ tầng đô thị bị hư hỏng nghiêm trọng. Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chính là mối lo lớn của chính quyền địa phương cũng như người dân khi toàn bộ lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng, hàng chục nghìn tấn lương thực bị hỏng và giảm chất lượng, lúa giống, lạc giống, ngô giống cho vụ mùa tới bị ẩm không sử dụng được.

Trong điều kiện thời tiết những ngày cuối năm 1999 mưa rét kéo dài, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo điều hành khôi phục khẩn cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu, huy động mọi lực lượng tham gia nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống và điều kiện học hành cho nhân dân và con em vùng ngập lụt. “Đúng ngày 8/12/1999, các hố bị vỡ trên kênh N11 được khắc phục hoàn toàn, hơn 4.000 ha lúa của vùng Triệu Phong kịp xuống giống để sản xuất vụ đông xuân 1999 - 2000, những người làm nông nghiệp chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Bài chia sẻ.

Quy hoạch tổng thể để ứng phó với thiên tai

Ngay sau khi kết thúc đợt lũ lịch sử năm 1999, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, giải pháp tổng thể trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước, ngành nông nghiệp tiến hành điều tra vết lũ, khoanh vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt, vùng bán ngập, vùng bị sạt lở (bờ sông, bờ biển), sụt lún, vùng thường xuyên bị lũ ống, lũ quét... để phục vụ việc xây dựng các phương án tổng thể của ngành. Đối với Quảng Trị, các mốc cảnh báo lũ đã ra đời ngay sau trận lũ lịch sử 1999, ban đầu xây dựng được 81 mốc cảnh báo lũ trên địa bàn tỉnh, đặt ở chợ, bến thuyền, nơi tập trung đông dân cư… để người dân biết, thông báo cho nhau khi có dấu hiệu bất thường.

Chia sẻ về những giải pháp lâu dài mà ngành nông nghiệp đã triển khai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, đối với thủy lợi, ngành đã quy hoạch sử dụng, bảo vệ nguồn nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Những năm qua, việc xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi tổng hợp và đa mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi và hiệu suất tưới, đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời xây dựng các hệ thống đê bao, cống ngăn mặn để kịp thời ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư. Ngoài nhiệm vụ tưới, tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất dân sinh, các công trình thủy lợi còn tham gia điều tiết lũ, cải tạo môi trường sinh thái trong vùng… Đối với nông nghiệp, đã quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với tình hình biển đổi khí hậu như hiện nay. Cụ thể, với vùng sản xuất dễ bị tổn thương thì có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lí, bố trí các giống cây trồng thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Quy hoạch cây công nghiệp, cây lương thực thành vùng chuyên canh, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kĩ thuật về giống, kĩ thuật canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước. Điều chỉnh thời vụ, xây dựng phương án sản xuất sát với tình hình thời tiết nhằm lách, tránh với diễn biến của thiên tai, hạn chế thiệt hại do thiên tai. Áp dụng rộng rãi các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một vấn đề quan trọng nữa là rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch và triển khai di dời, sắp xếp, ổn định dân cư tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa bàn thấp trũng, khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển, khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, tỉnh đã xác định việc xây dựng bản đồ ngập lụt có ý nghĩa quan trọng nhằm chủ động ứng phó và phòng chống thiên tai. Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh có ba lưu vực sông chính gồm Thạch Hãn, Bến Hải, Ô Lâu và hai phụ lưu sông Mê Kông là Sê Pôn và Sê Băng Hiêng, để phục vụ cho việc chỉ đạo ứng phó với thiên tai lũ lụt, xác định khu vực ngập lụt và mức độ ngập lụt, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng bản đồ ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ dự án quản lí rủi ro thiên tai (WB4) đã xây dựng bản đồ cảnh báo lũ lưu vực sông Thạch Hãn-Bến Hải, bản đồ ngập lụt do siêu bão, nước biển dâng, bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá… Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng bản đồ ngập lụt đối với sông Ô Lâu và hai phụ lưu sông Mê Kông là Sê Pôn và Sê Băng Hiêng.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, ngoài các giải pháp căn bản trên, cụ thể đối với từng lĩnh vực như lâm nghiệp, thủy sản, ngành cũng đã xây dựng các phương án nhằm phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường quản lí và bảo vệ rừng, chống suy giảm rừng tự nhiên, thực hiện quản lí tổng hợp tài nguyên thủy sản gắn với tổng hợp nguồn nước, bảo tồn và nhân giống thủy sản, hạn chế khai thác triệt để quá mức cho phép. Tổ chức rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng các khu neo đậu tránh, trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống các tuyến đê bao nội vùng bảo vệ nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn, phục vụ sản xuất.

Chủ động ứng phó với thiên tai không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, mà việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho cộng đồng là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi chỉ khi người dân chủ động, tự chuẩn bị phòng chống thiên tai cho chính gia đình mình thì có nghĩa họ đã hiểu được sự nguy hiểm của thiên tai và khi ấy mọi quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng mới được chấp hành nghiêm chỉnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143601